Người đi xuyên tường thứ hai

18/06/2011 22:31 GMT+7

1. Gã nhìn điếu thuốc để ngang gạt tàn đang tự cháy dần. Khói thuốc bay lơi lả, tạo nên những dòng mảnh, ban đầu lúc lắc, sau thẳng băng một dòng, sau đó loang ra dần, rồi tan vào không gian. Gã nghĩ, mình cũng vậy. Ba mươi nhăm tuổi, đang cháy đến đoạn giữa. Và sắp sửa cháy sạch rồi đây.

 Nghe đọc bài

Bất đồ, gã nhặt điếu thuốc lên, đưa lên môi, rít một hơi thật dài. Ánh lửa đầu điếu thuốc lóe sáng dữ dội. Rồi gã đứng dậy, dụi mạnh điếu thuốc vào gạt tàn. Phải đi thôi.

Gã ra đường, căng ngực hít thở. Dù có bụi bặm, có mùi xăng một chút, nhưng còn dễ chịu hơn ngồi mãi trong nhà. Có những điều thật dễ, nhưng chẳng phải lúc nào cũng làm được. Bởi có những thứ khác cứ níu người ta lại.

 

Gã đi thẳng đến nhà Huệ. Vứt hết những thứ co kéo đi, hôm nay ta sẽ nói với nàng, hãy về sống với ta. Đã nhiều lúc gã muốn nàng một cách tệ hại. Và bây giờ cũng thế. Ôm nàng vào lòng, thậm chí nuốt nàng vào bụng…

Đã bao lần gã định sẽ bàn với nàng chuyện cưới, nhưng những dự định ấy cứ vẫn nằm trong đầu, chưa ra đến lưỡi. Còn Huệ, chờ đợi đã phát chán, đã thấy thi thoảng nói thẳng, phen này phải lấy chồng, lấy thằng nào cũng được. Hãy lấy thằng này, hôm nay, gã sẽ nói.

Hơn nữa, đã đến lúc gã bị dồn vào chân tường. Ở viện nơi gã làm việc đang dai dẳng một tin đồn, gã có nguy cơ bị hất ra khỏi một đề tài lớn do nhà nước đặt hàng, thậm chí còn bị hất ra khỏi viện. Tin đồn chỉ là tin đồn, nhưng nó gặm nhấm gã, làm gã thấy chống chếnh. Mình thừa!

Mấy hôm trước gã đã nói với Huệ điều đó. Và nàng đã khích lệ gã rằng không có gì nghiêm trọng, không làm đề tài này anh làm nghiên cứu khác, và nếu anh thất nghiệp, em nuôi.

Câu nói ấy của Huệ đã khiến gã ân hận suốt đêm vì những lần lữa của mình.

Bây giờ, đi trên đường, gã nhìn thiên hạ với con mắt lạ lẫm. Thiên hạ nhởn nhơ, khỏe mạnh, vui vẻ. Còn gã, sắp sửa giống mấy thằng vô gia cư lang thang kia. Bình thường, gã chẳng bao giờ nhìn thấy họ. Nay liếc phát, gã có thể dễ dàng nhận ngay ra họ trong đám đông, bởi gã cũng sắp nhập vào với họ. Ý nghĩ đó bám riết lấy gã.

Huệ đón gã với vẻ mặt thân thiện. Vẫn thế, tóc ôm lấy mặt, rủ xuống trán, trùm sau gáy. Nổi lên là cái kính cận rất to gọng đỏ đen.

Anh muốn uống gì, trà hay cà phê - nàng hỏi. Về sống với anh đi - gã trả lời.

Nàng cười, như thể chưa bao giờ buồn cười đến thế.

Gã quá ngạc nhiên: Có gì mà cười? Nàng bảo, rất hay.

Huệ là thế, có những việc rất đơn giản cũng khiến nàng cáu, còn những việc trọng đại nàng lại cười. Nàng bảo: đàn ông là cái loài lúc cần thì không thấy, lúc không cần lại xuất hiện. Chắc sắp thất nghiệp mới nhớ đến người ta phải không? Không, gã lắc, lần này anh thật sự thấy cần em, rất cần. Nàng lại cười: ghi nhận, nhưng không phải hôm nay.

