Vĩnh biệt “người đi tìm thuốc trong nghệ thuật”

22/12/2012 03:45 GMT+7

Sau một thời gian dài điều trị tại Khoa Chăm sóc đặc biệt (Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM) với nhiều bệnh nan y (tiểu đường, suy thận mãn, nhiễm trùng huyết…), GS-BS Trương Thìn đã từ trần lúc 18 giờ 55 ngày 20.12, thọ 72 tuổi.

BS Trương Thìn sinh năm 1940 tại Bao Vinh (Thừa Thiên-Huế), tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968. Tuy tốt nghiệp Tây y nhưng ông lại chuyên tâm nghiên cứu các tinh hoa y học cổ truyền.

Vĩnh biệt “người đi tìm thuốc trong nghệ thuật”
Giáo sư - bác sĩ Trương Thìn

Đồng nghiệp của ông - BS Đỗ Hồng Ngọc, nhớ lại: “Trương Thìn là một sinh viên nổi tiếng hùng biện của trường y, một tay “xách động”, xông xáo trong phong trào sinh viên đấu tranh thời đó…”. Ở Viện Y học dân tộc (TP.HCM), BS - Viện trưởng Trương Thìn đã cho treo tranh của anh ở tất cả các phòng bệnh (cả ở hành lang, lối đi). Bao quanh Viện là một khu vườn tượng rợp bóng và rất sạch sẽ. Ở đó có y miếu thờ các vị y tổ, có tượng các vị danh y Việt Nam và cả những nghệ sĩ đương thời (Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng). Thỉnh thoảng, Trương Thìn và các đồng nghiệp - nghệ sĩ của anh tổ chức những đêm thơ nhạc có chủ đề cho bạn bè và bệnh nhân nghe. Về nhạc, Trương Thìn sáng tác cả “kho”, đó là những trường ca đầy tính nhân văn và sáng tạo: Kiều ca Một xe trong cõi hồng trần (phổ thơ Nguyễn Du), Y đạo ca Lãn ông trở về quê hương yêu dấu (phổ từ Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác), Chinh phụ ngâm (phổ thơ Đoàn Thị Điểm), Dạ khúc trăng thơm (thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê), rồi phổ thơ Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư… và của bạn bè. Năng lượng để sáng tạo nghệ thuật của Trương Thìn khiến ai cũng phải nể phục: thơ làm cả ngàn bài, nhạc có đến 400 - 500 bản, tranh vẽ hơn nghìn bức, tượng nặn được cả trăm… Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng từng bảo: “BS Trương Thìn đưa cả 4 loại hình “cầm, kỳ, thi, họa” vào cách chữa bệnh. Các bệnh nhân của Viện Y học dân tộc rất được lợi từ điều này!”.

Vậy mà, người thầy thuốc đa tài: Phó chủ tịch Hội Châm cứu VN, Chủ tịch Hội Châm cứu TP.HCM, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM ấy đã vĩnh viễn ra đi với nhiều hoài bão còn ấp ủ.

Linh cữu GS-BS Trương Thìn quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ viếng trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật (22 - 23.12). Lễ động quan lúc 6 giờ 30 sáng thứ hai (24.12), hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa.

Hà Đình Nguyên

>> Nguyễn Phi Phi Anh: Phải có gì trong đầu để chuyển tải qua nghệ thuật
>> Dấu ấn của nghệ thuật nhảy múa
>> Nghệ thuật không giới hạn
>> Đưa nghệ thuật hát bội đến khán giả trẻ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.