Oanh

26/02/2011 17:46 GMT+7

1. Oanh bảo với tôi quê cô ở Diễn Châu. Tôi hỏi Diễn Châu ở đâu. Oanh tròn xoe mắt. Trong đôi mắt có sóng biển, những thúng lạc thúng vừng mẩy mình thu hái từ đồng màu, những câu ca trù, những làn điệu tuồng. Vậy thì, Diễn Châu ở trong mắt Oanh.

Ngày tôi gặp Oanh ở nhà chị tôi, cô chưa có chồng.

Sài Gòn vẫn vậy, không lúc nào không sẵn sàng dang tay đón nhận mọi người, mọi thân phận. Thành phố chưa từng từ chối một ai. Người ta có thể bỏ Sài Gòn chứ Sài Gòn không một lần từ bỏ bất cứ người nào.

Có điều lạ, Sài Gòn đồng nhất rất nhanh mọi tầng lớp người đến với nó, dung nạp tất cả các hành vi, như thể các hành vi lắm khi khác thường ấy là một phần không thể thiếu, một phần làm nên Sài Gòn.

Người thất cơ lỡ vận khốn khó không chốn nương thân lập tức có người cho thuê chiếu ngủ qua đêm dưới một mái hiên, và giấc ngủ mặc nhiên được Sài Gòn chấp nhận, ngon lành như đang ngủ trên giường, không ai để ý không ai xua đuổi. Chỉ một chuyện này thôi, đã thấy Sài Gòn không giống Hà Nội, dân ít hơn, người vãng lai cũng ít hơn, nhưng - nói theo cách ông bà - giống như cơm trộn cháo. Người ta bảo Hà Nội đang bị nông thôn hóa dần dần, một nhận xét đáng suy ngẫm. Mùa thu vừa qua, đúng dịp đại lễ nghìn năm, không khí như giỗ làng, xác xơ những chiếc lá rụng.


Minh họa: Tuấn Anh 

Vậy là Sài Gòn thu nhận Oanh, trong vai trò người giúp việc cho gia đình chị tôi.

Chị tôi và ông anh rể tôi, ít nhiều là hai tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của họ. Anh rể tôi là thầy của rất nhiều thế hệ sinh viên khoa văn. Ngày chị tôi và anh rể làm đám cưới, tôi ở nước ngoài. Trước khi tiếp xúc, tôi đã đọc các tác phẩm của anh rể.

Thời các học giả hết sức coi trọng tính giai cấp trong mọi vấn đề, ông anh tôi không thế. Không thể không đề cập tới quan điểm, lập trường của tác giả, nhưng ông dành phần lớn các trang viết của mình để phân tích nghệ thuật, một việc làm hơi hiếm so với các đồng nghiệp. Không làm dáng, cũng không gai góc, lời văn đầy chất thơ, uyên thâm, khiến tôi có cảm tình với người mình chưa gặp mặt. Tôi tin, như một nhà hiền triết nào đó đã nói, người ta có thể nói dối chứ không thể viết dối.

Còn chị tôi, giới phê bình bảo chị tôi có giọng điệu không giống người khác. Trong nghệ thuật, điều này rất quan trọng. Con gái tôi hồi còn là học sinh, sau khi đọc các tác phẩm của bác nó, nói với tôi lúc đang làm bếp: “Ba ơi, con thấy vấn đề là nấu thế nào chứ không phải nấu cái gì”. Đúng là con gái tôi đã cho một ví dụ rất chính xác, qua đó làm nổi bật phần nghệ thuật vốn là cái quyết định của người cầm bút.

Ông anh bà chị tôi là hai người đồng điệu. Hai ông bà có nhiều bạn chung, mà không ít trong số đó là những họa sĩ nổi tiếng. Nhiều bức tranh được tặng thổi hồn cho những bức tường của ngôi nhà rộng.

Hồi Bùi Giáng chưa về cõi tiên, trên tường còn bức tự họa của ông, màu nước hay sơn dầu tôi không nhớ. Bức tranh duy nhất của nước ngoài là nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci, để trên tủ buýp-phê, dù chỉ là phiên bản được thu nhỏ, nhưng họa sĩ chép tranh đã đồng cảm sâu sắc với bậc thầy quá cố, nên người trong tranh vẫn phảng phất nụ cười làm mòn bao đôi mắt…

Tôi không rành về tranh. Tôi thích cái buồn buồn nhân hậu của Bùi Xuân Phái trong từng viên ngói cũ, trong bóng nắng xiên khoai trên bậc thềm, trong một bức tường đầy rêu. Tôi thích những bức tĩnh vật - những bình hoa, những dĩa trái cây…  Tôi ngờ rằng không gì dễ hơn vẽ một bức tĩnh vật nhưng cũng không gì khó hơn. Việc chuyển tải tâm trạng của tác giả trong khoảnh khắc không bao giờ trở lại luôn làm tôi xúc động khi đối diện với một bức tĩnh vật.