Thế nhưng hôm nay gã lại đầy quyết tâm. Gã tiến nhanh đến, giơ tay muốn ôm lấy nàng.

Huệ quay người một cái. Huệ học môn võ aikido một năm, karate một năm, nên tránh đòn là phản xạ. Gã theo đà, bắn vào tường. Thế rồi vẫn theo đà, gã đi xuyên qua bức tường. Khi dừng lại gã thấy mình đứng bên ngoài hành lang.

Gã hết sức ngạc nhiên. Phía trước chếch mấy bước chân là cánh cửa nhà Huệ đóng kín. Thần thoại chăng? Một đầu óc tỉnh táo phải xem xét hiện tượng này thế nào?

Gã tiến đến cánh cửa, gõ. Huệ mở cửa, mắt tròn xoe sau cặp kính.

Gã bước vào, sờ tay vào cánh cửa. Rồi tự tay đóng cửa. Đứng đối diện với Huệ, nhìn nàng, bao nhiêu ham muốn biến đi đâu mất, cả sự lo lắng thất nghiệp cũng là số không. Bây giờ, trước mặt gã, chỉ còn mỗi Huệ.

Để kiểm chứng, gã sờ vào vai Huệ. Nàng cũng giơ tay sờ vào đầu gã, vò tóc gã. Rồi cả hai cùng vớ lấy cốc nước, uống ừng ực như thể hai con lạc đà vừa ở sa mạc về. Này! Gã và nàng cùng nói một lúc. Hai giọng nói như lạc từ thế giới bên kia. Em nói trước đi, gã nói. Anh nói trước đi, nàng nói. Nhưng cả hai lại đần mặt ra.

Một lúc sau, gã bặm môi. Là dân khoa học, gã phải làm thí nghiệm. Gã đến bên bức tường nhà Huệ, ngần ngừ một chút, rồi vượt qua nỗi sợ hãi, đâm sầm vào tường. Và đi qua được. Nhẹ nhàng như đi trong không khí.

Đi ra đi vào mấy lần, mỗi lần xuyên tường như vậy gã đều lấy phấn gạch lên cánh cửa. Cuối cùng, khi số thực nghiệm đã đủ lớn, gã gật gù kết luận rằng có một biến cố lạ lùng đã xảy ra.

Còn Huệ, sau khi chứng kiến những lần thực nghiệm của gã, nàng suy nghĩ một lúc, rồi bảo, chuyện này chẳng có gì lạ. Thế giới đã từng xảy ra chuyện tương tự, có điều xảy ra ở bên Pháp và cách đây lâu rồi.

Thế rồi nàng trèo lên gác xép, nơi để đống sách cũ chất ngất của nàng. Gã ngồi dưới hút thuốc, khói bay lên, kiểu như đốt rơm dưới hạ giới khói bay lên thiên đình, khiến nàng hét: có tắt ngay cái ống khói đi không?

Sau một tiếng đồng hồ lục lọi, nàng trèo xuống với vẻ mặt đắc thắng, trong tay cầm một cuốn sách vàng khè. Gã nhìn nàng, thấy buồn cười: đầu tóc như cái tổ quạ, đầy mạng nhện, áo quần bẩn thỉu đầy bụi, kính như muốn nhảy ra khỏi khuôn mặt lấm lem. Nàng đưa quyển sách cho gã với vẻ trịnh trọng khác hẳn ngày thường, bảo: Đọc đi.

Đương nhiên, gã giở ra đọc ngay. Đó là truyện ngắn Người đi xuyên tường của một nhà văn Pháp tên là Marcel Aymé, do Phùng Văn Tửu dịch. Truyện này công bố từ năm 1943, khi bố mẹ gã cũng chưa xuất hiện trên trái đất này. Truyện tả một gã người Pháp có khả năng đi xuyên qua tường.

Bịa quá nhỉ, đó là câu đầu tiên gã thốt lên khi đọc xong truyện ngắn.

Phải, ông ấy bịa ra đấy. Một bức tường bằng bê tông cốt thép, ai mà đi xuyên qua được, nàng thở dài, kính trễ xuống mũi.

Vậy thì... Chẳng lẽ anh cũng là chuyện bịa? - Gã ngẩn ngơ hỏi.

