Xóm nghệ sĩ

21/07/2013 03:05 GMT+7

Ở quận 8 (TP.HCM) có một khu nhà trọ đông đúc được gọi là “xóm nghệ sĩ”. Bao nhiêu cảnh đời đang tựa nương vào nhau mà sống...

Đại gánh hát của miền nam

Vừa tới chân cầu Rạch Ông, hỏi xóm nghệ sĩ là người dân biết liền và họ chỉ đường thật nhiệt tình. Quẹo vô con hẻm lớn, rồi lại quẹo vô con hẻm khác, rồi lại quẹo lần nữa, tới khi thấy một khu nhà có bảng số 4 “xuyệt” là đúng địa chỉ. Mỗi khu trên dưới 30 căn hộ, tổng cộng 3 khu cũng lên tới hàng trăm căn. Diện tích mỗi nhà chừng 25-35 m2 , thêm một gác gỗ phía trên nữa chứa hai vợ chồng và hai đứa con, có khi thêm một mẹ già.

Hầu hết là nghệ sĩ sân khấu. Đông nhất là dân cải lương, rồi đến tấu hài, một ít ca nhạc. Họ từ các đoàn cải lương tỉnh trôi dạt về đây kiếm sống khi các đoàn tan rã. Cứ tưởng về Sài Gòn làm thuê làm mướn, phải bỏ nghề, không ngờ cái nghiệp cầm ca vẫn bền bỉ lặng thầm, và họ tiếp tục làm con tằm nhả tơ. Dù ít tên tuổi, ít sắc vóc, thậm chí có người chưa bao giờ khán giả nghe tên, nhưng lạ kỳ thay, sân khấu vẫn nuôi họ như một sự thủy chung.

Xóm nghệ sĩ 
Vợ chồng nghệ sĩ Xuân Diệu - Ảnh: Hoàng Kim

Hầu hết đều là con nhà nòi, theo cải lương từ đời ông bà đến đời cha mẹ, rồi nay con cái nối nghiệp một cách nhiệt tình. Như nghệ sĩ Duy Mỹ ba đời lênh đênh sông nước miền Tây, đến anh đã có 40 năm thâm niên. Nghệ sĩ Tuyết Hiền là con của nghệ sĩ lão thành Phúc Ánh cùng thời với NSND Út Trà Ôn. Hoặc Hoàng Vũ là cháu gọi bà bầu Kim Chưởng lừng lẫy một thời là cô ruột. Hoặc Phương Thảo là con của một diễn viên phụ trong đoàn Thanh Minh-Thanh Nga ngày xưa. Có cả những nghệ sĩ hiện đang công tác trong Nhà hát Trần Hữu Trang hoặc đàn cho HTV như cô đào Lý Thu, kép độc Thanh Hồng, nhạc sĩ Lữ Đạt... Rồi những tên tuổi rất quen thuộc nhờ chuyển sang tấu hài như Khánh Nam, Linh Thanh, Phi Bảo, Chung Chung... Cả bé Châu nổi đình nổi đám trong giới tuổi teen, hoặc nghệ sĩ Chí Hải em ruột của nghệ sĩ Chí Tâm, cũng là dân xóm trọ này. Thú vị khi gặp nghệ sĩ Xuân Diệu bôn ba từ Bạc Liêu lên đây, để rồi được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “kỷ lục gia” vì có tài phun nước, bơm xe đạp, thổi bong bóng bằng mắt.

Có khi trong nhà cả vợ lẫn chồng đều theo nghiệp tổ, như vợ chồng Duy Mỹ-Lý Thu, Lữ Đạt-Phương Thảo. Phận tằm dễ thông cảm cho nhau, nên kết lại để tựa nương nhau. Và hầu hết nghệ sĩ ở đây sống nhờ các sô diễn nhỏ như hát đám cưới, đám ma, hát quán.

 

Chị coi có cái gánh hát nào bự cỡ vậy không? Hơn trăm người, muốn gọi sô dễ ợt, chỉ cần ới một tiếng là đủ mặt. Nam phụ lão ấu, tân cổ đờn sáo gì cũng có. Tụi tôi chia sẻ sô diễn với nhau để cùng sống như trong một gánh hát vậy

Nghệ sĩ Lữ Đạt

Một số ít người như Hoàng Vũ, Duy Mỹ còn được mời đóng phim bộ, có khi vài chục phân đoạn. Đời sống văn nghệ trong dân gian coi vậy mà luôn rộn ràng, cho nên dù cát sê ít nhưng vẫn nuôi được nghệ sĩ. Một số khác thì trong nhà có người làm thêm nghề phụ, như vợ của Xuân Diệu ngồi may gia công, bầu sô Minh Trí cho thuê căn hộ mở quán nước... Tổ nghiệp dường như vẫn phù hộ cho họ để nghề hát không đứt đoạn. Lữ Đạt nói: “Chị coi có cái gánh hát nào bự cỡ vậy không? Hơn trăm người, muốn gọi sô dễ ợt, chỉ cần ới một tiếng là đủ mặt. Nam phụ lão ấu, tân cổ đờn, sáo gì cũng có. Tụi tôi chia sẻ sô diễn với nhau để cùng sống như trong một gánh hát vậy”. 

