Viết sử thi bằng phim tài liệu

09/06/2013 02:21 GMT+7

Sự hoàn hảo và tỉ mỉ của từng khuôn hình, từng vệt sáng. Những khoảng im lặng hùng hồn. Câu chuyện của thời đại. Lê Mạnh Thích là thế - mỗi bộ phim tài liệu của ông đều mang chất sử thi.

Hình như với anh, phim nào anh cũng làm trong tâm trạng bộ phim cuối cùng của đời mình

Đạo diễn Nguyễn Thước

Một sông Đà khi đẹp, lúc cuồng nộ cuối cùng đã bị khuất phục. Điện từ sông Đà không chỉ là điện, đường dây lên sông Đà cũng không chỉ là đường dây. Nó như một cột mốc trên đường đất nước đi tới. Trong tác phẩm điện ảnh tài liệu Đường dây lên sông Đà, Lê Mạnh Thích đã kể về đường đi tới cột mốc đó một cách giản dị. Những vết dây ấn hằn xuống lưng người công nhân. Những độ cao hàng cột được chinh phục. Nghe thấy tiếng con sứ được đưa lên cao. Cũng thấy cả mồ hôi chảy tràn ra như vắt quần áo đang giặt sau mỗi giờ làm. Với chỉ hơn mười phút nhưng quá trình làm phim đã được ghi lại bằng khoảng thời gian tính bằng tháng, bằng năm.

Bộ phim không kể về một anh hùng lao động nào cụ thể. Dưới ống kính của Lê Mạnh Thích, tất cả những đôi bàn tay rắn rỏi, những đôi chân vạm vỡ, những giọt mồ hôi, những vạt áo lấm lem bùn đất đều trở thành nét đẹp khỏe khoắn của miền Tây Bắc. “Phim không lời mà lắng đọng sâu thẳm trong tâm hồn người xem”, NSƯT Võ Kim Môn nhận xét.

Lê Mạnh Thích vào nghề cũng lặng lẽ như tác phẩm đầu tay Đường dây lên sông Đà (1981) của ông vậy. Ông bắt đầu công tác ở Xưởng phim Việt Nam trong vai trò thư ký đạo diễn phim truyện từ khá sớm (khoảng những năm 1960). Nhưng phải 20 năm sau sự nghiệp sáng tác của ông mới thực sự bắt đầu và được khán giả biết đến với sự thành công xuất sắc của Đường dây lên sông Đà. Những thước phim không lời nhưng hoàn hảo và tỉ mỉ đến từng góc quay, hướng sáng, từng khung nhạc nền đã dựng lại cho chúng ta tất cả mồ hôi, công sức để đánh đổi lấy ánh sáng, nụ cười của những người dân mang đường dây điện lên Tây Bắc. Lê Mạnh Thích đã ghi dấu ấn bởi một phong cách làm phim cẩn trọng, cầu kỳ và đầy tính nghệ thuật tạo hình từ đó.

“Anh em đồng nghiệp thân thiết không ai là không thán phục sự “lì lợm” trong công việc của anh”, đạo diễn Nguyễn Thước nói. Đạo diễn Lê Mạnh Thích có thể mất cả buổi chiều chỉ để đợi một vệt nắng chiếu vào đúng góc khuôn hình mình cần. Ông cũng có thể chấp nhận mọi điều để kéo dài ngày ở lại cố đón lấy một cơn mưa. Để có được cảnh những trẻ em bán báo dưới mưa trong bộ phim Xa mẹ, đạo diễn và đoàn làm phim đã phải chờ cả tuần liền. Riêng cảnh quay vòng nước xoáy cuộn trào trong phim, ông cũng đã phải quay đi quay lại tới ba bốn lần cho tới khi ưng ý. Tầm vóc phim ông phần nào cũng đến từ những khuôn hình kỹ tính đó. “Hình như với anh, phim nào anh cũng làm trong tâm trạng bộ phim cuối cùng của đời mình”, đạo diễn Nguyễn Thước nhớ lại.