Nàng tròn mắt nhìn gã.

Lát sau, nàng còn lấy tay sờ vào mặt gã lần nữa để biết chắc có thực đó là thằng bạn trai của nàng hay không. Ngón tay karate của nàng mạnh mẽ khiến gã kêu oai oái.

Sau khi thực nghiệm vào mặt gã, Huệ lại thực nghiệm vào mặt mình với một sức mạnh không kém, để giải đáp câu hỏi hay chính mình cũng là đồ bịa nốt?

Thấy tương đồng, Huệ đứng lên, đi đến bức tường nhà mình. Nàng lấy sức đâm sầm vào nó. Nhưng nàng không qua được. Chẳng những thế, đầu nàng lập tức xuất hiện một quả ổi.

Huệ xuýt xoa. Ta là thật, nàng nghĩ. Còn gã là đồ bịa.

Trong cơn hoang mang, nàng bảo: Anh về đi, rồi nhìn chăm chăm xem gã đi bằng cửa trước hay đi xuyên qua tường.

Khi thấy gã thò tay cầm nắm đấm cửa, nàng thở một hơi dài.

2.Về đến nhà, gã vật ra giường, ngủ. Một giấc không mộng mị. Khi tỉnh dậy, gã thấy người nhẹ nhàng. Nhẹ như bay lên được.

Bây giờ là chiều muộn ngày chủ nhật. Gã ra đường. Thi thoảng nỗi ám ảnh người thừa lại vụt qua đầu, nhưng bị gã phẩy tay cho nó vụt qua luôn. Gã quyết định đi chén một bữa đầy ca-lo, đủ chất và hoa quả. Thêm một chai bia, coi như chất xúc tác cho những phản ứng hóa học trong bụng. Giờ thì quá nặng nề, không bay được, gã buồn cười với ý nghĩ đó, thủng thẳng bò về nhà.

Bầu trời thành phố nhờ nhờ, không rõ sáng hay tối, có trăng hay không trăng, bởi những ánh đèn nhân tạo luôn tạo ra những ảo giác mơ hồ và nặng nề. Trên đường về, gã ngạc nhiên khi thấy không còn trẻ con nô đùa trên hè phố như thời xưa của gã. Tuyệt không còn đứa trẻ con nào! Trái đất có vẻ hoang vắng hơn. Vậy chúng đi đâu sạch? Gã bỗng có cảm giác khắc khoải, lo âu, vì một cái gì đó không rõ, nhưng gã có thể thấy nó đang lớn dần lên trong lòng.

Đêm trôi qua trong tâm trạng ấy, và dù cố tình quên đi, nhưng cái khả năng xuất hiện lúc ban chiều ở nhà Huệ thỉnh thoảng lại thúc giục gã thực nghiệm ở nhà mình. Nửa đêm, không ngủ được, gã quyết định trở dậy.

Trong đêm tối nhờ nhờ, gã đứng đối diện bức tường nhà mình, mặt dí sát vào tường. Gã đứng rất lâu như thế, song song với bức tường, như hai bức tường.

Có thể nghe thấy tiếng tíc tíc đều đều của chiếc đồng hồ điện tử treo tường. Gã biết một điều rằng về lý thuyết, lực hấp dẫn làm cong thời gian, thậm chí làm biến mất thời gian, điều đó có thể hiểu, thì việc đi xuyên qua bức tường cũng có thể hiểu. Nhưng tại thời điểm này, gã và Huệ đều không hiểu.

Hiểu và không hiểu cũng chỉ là tương đối, gã nghĩ, vì vậy bước vào hay không bước vào cũng thế thôi. Nào, thì ta bước vào. Gã bước chân vào bức tường, và chẳng hề ngạc nhiên thấy mình đã vượt qua một cách dễ dàng và đang đứng ngoài nhà mình. Nhưng như thế khó chịu lắm, có cái gì không hợp lý, không hợp với những quy luật thường thấy. Gã lại quay người bước vào nhà, và cảm giác là gã chưa hề bước chân đi đâu, vẫn ở chỗ cũ.

