Việt hóa game show ngoại đến đâu?

07/12/2011 00:00 GMT+7

Hầu hết các game show, chương trình truyền hình thực tế ở ta hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài.

Hầu hết các game show, chương trình truyền hình thực tế ở ta hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài.

Những game show thu hút người xem thời gian qua phải kể đến là Vietnam Idol (dựa theo American Idol), Hành trình kết nối những trái tim (dựa trên bản quyền chương trình Ainori hay Love Ride của Đài truyền hình Fuji, Nhật Bản), Vietnam’s Next Top Model (được sản xuất theo chương trình truyền hình thành công bậc nhất tại Mỹ America’s Next Top Model), Bước nhảy hoàn vũ (bản gốc là Dancing with the stars mua bản quyền từ Đài truyền hình Bulgaria) và hiện được quan tâm nhiều nhất là Cặp đôi hoàn hảo (mua bản quyền từ Just the two of us lần đầu tiên xuất hiện trên kênh BBC của Anh).

Đa số những chương trình được mua bản quyền về VN đều đã thành công ở nước ngoài, đã được thử lửa về độ hấp dẫn công chúng. Dĩ nhiên, mỗi chương trình khi đến từng quốc gia sẽ được thực hiện phù hợp với đặc trưng văn hóa của quốc gia đó. Một số chương trình thành công khi được Việt hóa đó là Chiếc nón kỳ diệu, Chúng tôi là chiến sĩ. Bên cạnh đó, một số chương trình khi “Việt hóa” lại đi khá xa phiên bản gốc.

 
Một tiết mục của cặp đôi giải nhất Đoan Trang - Trấn Thành - Ảnh: Khả Hòa

 

Còn nhớ khi Vietnam’s Next Top Model năm 2010 khởi động, khán giả từng phản ứng bởi một số tình tiết được xem là “hơi quá”. Bước sang mùa thứ hai 2011, BTC đã có sự điều chỉnh để những hoạt động bên trong và ngoài ngôi nhà chung của thí sinh phù hợp hơn. Song vẫn tiếc là những nhận xét, góp ý của ban giám khảo ở những tập đầu và giữa xem ra gay gắt đến mức không cần thiết. Một số tình huống trong ngôi nhà chung về việc ăn ở, đi lại, cãi vã… lẽ ra nên giấu đi thì lại đưa tất tần tật lên truyền hình làm người xem thấy cuộc chơi… tào lao. Chưa kể những chuyện lùm xùm liên quan đến tiền bạc xảy ra gần đây làm hạ uy tín khi cuộc thi đang gần đến hồi kết. Nhiều khán giả từng xem America’s Next Top Model khi xem qua phiên bản Việt đều có cùng nhận xét nó đi khá xa bản gốc và thiếu tính hấp dẫn. Những sự cố liên quan đến phát ngôn của giám khảo trong Bước nhảy hoàn vũ vừa qua khiến dư luận phản ứng cũng là do phát ngôn của giám khảo chưa phù hợp với văn hóa Việt.

Cặp đôi hoàn hảo đêm cuối

Xung quanh đêm chung kết của Cặp đôi hoàn hảo đã có 2 chiều ý kiến. Có ý kiến cho rằng buồn, chán, thiếu phong độ; ý kiến khác lại đánh giá giám khảo và cả thí sinh đã về đích đúng tinh thần một chương trình truyền hình thực tế cần.

Xuyên suốt 7 đêm thi của 8 cặp thí sinh trước khi bước vào đêm cuối cùng đã có sự theo dõi rất kỹ từ phía đơn vị nắm bản quyền là BBC. Tất cả những sự thay đổi từ đèn sân khấu, ánh sáng, cách ghi hình, trang trí phông trên sân khấu, sử dụng vũ công minh họa, nhóm bè… đến cách sắp xếp khán giả (khán giả ngồi những hàng ghế đầu không được bỏ về, không được nghe điện thoại trong lúc ghi hình…) đã được BBC gửi cho BTC yêu cầu điều chỉnh. Đó là chưa kể đến mỗi tiết mục dự thi của từng thí sinh, chiêu trò đều không thể lọt qua tầm ngắm của họ.

Yêu cầu từ phía BBC là trong mỗi phần biểu diễn phải có tính hài hước pha lãng mạn; có thể là kịch tính, cảm động… Tuy nhiên, tất cả phải phụ thuộc vào nội dung bài hát và cá tính của từng cặp đôi. Theo như những gì từ đơn vị nắm bản quyền góp ý thì cách “chiêu trò hóa” tiết mục biểu diễn của một vài cặp đôi xem ra đã đi khá xa nội dung và yêu cầu từ phía phiên bản gốc.

Có dịp xem bản gốc Just the two of us  từ BBC mới hiểu hơn vì sao đêm chung kết Cặp đôi hoàn hảo từ ban giám khảo đến thí sinh trở nên “chừng mực” hơn. Những điểm số và lời nhận xét từ BGK cẩn trọng, xác thực hơn. Về thí sinh, theo như diễn tiến của cuộc thi, lẽ ra đêm chung kết sẽ “bùng nổ” với những chiêu trò, những bài hát được chọn được thể hiện dữ dội hơn. Tuy nhiên, thực tế 3 cặp thí sinh đều không dùng đến chiêu trò mà chủ yếu tập trung vào phong cách và giọng hát. Sự thay đổi này một phần do sự góp ý của dư luận, nhưng phần tác động lớn nhất vẫn là sự góp ý từ BBC gửi đơn vị nắm bản quyền tại VN.

Vừa phải thu hút được khán giả nội địa, lại vừa phải làm vừa lòng ông chủ bản quyền ở bên tây, Việt hóa game show quả không dễ dàng!

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.