Vị trí bất biến của cụ bà Trần Thị Viết

26/06/2011 02:36 GMT+7

Trong thư gần đây nhất, tổ chức kỷ lục Guinness thế giới thông báo chi phí của việc cử người trực tiếp thẩm định trường hợp cụ bà Trần Thị Viết mà phía những người đại diện ở Việt Nam phải trả thêm là 9.350 USD.

 

Cụ bà Trần Thị Viết lúc sinh thời - Ảnh: Tư liệu 

Như vậy, sau những bước giao dịch đầu tiên, khoảng giữa tháng 6.2011, tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã có thư trả lời chính thức về việc gửi hồ sơ chứng minh về trường hợp của cụ bà Trần Thị Viết ở Việt Nam là “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới hiện còn sống” theo hai cách sau đây:

Cách thứ nhất, hồ sơ của cụ bà Trần Thị Viết do đại diện ở Việt Nam là nhà văn Mặc Tuyền và anh Lê Hồ Ngạn gửi qua website sẽ được Guinness tiến hành thẩm tra trên thực tế, bằng cách cử chuyên gia đến Long An trực tiếp xem xét các thông tin liên quan để có thể đi đến kết luận cuối cùng. Chi phí cho việc này mà phía đại diện của cụ bà Trần Thị Viết ở Việt Nam phải trả ghi rõ trong văn bản của Guinness là: “khoảng 5.500 bảng Anh (tương đương 9.350 USD) bao gồm vé máy bay hạng thương gia và phải là chuyến bay thẳng (ngoài khu vực châu u) cộng với chi phí đi lại và ăn ở (của chuyên gia Guinness đến Việt Nam)…”. Vậy là, cộng luôn số tiền phải chi lúc ban đầu cho thư được Guinness trả lời nhanh (đã trả 780 USD) tổng cộng 10.130 USD. Đây thực là món tiền quá nặng đối với người phải chi trả là nhà văn nghèo như Mặc Tuyền - người tự nguyện đứng ra cáng đáng việc này. Ông Mặc Tuyền (Đỗ Phú Toản - cha ruột của kỷ lục gia nghệ sĩ Phú Thảo) năm nay đã 65 tuổi, sinh tại Sài Gòn, cầm bút từ cuối thập niên 1960 và là tác giả của nhiều tác phẩm ca cổ, truyện ký, kịch bản phim và sân khấu đoạt giải thưởng như Hoa tím bằng lăng (1977), Câu chuyện xóm Chèng Heng (2003), Phụng cầu hoàng (2006), Chuyện tình một dòng sông (2008) và gần đây là đạo diễn vở hát bội Ba chén rượu thề viết về Nguyễn Trung Trực (diễn hằng năm từ 2009 - 2010 tại Kiên Giang và Long An vào những ngày giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực). Khi tự nguyện đứng ra trực tiếp đăng ký xác lập kỷ lục “người phụ nữ Việt Nam cao tuổi nhất thế giới hiện còn sống Trần Thị Viết”, ông Mặc Tuyền không có tiền, đã quyết định cầm “cuốn sổ đỏ” của gia đình để chi dùng đi lại, giao thiệp, dịch thuật tài liệu, liên hệ với tổ chức Guinness thế giới…

Do tài chính có hạn, nên khi nhận được thông báo của Guinness về chi phí lên đến cả vạn USD, nhà văn Mặc Tuyền đã phải chọn cách thứ hai, đó là gửi hồ sơ chứng minh bằng đường bưu điện đến văn phòng của tổ chức Guinness thế giới đóng tại Luân Đôn nước Anh, theo địa chỉ: GUINNESS WORLD RECORD SLIMITED 3rd floor 184-192 Drummond Street, London NW1 3HP, United Kingdom. Dĩ nhiên, khi chọn giải pháp thứ hai này, thời gian thẩm định sẽ kéo dài lâu hơn và hồ sơ phải đầy đủ theo yêu cầu ghi trong văn bản của tổ chức Guinness về “những thông tin cần thiết chứng nhận kỷ lục Guinness thế giới cho cụ bà Trần Thị Viết gồm 7 mục sau đây: 1. Giấy khai sinh (bản sao và có công chứng). 2. Bản khai thông tin liên quan giữa bà Trần Thị Viết và những thành viên trong gia đình từ tài liệu gốc như sổ hộ khẩu. 3. Sưu tầm những thông tin từ  các tờ báo (nếu có) liên quan đến tuổi tác và cuộc sống của bà Trần Thị Viết. 4. Cần có 3 nhân chứng (nổi tiếng) có thể làm chứng cho tuổi của bà Trần Thị Viết, hồ sơ phải được công chứng. 5. Giấy kết hôn, hồ sơ phải được công chứng. 6. Một trong các giấy tờ liên quan như tại trường học lúc trước của bà Trần Thị Viết, hoặc giấy tờ về nhập cư, hoặc giấy báo cáo điều tra dân số, hoặc giấy tờ tham gia quân đội - hồ sơ phải được công chứng. 7. Tất cả những mẫu vật bao gồm hình chụp, video… có chữ ký của những người thực hiện kiểm định các mẫu vật này”.

 

Nhà văn Mặc Tuyền bên cạnh các kỷ vật của cụ Viết - Ảnh: Nguyễn Lành 

Đang lúc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi theo đường bưu điện nói trên thì cụ bà Trần Thị Viết qua đời đột ngột vào sáng sớm ngày 18.6 như đã nêu ở bài trước. Vậy trường hợp này sẽ được Guinness giải quyết ra sao? Theo chúng tôi:

1. Nếu căn cứ vào ngày những người đại diện ở Việt Nam chính thức đăng ký 10.6 thì cụ bà Trần Thị Viết vẫn có thể được tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận là người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới còn sống đến ngày ấy, với 119 tuổi (trước đó cụ bà Gertrude Baines người Mỹ qua đời ở tuổi 115, cụ bà Kama Chien người Nhật Bản ở tuổi 114 - hiện nay có cụ Maria Gomes Valentin người Brazil vừa được xác lập kỷ lục tháng 5.2011 cũng ở tuổi 114). 

2. Nếu tổ chức Guinness thế giới không công nhận trường hợp cụ bà Trần Thị Viết thì trên thực tế cụ bà Trần Thị Viết vẫn là người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới còn sống đến thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 ở tuổi 119. Đó là điều không thể bác bỏ được. Đó là niềm tự hào về sức sống của người mẹ Việt Nam, của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại. Đây cũng là khẳng định và kết luận của bài viết này.

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.