Mình đã ra ngoài kia chưa? Hay từ nãy đến giờ vẫn ở trong này? Không rõ. Ngoài kia và trong này là không xác định. Đầu gã mông lung, mọi ý nghĩ bay lơ lửng như những đám mây ngược xuôi trên bầu trời.

Trong lúc đầu óc trống rỗng, gã bước chân một cách vô định, vượt qua tường ra ngoài phố, chẳng thấy gì ngạc nhiên, như thể bản thân gã sinh ra đã là vậy.

Gã đi đến đầu phố, nhìn thấy một ngân hàng, đèn biển hiệu sáng choang, bên cạnh là những máy rút tiền tự động nghiêng ngó nhìn gã như mời gọi. Câu chuyện của ông nhà văn người Pháp tự động tua lại trong đầu gã, như một sự gợi ý. Thằng cha đó đã tiến vào ngân hàng và lấy được bao nhiêu tiền, vậy gã hoàn toàn cũng có thể làm được như vậy. Nhưng bây giờ là thế kỷ 21, và ta cũng thông minh chán, ta phải tránh những cái camera tọc mạch. Gã vòng ra bên ngoài rồi thản nhiên xuyên tường đi vào tòa nhà ngân hàng. Bây giờ gã đã đứng giữa gian sảnh chính tối nhờ nhờ, nhìn thấy những ô ghi-sê như những con mắt ngái ngủ. Hay thật, gã cười. Không thể hay hơn! Gã lại cười.

Gã đi loanh quanh khắp nơi, chỗ nào cũng nhìn ngó. Xưa nay gã quen với máy rút tiền tự động, nơi cấp phát lương tháng cho gã, hơn là cái ngân hàng to đùng này, nơi mà cả năm có mỗi lần đến lĩnh khoản lãi tiết kiệm còm, nhưng từ bây giờ nó sẽ giống cái kho xép nhà gã, muốn đến lúc nào cũng được. Nơi ấy hóa ra cũng thường,  cũng chỉ có những cái bàn và những cái ghế, những bức tường buồn tẻ. Tay bảo vệ trực đêm gà gật ngủ, camera cũng ngủ, chẳng có cái cảm biến nào như trong phim hình sự, nhiều giấy tờ hơn nhiều tiền.

Nhưng vào được đến đây rồi thì sẽ làm gì? Để lấy tiền, đơn giản thế thôi. Nhét một ít tiền vào túi, đi ra, mai muốn tiêu gì thì tiêu, hết lại đến lấy, gã nghĩ.

Nhưng lẽ ra phải tiến đến cái két sắt, gã lại tìm một cái ghế để ngồi xuống. Gã lặng lẽ châm một điếu thuốc lá, sung sướng gạt thẳng tàn thuốc xuống nền nhà bóng lộn. Lấy bao nhiêu bây giờ nhỉ?

Gã xoạc chân ngả người dang tay trên ghế, trong trạng thái nghỉ ngơi sung sướng, nhưng cái đầu chết tiệt lại đột nhiên nhớ đến hồi viết luận án. Ông thầy cau có gạch xoẹt bao nhiêu đoạn văn của gã. Ông bảo: ý này thằng cha Y đã nói tới ở cuốn A, còn  tư tưởng này thằng cha X đã đề cập ở cuốn B. Cậu không trích dẫn, không ghi chú, vậy cậu là thằng ăn trộm, rất xấu.

Nhưng đó là khoa học, còn đây là tiền. Sắp mất việc, thì mình chẳng là cái thằng nào hết. Gã đứng dậy, xăm xăm đi đến cái két sắt. Tiền tấn cất ở đâu không biết, ta chỉ lấy ít, thì chắc ở đây.

Gã thò tay vào két một cách dễ dàng, khua một cái, vớ ngay một cọc tiền. Thú vị thật. Sờ thấy, nhưng không nhìn thấy, chơi trò đoán thử nào! Mệnh giá bao nhiêu? Dày dày, cạnh còn sắc, ắt là mệnh giá cao nhất, năm trăm nghìn. Một trăm tờ, năm mươi triệu, bằng bốn chiếc laptop cỡ trung bình, hay kinh phí cho một đề tài nhánh.