Tính biểu cảm có lẽ là quyền năng mà các bộ môn nghệ thuật khác khó lòng so sánh với hội họa. Thì ông Bùi Giáng kia, râu khóc miệng cười, khiến mình miệng cười mà mắt khóc theo ông. Thì cái vệt màu xám kia của Bùi Xuân Phái sao nó cứ thắt lòng gợi mãi về những gì đã vĩnh viễn trôi qua…

Không biết có phải vì quen mắt hay vì một lý do nào khác, tôi tin ngôi nhà của anh chị tôi không thể thiếu những bức tranh trên tường. Một lúc nào đó, tôi còn cảm thấy chính những bức tranh mới thực sự là người chủ của ngôi nhà chứ không phải anh chị tôi. Đã không dưới một lần tôi ngoái cổ lại xem Mona Lisa còn đấy hay đã bỏ đi. Ông Bùi Giáng có vẻ cũng đang canh chừng người đàn bà trong vẻ đẹp phi thường họa sĩ ban cho. Không hiểu vô tình hay cố ý, bức Bùi Giáng treo hơi thấp và gần với bức Mona Lisa, đến mức hễ tầm mắt ngắm bức này thì không thể không thấy bức kia. Mắt ông Bùi Giáng rõ là đang bập bùng ngọn lửa, còn nụ cười mê hồn của nàng Mona Lisa thì đang sưởi ấm trái tim.

Còn vài bức tranh chiếm một vị trí đặc biệt trong ngôi nhà - đặc biệt bởi chính giá trị tranh chứ không phải vì tác giả là con dâu của anh chị tôi. Những gương mặt đàn bà méo mó, vặn vọ, đau đớn cùng cực, như bị chấn sang tâm lý, vùng vẫy chực chạy thoát khỏi khung tranh luôn khiến người ta phải tự hỏi kiếp người là như vậy sao. Không ít đêm tôi mất ngủ vì những bức tranh của cô cháu dâu.

Quả thật khó lòng quyết định nếu chỉ được chọn một bức, chỉ một thôi, trong số  tranh của anh chị tôi. Nụ cười nàng Mona Lisa hay ánh mắt thất thần của người đàn bà mà cô cháu tôi đang gửi cho loài người?

***

2. Anh chị tôi quen biết rộng, nên khách tới nhà cũng lắm. Không ngày nào không có đồng nghiệp, người cùng giới, hoặc vài ba người bạn, ghé lại. Thỉnh thoảng chị tôi tổ chức tiệc nhỏ. Những bữa tiệc nhỏ dáng vẻ xa-lông văn nghệ có đồ ăn, thức uống ngon, cùng những câu chuyện thú vị.

Chị tôi chỉ là người đưa ý tưởng, còn người giúp chị tôi đưa ý tưởng lên bàn ăn chính là Oanh. Nghĩa là, ngoài những công việc thường nhật như đi chợ - nấu ăn - quét dọn…, Oanh còn tham gia vào các sinh hoạt của gia đình anh chị tôi.

Oanh chắc chắn không biết những tân cổ điển, hậu hiện đại, siêu thực, lập thể…, nhưng nếu không có Oanh, hẳn không xuất hiện những thứ ấy trong phòng khách nhà anh chị tôi.

Oanh luôn chọn một chỗ đứng có thể bao quát những gì đang diễn ra. Một miếng chanh, một quả ớt, tấm khăn giấy… ai đó chưa kịp yêu cầu đã thấy thứ mình cần trước mặt. Một người phục vụ bàn kinh nghiệm thừa sức làm như Oanh. Nhưng Oanh chưa hề được đào tạo và cũng chưa làm ở nhà hàng nào. Tuy nhiên, đấy không phải điều tôi muốn nói.