Viết sử thi bằng phim tài liệu
NSND Lê Mạnh Thích (phải) - Ảnh: Tư liệu

Trăn trở những kiếp người

“Vào một bộ phim, anh vật vã từ ngày cầm kịch bản trên tay đến ngày cuối cùng bộ phim được duyệt”, ông Thước kể lại. Niềm trăn trở đối với mỗi đứa con tinh thần đó xuất phát từ niềm trăn trở trong sâu thẳm ông về cuộc đời, về kiếp người. Rồi chúng ta được tận mắt thấy người thợ điện bé nhỏ đu trên những cột điện lừng lững đầu tiên mọc lên bên sông Đà. Ông cũng kể câu chuyện về sự thiếu thốn của những con người “sống trong đá chết vùi trong đá” nơi cao nguyên. Ông “gây sốc”, đánh thức dư luận với câu chuyện hậu chiến trong Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy - vẫn lặng lẽ vô danh phía sau những cồn cát trắng bạt ngàn… Lê Mạnh Thích luôn tìm kiếm và nâng niu những cuộc đời, những số phận nổi trôi, phiêu bạt đó và khắc họa lại thành chân dung những con người Việt Nam anh hùng. Chất sử thi của phim ông là thế.

Cuộc đời của đội nữ dân quân đã từng lập công bắn cháy tàu chiến Mỹ những năm 1967 - 1968 có lẽ sẽ lặng đi, chôn sâu dưới những cồn cát cháy bỏng của nắng gió Quảng Bình nếu không có Lê Mạnh Thích. Trở lại Ngư Thủy là câu chuyện cảm động về những mảnh đời bị lãng quên sau chiến tranh. Xem phim, người ta chợt tự vấn - rằng mình đã thờ ơ đến thế ư? Thành công của bộ phim sau đó đã khiến người ta mở một con đường dẫn vào thị xã. Ngư Thủy đã có điện thắp sáng. Cuộc sống người dân được cải thiện; những cô gái anh hùng vô danh được các nhà báo khắp cả nước quan tâm, biết đến… Cách nào đó Lê Mạnh Thích đã làm được một “đường dây về Ngư Thủy” - để kết nối người anh hùng về cuộc sống đời thường, đưa chiến tranh “đáp êm” vào hòa bình cũng như nối được lòng biết ơn đến những hy sinh không thể không đền đáp.

Những đan xen của chiến tranh và hòa bình, của cuộc sống hối hả với sự dừng lại quan tâm đến người khác, giữa những mối quan tâm mới và quá khứ bi hùng là dòng chảy chủ đạo trong phim Lê Mạnh Thích. Đâu đó, có xung đột. Nhưng cái nhìn cuối của ông vẫn quả cảm, không gợn chút bi quan hay ai oán. Nó giục lòng người phải đi tới, làm tới một điều gì đó có ý nghĩa. Không thể không thấy tâm tư trĩu nặng trách nhiệm công dân, lẫn lòng yêu thương đồng bào của ông luôn song hành.

Đạo diễn nhiều phim tư liệu giàu chất sử thi Lê Mạnh Thích lớn vì thế. 

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Mạnh Thích (1938 - 2004), Giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư là một đạo diễn phim tài liệu lớn của điện ảnh Việt Nam với những tác phẩm nổi tiếng như: Đường dây lên sông Đà (giải Bồ câu vàng LHP tại Đức - 1982), Xa mẹ, Cuộc hội ngộ sau 30 năm (giải Phim tài liệu xuất sắc LHP Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương tại Thượng Hải, Trung Quốc - 1996, Về cố hương, Chìm nổi sông Hương (giải Kịch bản tại LHP Nhật - 1995), Trở lại Ngư Thủy (giải Phim tài liệu xuất sắc nhất trong LHP châu Á  - Thái Bình Dương - 1998)...

Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2005, được CH Pháp tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật.

Quỳnh An - Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.