Vậy thì việc quái gì phải làm đề tài cho mệt. Viện trưởng có gạt mình ra khỏi ban nghiên cứu, cũng cóc cần. Gã rút tập tiền ra khỏi két, nhìn, mũi nhăn lại. Loại mệnh giá thấp nhất, mười nghìn. Tổng số có một triệu! Chỉ bằng cái bàn phím và con chuột. Gã lại đút tập tiền vào két, khua khua tìm tập khác. Bao nhiêu? Thôi không đoán nữa. Loại người như mình suốt đời nhầm lẫn.

Tự nhiên gã thấy chán.

Và rồi, không thèm lấy xu nào, gã thủng thẳng vượt tường, đi về nhà.

3.Sáng hôm sau, gã bước chân vào cổng Viện với một cái cặp căng.

Ông thường trực xởi lởi: Sao hôm nay đến sớm thế? Ờ, hôm nay hơi đặc biệt, gã tặc lưỡi.

Trong phòng thường trực, tay lái xe của Viện đang ngồi uống trà một mình, thủng thẳng bảo, từ ngày ông về đây, lúc nào ông chả đặc biệt! Gã cười. Quả thật, mấy lần đi công tác, tay này đều bảo gã là khùng. Một lần, đang bon bon trên quốc lộ, gã bỗng đề nghị rẽ trái. Ông muốn đi đâu? Lái xe hỏi. Chẳng đi đâu, gã bảo, bỗng dưng muốn rẽ trái. Hâm quá là hâm, lái xe bảo. Chiều tôi đi! Gã vật nài mấy lần. Thế là lái xe bẻ vô lăng sang trái. Đi một đoạn, thấy lù lù cái nơi định đến đã ở trước mặt. Biết đường tắt mà không bảo sớm, lái xe càu nhàu. Có biết đâu, gã cãi, chỉ cảm giác là cần rẽ trái, thế thôi. Mà đúng hơn, là muốn nhìn ruộng rau cải... Ruộng rau cải, hâm thế đấy.

Này, đột nhiên gã bảo ông thường trực, nhìn tôi, ông có thấy gì khác ngày thường không? Gã đứng nghiêm, làm như ông là đại tướng duyệt binh, còn gã chỉ là anh lính chờ chỉnh đốn quân trang quân phục. Đại tướng ngắm gã một lúc, rồi bảo, không, chẳng thấy gì. Gã lại xoay một vòng như ứng viên hoa hậu, ông lại lắc đầu, bảo áo bỏ trong quần quá cẩu thả, làm lưng cậu vặn xoắn đến buồn cười. Chắc khác lạ là ở điểm này. Gã bảo, không phải, ở điểm khác. Tay lái xe lại chen ngang: chắc lại muốn nhìn ruộng rau cải hả? Gã tự nhiên ha hả cười. Khùng thế, tay lái xe nhận xét.

Không khác, nhưng đã khác, gã nghĩ. Mình đã có một khả năng đặc biệt. Mà này, gã tự bảo, mình sẽ dùng khả năng mới này vào việc gì nhỉ? Mà khả năng cũ mình đã dùng được việc gì đâu?

Ông thường trực nhìn cái cặp căng phồng của gã, hỏi: lại một phát minh mới à? Đèn dầu hay đèn điện? Gã bảo, trong cặp tôi chứa đựng một chuyện bịa. Trước khi đi làm, gã đã nhét cả quyển sách của ông nhà văn Pháp vào. Ông già cười, bảo, kỳ thực, các phát minh khoa học cũng xuất phát từ chuyện bịa. Xe hai bánh chẳng hạn, để yên thì đổ, chạy thì đứng, bịa quá đi chứ. Tôi có phải thứ bịa không? Gã đùa. Cả cậu, thực ra, cũng là do ai đó bịa ra, ông cũng đùa. Gã lại cười hà hà, bỏ đi. Vọng sau lưng tiếng tay lái xe: Thế tôi là gì? Và giọng ông thường trực: Cậu chẳng là gì sất. Vì cậu với cái cục sắt bốn bánh chỉ biết lăn là một. Không phải bịa.