Ngăn nắp và tương thân tương ái

Thật lạ là đi khắp xóm trọ chỉ thấy một không gian yên ắng, và những con hẻm nội bộ thì sạch trơn không một cọng rác. Giày dép để ngay ngắn trước bậc thềm. Xe máy dựng nép vào tường thẳng hàng thẳng lối, chứ không nghênh ngang, xiên xéo như nhiều con hẻm tôi từng biết. Trong mỗi căn nhà nhỏ xíu kia, tôi nhìn vào thấy có người ngồi xem tivi nhưng mở chỉ vừa đủ nghe. Anh Xuân Diệu kỷ lục gia thì lấy chổi quét nhà liên tục dù sàn gạch đã sạch bóng. Cô đào Lý Thu, Phương Thảo, Tuyết Hiền thì lui cui nấu ăn dưới bếp, mắt trông chừng mấy đứa con nhỏ đang loanh quanh chơi gần đó. Căn nhà bề ngang bề dài đều ngắn ngủn, nên nhìn vô là thấy hết sinh hoạt gia đình. Tôi cảm nhận có cái gì đó rất yên bình nơi đây. Chồng đi hát tới nửa đêm mới về, còn ngủ trên gác tới 9-10 giờ mới dậy, nhưng các bà vợ đã thức sớm lo cơm nước chu đáo cho cả nhà, rất nữ tính, đảm đang. Nhìn vô căn nhà ngăn nắp thấy được phẩm chất của người nội tướng. Cô Lý Thu còn pha sữa mang đến giường cho bà mẹ già gần 80 tuổi. Còn anh Hoàng Vũ thì ăn chay trường, tự mình nấu món chay nổi tiếng là ngon trong xóm. Anh còn dành nửa căn gác nhỏ để thiết kế “chánh điện” đủ cả bàn thờ Phật, chuông mõ tụng kinh. Con của anh mới 4 tuổi mà đã lăng xăng đón khách, cực kỳ dạn dĩ và thân thiện, lễ phép. Một không gian sống khá bất ngờ đối với tôi vốn là cư dân của hẻm Sài Gòn.

Và ông chủ nhà trọ, tên Tư Mịn, cũng là một người mê nghệ sĩ. Ông dành hẳn một cái sân rộng có mái che để mọi người sinh hoạt chung. Nhà ai có thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, thì chỉ bỏ một số ít tiền thôi, coi như mua nguyên liệu, vợ ông đứng ra nấu ăn giùm. Cái sân đó còn là nơi nghệ sĩ cúng tổ rộn ràng mỗi năm. Bắt đầu từ một ao rau muống, đường sá sình lầy, Duy Mỹ và 2 người bạn nữa về thuê căn nhà lá ở tạm đầu tiên năm 1990, mà bây giờ đã thành một xóm trọ đông đúc, khang trang, văn hóa như thế. 

Giấc mơ đổi đời

Thật sự giấc mơ ấy đã tiêu tan theo năm tháng. Lữ Đạt nói: “Tụi tôi chỉ hy vọng kiếm đủ tiền sống hằng ngày là mừng rồi, làm sao mua nhà nổi”. Duy Mỹ: “Hồi còn trẻ, tôi cũng ước mơ lắm, nhưng bây giờ chấp nhận. Mình tên tuổi cỡ này, sống được cỡ này, gia đình hòa thuận, là đủ hạnh phúc. Nghĩ vậy thì bớt lo, bớt khổ. Nói thiệt, tôi chẳng thèm ưu tư nữa, rảnh thì đi hát công quả cho chùa, đời vẫn đẹp sao”. Hoàng Vũ thì tranh thủ ngày nghỉ chạy ra chùa Bồng Lai (Bà Rịa-Vũng Tàu) chăm sóc mấy chục đứa trẻ mồ côi. Mới đây hai anh vừa có vai diễn rất hay trong bộ phim Phật giáo tựa là Nghịch tử, Duy Mỹ bỗng nhiên nổi tiếng, được mời đi giao lưu ở Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng. Đổi đời đó thôi!

Thực ra cũng có một số ít người bước ra khỏi xóm trọ để mua nhà riêng tử tế. Như nghệ sĩ Minh Trí đi đàn cho các đám tiệc, người ta kêu nhiều quá, anh về kêu lại anh em, riết thành bầu sô luôn. Hoặc nhạc sĩ Út Sồi đàn cổ nhạc, ban đầu cho thuê giàn âm thanh, sau nhiều người thuê quá, ông sắm thêm một cái, rồi một cái... riết thành ra cả chục giàn, đủ tiền mua nhà. Nghệ sĩ đồng nghiệp mừng cho mấy người này. Nhưng để được như vậy thì xa vời lắm. Giấc mơ giờ gần gũi hơn, chỉ cần một tháng trong sổ đánh dấu sô thiệt nhiều là bay bổng lên mây!. 

Hoàng Kim

>> Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu
>> Nhà lưu niệm Xuân Diệu trở thành di tích văn hóa - lịch sử
>> Choáng với 'quà khủng' fan tặng nghệ sĩ!
>> 50 nghệ sĩ tham gia Gala nhạc Việt
>> 10 nghệ sĩ nhạc đồng quê giàu nhất 2013

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.