Vân Khanh, người ngâm thơ 45 năm

26/05/2010 08:41 GMT+7

(TNTT>) Giới yêu thơ và thích nghệ thuật ngâm thơ ở Sài Gòn hầu như không mấy ai không biết nghệ sĩ Vân Khanh, một gương mặt ngâm thơ quen thuộc trên đài truyền hình, phát thanh và các sân khấu thơ TP.HCM. Nếu hơn nửa thế kỷ trước đã có các tài danh diễn ngâm như Trần Thị Tuyết, Tô Kiều Ngân, Hồ Điệp... thì một thế hệ “đàn em” nối gót cũng tài năng không hề kém như Đoàn Yên Linh, Vân Khanh, Hồng Vân, Thúy Vinh, Mai Hiên…

Mới đây, nghệ sĩ Vân Khanh đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngâm thơ và 35 năm chung sống hạnh phúc với “nàng thơ” là người vợ yêu dấu của mình. Lần đầu tiên có một “quần hội thi đàn” mà đa phần khách tham dự là các nhà thơ và những nghệ sĩ “bình - ngâm - xướng - họa”.

Xuất thân với tuổi thơ cơ cực, ở xứ Huế nghèo “rớt mùng tơi”.  Nghèo đến nỗi phải vào Viện Bảo Anh, một nhà mở dành cho trẻ em nghèo khó để học. Cậu trai Nguyễn Văn Khánh, tên “cúng cơm” của nghệ sĩ Vân Khanh,  quyết tìm đường vào Sài Gòn để mong thoát cảnh nghèo và lấy được… vợ (!). Lang bạt kỳ hồ rồi cũng đến được “miền đất hứa”, anh thi vào sư phạm, ra trường dạy văn, làm nghề gõ đầu trẻ. Chính cái nghề này đã đưa anh đến gần với thi ca. Và nhờ có sự dẫn dắt buổi đầu của nghệ sĩ Bửu Lộc, sau anh nhận là cha nuôi, và nghệ sĩ Tô Kiều Ngân, cái tên Vân Khanh, nghệ danh ngâm thơ đã dần được công chúng biết đến.

Tha thẩn với thơ như một gã tuyệt tự cùng ngày tháng, Vân Khanh đã có mặt “trên từng cây số”. Ở bất cứ nơi đâu, miễn có thơ và bạn thơ! Một tuần sau khi đất nước vừa thống nhất, anh cưới một cô gái nhà mấy đời buôn đồ cổ, gốc Huế rặt, cũng là một người hâm mộ giọng ngâm của anh. Đời Vân Khanh từ đó hết “dọc đường gió bụi”.

Được vợ ngưỡng mộ, cưng chiều, Vân Khanh chỉ biết mỗi việc dạy học và ngâm thơ. Mọi việc ở nhà đều do một tay vợ hiền quán xuyến. Mỗi khi có chương trình ở đâu, chị đi theo, ngồi nghe chồng ngâm thơ say mê đến… há hốc mồm, muỗi cắn cũng không thèm đập! Thế mới biết giọng ngâm của anh “ma lực” đến thế nào! Nhiều người nói rằng anh đã “tái sinh” một kiếp khác cho những bài thơ.

Nghệ sĩ đa phần đều mê bạn và mê… rượu! Vân Khanh cũng thế. Một điều lạ, anh có thể uống như hũ chìm, hết ngày này sang ngày khác nhưng vẫn tỉnh queo nếu được... ngâm thơ! Không hiểu đó là thơ uống hay anh uống? Có rượu vào, giọng ngâm được dịp phát tiết, du dương và trầm ấm phiêu diêu lạ thường. Lúc này Vân Khanh có khả năng ứng biến “thi pháp”, nhớ  rất nhanh. Những bài thơ kinh điển và dài như Hồ trường của Nguyễn Bá Trác, Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm, Màu tím hoa sim Hữu Loan… cuồn cuộn về xuất thần “liêu trai”. Nếu anh ngâm, bạn đọc mở sách dò theo khó mà sai một chữ.

 Nói về họa thơ và làm thơ đối đáp, Vân Khanh cũng thuộc loại “có hạng”.  Nhiều bài anh đọc trong bàn nhậu, thiên hạ cười ngất ngưởng. Nhờ vậy, ngoài là chủ nhiệm Câu lạc bộ  thơ ca Phú Nhuận trên 20 năm anh còn có thêm nghề tay trái là MC. Nhiều câu thơ ứng khẩu mua vui cho bạn bè của anh được truyền tụng như: “Ngày xưa ta ở trên trời/Do không biết nhậu (nên trời) đày xuống đây/ Xuống đây ta uống cho say/Xơ gan cổ trướng (thì) lại bay lên trời”...

Là cộng tác viên sáng giá nhất  của chương trình thơ HTV, Vân Khanh “độc chiếm” một giọng ngâm Nam ai, Nam bình Huế rất bài bản và đặc thù. Anh luôn được đồng nghiệp yêu mến và kính trọng vì thái độ làm việc nghiêm túc, luôn hỗ trợ lớp đàn em. Những nghệ sĩ trẻ như Đại Lợi, Đài Trang, Đức Tâm, Thu Thủy, Thành Trung… rất nhiều bạn quý anh vì nhớ những lần anh ở lại trường quay cả ngày để cầm “sớ”, bài thơ được chép chữ to, căng ra, “dí thẳng vào mặt” cho họ dễ nhìn thấy từ xa mà ngâm nga. Khi đàn sáo réo rắt thì lưng áo anh mồ hôi ròng ròng. Vân Khanh là vậy! Như một cánh “chim xanh” của thơ. Với anh, thơ bao giờ cũng số một thế giới!

Bùi Thanh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.