Hôm nay, gã là người đầu tiên bước chân vào phòng. Những màn hình máy tính đen thui như đang trong giấc mơ. Không khí quánh lại tù đọng, không thở được, gã vội vàng mở toang mọi cánh cửa. Rồi ngồi xuống bên bàn làm việc của mình, chẳng buồn khởi động máy tính như mọi khi. Cả viện quá yên tĩnh.

Ở nhà không sao, ngồi trong phòng làm việc, cái tin đồn chết tiệt lại ngóc đầu dậy mạnh mẽ. Ừ thì cứ cho là đúng đi, gã bị gạch tên khỏi cái đề tài nhà nước sắp giao cho viện, còn có nguy cơ bị thải khỏi biên chế Viện, thế thì sao? Trước đây thì đó là chuyện hệ trọng. Nhưng từ hôm qua, chuyện đó chẳng là gì. Gã có khả năng đi bất cứ nơi đâu, dù bức tường có dày cỡ nào.

Cái công việc hiện giờ, đối với gã, rất nhàm chán. Lẽ ra, gã phải chúi mũi vào máy tính với mọi tính toán phức tạp hay hì hục trong phòng thí nghiệm, nghĩ đến những cái chẳng ai nghĩ ra, đằng này phòng lại phân cho gã công việc chán phè là tổng kết phong trào phát huy sáng kiến. Gã cáu bẳn, bảo, tôi không làm. Nhưng trưởng phòng bảo viện trưởng chỉ định, gã đành chịu. Vì viện trưởng là người ký bảng lương, hiểu chưa? Hiểu, gã tự trả lời.

Gã thừa biết cải tiến đèn dầu thì cũng tốt, nhưng mọi cải tiến đèn dầu thì kết quả vẫn là đèn dầu, không thể dẫn đến đèn điện. Viện trưởng vẫn nói gã được đào tạo tốt, đầy năng lực, nhiều ý tưởng, cần phát huy, nhưng năm nào cũng giao những việc tầm phào cho gã, và cứ dự án nào quan trọng là gã không có tên.

Ngồi ì ra trước màn hình máy tính tối thui trong không gian tĩnh lặng, gã thấy buồn. Cảm giác người thừa lại xâm chiếm gã. Có gã thì tốt, mà không có gã thì vẫn tốt, chắc viện trưởng nghĩ như vậy. Gã đoan chắc ông ghét mình. Ghét từ lúc gã trình diện lần đầu tiên, khi gã trúng tuyển trong đợt thi tuyển viên chức. Lần ấy gã đỗ đầu, bài viết được điểm cao nhất nói về đèn dầu và đèn điện (mượn ý tưởng của một vĩ nhân). Gã đã viết, một kiểu tư duy chỉ dẫn đến một kiểu kết quả. Cả hội đồng chấm, viện không thể không tuyển gã. Gã tự tin mình sẽ làm việc tốt ở cái viện nổi tiếng này. Ông viện trưởng bắt tay gã, cười xởi lởi, chúc mừng gã đã gia nhập đội ngũ nghiên cứu viên của viện. Nhưng qua ánh mắt và bằng linh cảm, gã biết ông ác cảm với mình. Cũng có thể, qua nét mặt trông mất cảm tình của gã, qua tác phong có vẻ bất cần và quá tự tin của gã? Hay do bài viết của gã có những luận điểm quá mức cần thiết, khiến ông không thấy thoải mái?

Cái cảm giác ấy chẳng khác gì hồi còn bé gã bị cô giáo ghét. Ở lớp, cô chia học trò ra làm hai loại, ngoan và không ngoan. Gã với thằng bạn đang chơi thân với nhau từ bé vì ở cùng phố, ngồi cùng bàn, thì hôm sau thằng bạn bỗng bảo tao không chơi với mày nữa, vì cô bảo tao loại ngoan, mày thuộc loại không ngoan. Gã biết cô ghét mình thì lại càng lẩn tránh cô nên lại càng bị ghét. Cả mấy năm học, hạnh kiểm luôn có vấn đề. Bây giờ chắc cũng thế, rất có thể gã lại bị xếp vào loại không ngoan. Chắc hẳn trong lý lịch gã đặt trên bàn ông viện trưởng hay ở phòng nhân sự cũng đầy những nhận xét chẳng hay ho gì.

Vậy tại sao mình không thử tìm hiểu xem sao.