Vào lúc nhận miếng chanh của Oanh, tôi đang ngồi quay lưng lại không nhìn thấy cô, nhưng không hiểu sao tôi vẫn bắt gặp ánh mắt cô, hơi thở nhẹ của cô, mái tóc nghiêng một bên của cô… Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình nhỏ bé và sung sướng vì được chăm sóc như vậy. Ngôi nhà anh chị tôi giống như một ngôi chùa trong phố, như chị tôi từng viết, với một cảm giác bình an tràn đầy giữa nhịp sống hối hả đầy lo âu chung quanh.

Còn Oanh luôn đi lễ nhà thờ mỗi sáng chủ nhật, như chất chứa thêm tình thương yêu cho không khí đã đầy an bình đó.

Bản năng làm mẹ của Oanh thấm đẫm trong từng cử chỉ của cô. Anh chị tôi đều lớn tuổi hơn cả ba mẹ Oanh, nhưng với cô thì như chỉ là hai đứa bé luôn cần phải để mắt. Ba tôi đến chơi, vừa bước vào nhà đã lập tức trở thành ông nội của Oanh. Tôi vừa tới cổng nhà, đã nhận được ngay một ánh mắt ân cần… Tất cả đều tự nhiên như hơi thở, như người ta vẫn sống trong vòng tay của Chúa mà không bao giờ nhìn thấy Chúa.

Với đồ vật, Oanh đối xử với chúng như thể chúng cũng có linh hồn, có một đời sống giống con người. Nên miếng chanh cô đưa tôi không còn là miếng chanh, nó là niềm vui, là một phần cuộc sống, trong khoảnh khắc nó tham gia vào năm tháng của đời người…

Thỉnh thoảng Oanh lau chùi các bức tranh. Tôi không biết các họa sĩ có trò chuyện với tác phẩm khi đang sáng tác hoặc khi đã hoàn thành, nhưng Oanh thì có. Tôi tin, với niềm tin mãnh liệt nhất, nếu như đồ vật có linh hồn thì các bức tranh chắc chắn mang hồn người, đặc biệt là những bức chân dung.

Ở đây dường như phải có sự kết hợp nhiều yếu tố. Người trong tranh là một người khác thường, họa sĩ là một tài năng lớn được thượng đế ban cho phép màu chuyển linh hồn người mình vẽ vào những mảng màu. Và cuối cùng, không phải ai cũng có khả năng chuyện trò với tranh. Giống như nhà ngoại cảm, chỉ một hai người trong cả trăm triệu người có khả năng đó.

Oanh là người được chọn lựa. Tôi chưa từng thấy ai đồng cảm với những bức tranh như Oanh, khi cô chăm sóc chúng. Oanh dường như trút cả lòng mình vào đấy. Cô nài nỉ ông Bùi Giáng nếu thương cô thì đừng bỏ đi rong chơi nữa. Cô xin nàng Mona Lisa giữ mãi nụ cười bất tận ấy cho nhân gian. Cô an ủi những phận đàn bà đau đớn, những đau đớn đã khiến lương tri con người được cảnh tỉnh… Một cách nào đấy, Oanh thấu hiểu câu chuyện mà cháu dâu tôi kể trong từng bức tranh.

Khi bức tranh được đặt trả vào chỗ cũ, nó đã không hoàn toàn giống như  bức tranh cũ. Bùi Giáng bỗng hiền từ như một tiên ông trong cổ tích. Nụ cười nàng Mona Lisa không còn đánh đố, lấp lửng. Gương mặt méo mó của những người đàn bà đã le lói chút ánh sáng hạnh phúc…

Tôi không nghĩ đó là hiệu quả của ánh sáng qua các tấm kính trong suốt sau khi được Oanh lau chùi. Tôi không biết cắt nghĩa thế nào, nhưng chỉ cần Oanh đối diện với các bức tranh, là chúng tuột ngay khỏi tầm mắt tôi, như thể chúng đã thuộc về  một thế giới khác, một thế giới mà tôi không thể bước vào…

Tôi đã có cơ hội kiểm chứng cảm giác của mình.

Đó là khoảng thời gian sau khi ông Bùi Giáng đã rong chơi miền cực lạc, và nàng Mona Lisa không còn ở trên tủ buýp-phê… Oanh đã đi lấy chồng. Nhà anh chị tôi có thêm một số bức tranh, nhưng chúng  đã chẳng còn mảy may đem lại cho tôi chút gì, cho dù là niềm vui hay nỗi buồn…

 Truyện ngắn của Hoàng Trọng Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.