Xài “chùa” nhạc phim

12/08/2010 23:46 GMT+7

Khi phim truyền hình VN phủ sóng dày đặc trên các đài, không khó để nhận ra sự nghèo nàn và nạn vay mượn, chắp vá nhạc phim.

Chỉ đặt viết ca khúc chủ đề

Đó là cách mà các nhà sản xuất hiện đang ưa dùng, để vừa tiết kiệm thời gian, vừa bớt được khoản chi phí đáng kể. Bởi, nếu đặt nhạc sĩ thực hiện toàn bộ phần âm nhạc cho phim (gồm nhạc nền lẫn ca khúc chủ đề), thì một bộ phim 30 tập sẽ tốn khoảng 90 triệu đồng (mỗi tập trung bình 3 triệu đồng); trong khi viết ca khúc chủ đề chỉ tốn chừng 10 - 15 triệu đồng/bài.

Vậy nên, khi phim truyền hình được sản xuất vừa nhanh vừa nhiều để đủ số lượng lên sóng, rất hiếm phim được nhà sản xuất ưu ái chăm chút cho âm nhạc của phim - mời nhạc sĩ viết cả ca khúc lẫn làm nhạc nền, mà chỉ đặt bài hát chủ đề, còn phần nhạc nền để bộ phận kỹ thuật thực hiện khi làm hậu kỳ. Nếu bộ phận kỹ thuật có khiếu về âm nhạc thì chọn được nhạc phù hợp, ngược lại, người xem sẽ “được” nghe những đoạn nhạc minh họa tréo ngoe, chẳng ăn nhập.

 
Một đoạn nhạc nền trong tập 31 của phim Thứ 3 học trò bị phát hiện giống phần nhạc mở đầu phim Trái tim mùa thu - Ảnh: T.V.P

Vì thế, sau khi đặt nhạc sĩ viết ca khúc cho phim, nếu nhà sản xuất đã yên tâm vì phim có cái để giới thiệu và kết thúc, thì người viết nhạc lại thấp thỏm vì không biết tác phẩm mình sẽ được sử dụng ra sao trong toàn phim. Quan trọng hơn, người viết còn sợ bị khán giả hiểu lầm, tưởng rằng mình sáng tác ca khúc là viết luôn nhạc nền vì phần giới thiệu trên phim thường ghi chung chung là âm nhạc của nhạc sĩ A, B, C... nào đó, chứ ít khi phân biệt rõ giữa tác giả viết nhạc nền với tác giả ca khúc của phim. Một số nhạc sĩ cho rằng đã có không ít trường hợp bị khán giả tưởng là “chôm” nhạc, đạo nhạc, vì thấy tên mình trong phần âm nhạc phim dù chỉ viết ca khúc chính, mà xem phim thì lại nghe nhiều đoạn nhạc nền rất quen của các tác giả nổi tiếng thế giới (!).

Coi chừng bị kiện!

Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng như nhiều nhạc sĩ hay viết nhạc cho phim khác đã lên tiếng cảnh báo như thế khi càng ngày, việc tùy tiện “vào thư viện” (mỗi hãng phim thường có thư viện nhạc để dùng cho phần nhạc nền, nhưng đa số không rõ ràng tác quyền - NV) lấy nhạc hoặc “tải trên mạng” xuống để làm nhạc nền cho phim càng phổ biến. Cũng không khó để thấy rằng nhiều phim dùng đi dùng lại những đoạn nhạc không lời giống nhau, cho những tình huống khác nhau, miễn là... nghe được. Và trong tình hình hiện nay, làm được như vậy cũng là khá lắm rồi, bởi trong một số bộ phim không ít tình huống nhạc một đường, nội dung một nẻo: khi cần hồi hộp căng thẳng thì cho nhạc êm ái, lúc cần êm ái thì trỗi nhạc ai oán thê lương...

Mới đây, cư dân mạng phát hiện và xôn xao việc nhạc nền của một đoạn trong tập 31 phim Thứ 3 học trò giống y nhạc mở đầu của phim Trái tim mùa thu (Hàn Quốc); một đoạn khác gần cuối phim này cũng bị cho là ăn cắp nhạc (ca khúc Sunadokei) của phim 1 litre of tears (Nhật). Ca khúc chính trong phim Gió nghịch mùa cũng bị cho khá giống với một bài trong phim Cô em họ bất đắc dĩ (Hàn Quốc). Còn nhạc trong phim Bộ tứ 10A8, phim Chít và Pi cũng bị cho là lấy từ nhạc game Chrono Corss (Nhật); hay bài Nagisa trong phim Clannad (Nhật) cũng bị “chôm” để đưa vào phim Sắc đẹp và danh vọng...

Sau hiện tượng “đạo” ca khúc, “đạo” kịch bản..., giờ đến nhạc phim Việt cũng bị cho là “chôm”, vay mượn không hỏi ý kiến. Nhưng vấn đề là khi khán giả phát hiện, phản ánh thì mọi thứ lại theo quy trình cũ như các trường hợp “đạo” khác: ai bức xúc thì lên blog, trang web cá nhân... mà bày tỏ, bởi “người ta” không kiện thì sao “mình” phải tự thú!

* “Mình là người sáng tạo, chắc chắn không bao giờ thích người khác xài “chùa” sản phẩm của mình. Vậy thì khi mình “chôm” của người khác để dùng công khai trên truyền hình như vậy, người ta biết sẽ nghĩ gì, làm gì?” - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận.

* “Có lẽ điều mà ai cũng nhận thấy là phim truyền hình VN bây giờ được làm quá gấp gáp, khâu nào cũng cập rập, thì làm sao đòi hỏi cao ở nhạc phim được” - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.