Một ý nghĩ lóe lên như tia chớp. Buổi sáng chưa có ai, sao mình không thử vào phòng nhân sự xem hồ sơ về mình. Gã hấp tấp đứng dậy, hấp tấp ra hành lang. Gã đứng trước cửa phòng nhân sự đóng kín, lắc người một cái, đã ở trong phòng. Đi qua cánh cửa gỗ dễ hơn vượt qua tường bê tông nhiều, gã nghĩ. Kia kìa, cái tủ kia là nơi lưu trữ hồ sơ của mọi cán bộ. Chỉ cần đến đấy, mở ra, tìm theo vần tên, lôi hồ sơ ra đút túi, trở về phòng mình, tối nghiên cứu, sáng mai trả lại, thế là xong, hoàn toàn biết rõ người ta nói gì về mình, nghĩ gì về mình. Thậm chí có thể thò bút biên tập lại câu văn cho nhẹ nhàng hơn.

Dễ như ăn kẹo. Gã tiến đến tủ hồ sơ, giơ tay ra. Nhưng đúng lúc ấy, và cũng như mọi khi, có một cái gì đó rất khỉ lại kéo tay gã lại.

Từ bé, gã đã có cái tật mỗi khi phải làm điều gì đó cần thì không hiểu sao lại dừng lại, và gần như sau đó làm ngược lại điều phải làm. Gã cũng muốn trở thành đứa bé ngoan trong lớp, nhưng cứ khi gặp cô, gã lại trở nên kém ngoan. Với Huệ cũng vậy, đã có những lần gã muốn cưới nàng, nhưng chẳng hiểu sao tâm trí gã lại cứ chống đối. Mấy năm trôi qua trong sự chống đối dai dẳng, khiến Huệ nhiều phen buồn rầu. Còn bây giờ, gã đang chống lại ý nghĩ mở tủ hồ sơ lấy ra tập giấy có tên mình. Tự nhiên gã phát cáu, tại sao lại phải dựa dẫm vào mấy tờ giấy ố vàng nằm trong tập hồ sơ kia?

Và thế là, gã ngoẹo đầu nhìn cái tủ hồ sơ, cười khẩy, rồi lẳng lặng quay người, vượt qua cánh cửa gỗ để ra ngoài hành lang.

Một ngọn gió ùa tới khi gã thoát ra khỏi căn phòng đóng kín. Gã thở một hơi dài, thấy không khí trong trẻo lạ thường.

Vẫn chưa có người đến làm việc ngoài chị tạp vụ đang lúi húi trong nhà vệ sinh. Gã đi dạo trong hành lang Viện, ngang qua hết cánh cửa này đến cánh cửa khác, nghĩ bụng, cũng khoái, bây giờ gã muốn vào đâu chẳng được. Thậm chí đột nhập vào phòng viện trưởng, giở hồ sơ dự án, điền tên mình vào.

Ngay từ khi dự án được gửi đến viện, gã đã muốn tham gia, vì trong đó có nhiều vấn đề khoa học mà gã đã nung nấu nhiều năm, từ hồi còn là sinh viên đại học. Sau đó, nó còn xuất hiện trong luận án thạc sĩ, rồi luận án tiến sĩ của gã. Nhưng viết trong luận án là một chuyện, dùng vào thực tế lại là chuyện khác. Ở viện, người ta vẫn nhớ đến chuyên sâu của gã, nhưng mỗi khi có cái gì dính dáng đến nó thì lập tức lại có một việc khác rất cụ thể viện thấy cần đến gã hơn. Gã khao khát làm đề án, làm hẳn chủ nhiệm một đề tài nhánh quan trọng nhất, vì ở đó áp dụng chính cái mà gã từng có những kết quả nghiên cứu. Thậm chí, gã nghĩ mình có đủ khả năng làm chủ nhiệm của cả cái dự án đó nữa.

Gã leo lên tầng tư, hướng tới phòng viện trưởng, tay lăm lăm cái bút đút sâu trong túi quần.

Nhưng rồi bước chân gã lại cứ chậm dần, và khi tới cánh cửa phòng viện trưởng, cái chân lại kéo gã đi ngang qua trong khi cái đầu cứ ngoái lại nhìn...

Gã về đến phòng, ngồi phịch xuống ghế.

Một lúc sau mọi người lục tục đến. Trưởng phòng ngạc nhiên: Hôm nay ông đến sớm thế? Rồi quên luôn gã.

Ào vào phòng một cái là mọi người đã rôm rả chuyện đề án. Nhà nước đặt hàng, đương nhiên tiền tươi, tiền to. Không như mấy anh công ty đặt hàng, rón ra rón rén vừa đái vừa dòm. Làm đề án nhà nước lại còn được trưng tên tuổi lên, được tính điểm khi xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Viện trưởng đương nhiên là chủ nhiệm, viện phó đương nhiên là phó... Quên đi, một người nói, ông Quang viện phó bị cho ngồi chơi xơi nước hai năm nay, bây giờ không có chỗ mà thò mũi vào đâu nhé. Thế à? Sao cậu cứ như từ cung trăng rơi xuống thế? Này, trưởng phòng ơi, em đăng ký, xin bác đề cử em tham gia dự án đi, một cậu trẻ măng nói. Mày ấy à, đợi đấy. Tốt nhất ra chỗ khác chơi!

Gã ngồi tựa lưng vào ghế. Thằng Huân, chỉ là thạc sĩ nhưng bố láo nhất phòng, đến gần gã, vỗ vai gã rất mạnh, khiến gã xiêu hẳn người, bảo, thế nào, ông cũng đăng ký một chân chứ?

Dường như tên này trên trời rơi xuống.

Gã cười: Thế cậu có đăng ký không? Tôi khác, Huân bảo, tài năng như ông mới là cái người ta cần. Thế hả, gã cười, chợt nghĩ, những cái tài cũ của mình đã chẳng dùng được việc gì, nay lại có thêm tài mới, đi xuyên tường...

Không ai cần, chính mình cũng chẳng cần... Bỗng nhiên gã phì cười. Huân nhìn gã, bảo, đúng là khùng.

4.Không ngờ Huệ lại đến nhà gã, rủ đi ăn quán. Hay quá, nhưng ai trả tiền đây? Gã đùa. Huệ cũng đùa, đương nhiên đàn ông phải trả, khi nào chính thức lấy nhau thì vợ sẽ trả tiền. Thế thay đổi ý định rồi à? Đồng ý lấy anh à? Gã nhìn nàng âu yếm. Còn lâu, Huệ bảo, hồi xưa người ta cần thì chẳng lấy, bây giờ thì đang suy nghĩ.

Huệ gọi món, rất nhiều.

Người phục vụ phải kê thêm một cái bàn bên cạnh mới đủ chỗ để thức ăn cho hai người.

Ăn sao cho hết? Gã phát hoảng nhìn la liệt bát đĩa thức ăn, thứ nào cũng ghê người khi liếc qua giá tiền. Phụ nữ tiêu tiền là để kích thích đàn ông làm việc, như vậy xã hội sẽ phát triển. Huệ giải thích với vẻ mặt tỉnh bơ. Cô gắp một miếng (chẳng hiểu là loại thực vật hay động vật gì nữa) bỏ vào miệng, nhai rau ráu như một con hổ nhai mồi. Cô tiếp tục: hơn nữa, anh bây giờ đầy khả năng kiếm tiền, rất nhiều tiền. Nàng nhìn gã, tuồng như nàng biết tỏng đêm qua gã đã đột nhập ngân hàng.

Mai em có được tặng nhẫn kim cương không đấy? - Nàng hỏi.

Gã phì cười: Đến một đoạn văn hay đột nhập phòng em mà không xin phép cũng còn thấy ngượng nữa là...

Thật chán anh quá... Nàng nói, rồi gắp thêm một loài động vật khác, chắc là loài dưới biển, bỏ vào miệng.

Mà này, nàng đột nhiên bảo, anh có địa chỉ Quỹ bảo vệ động vật hoang dã không nhỉ?

Em cần, tra internet là có ngay. Nhưng để làm gì?

Để viết thư cho họ, bảo họ có một loài cần bảo tồn, không thì nó tiệt giống mất…

…Mà thôi, hay là em quyết định lấy anh vậy.

Truyện ngắn của Tô Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.