Văn hóa sao Việt - NSND Kim Cương: Nhiều ca sĩ nói năng mất cảm tình

30/07/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Ông cha ta có câu: 'Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau'. Giá trị của mỗi con người nằm ở nhiều mặt nhưng quan trọng vẫn là lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử hằng ngày.

(TNO) Ông cha ta có câu: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Giá trị của mỗi con người nằm ở nhiều mặt nhưng quan trọng vẫn là lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử hằng ngày.

NSND Kim Cương - Ảnh: Độc Lập

1. Phật cũng có nói nên dùng ái ngữ với nhau để tạo cuộc sống yên bình, chứ không nên dùng ác ngữ. Mỗi người ra đời, ai cũng mong người khác thương yêu, quý trọng mình. Muốn vậy, mình phải thương yêu, quý trọng mình trước đã. Ngay cả nói đùa, nếu để làm vui mọi người thì nói, còn nói đùa mà làm khổ mọi người, sỉ nhục người khác thì đừng nên nói.

Khi nghệ sĩ chửi thề thì những khán giả, nhất là khán giả trẻ sẽ nghĩ rằng: "À, điều này là đúng, là hay!". Vậy là họ noi theo. Như vậy chẳng những không xứng với lòng ái mộ của khán giả mà còn có tội với xã hội
NSND Kim Cương
Với nghệ sĩ càng khó khăn hơn vì nghệ sĩ là người của quần chúng. Nghệ sĩ hưởng được những thứ mà người khác không có, trong đó có lòng ái mộ của người đời. Bởi thế, đi đứng, nói năng cũng được chú ý tới, ngay cả thu nhập cũng là dựa trên sự yêu quý của khán giả mà có. Nhưng biết nhận thì phải biết trả. Trả bằng trách nhiệm với nghệ thuật, trách nhiệm với cuộc đời và có trách nhiệm làm gương trước khán giả.
Một ca sĩ khi bước lên sân khấu, mặc chiếc áo chỉ có một bên tay thì lập tức một thời gian sau, người ta cũng bắt chước "mốt" thời trang y như vậy. Đã là nghệ sĩ, là người của quần chúng thì từ trên sân khấu đến cuộc đời phải luôn nhớ rằng thái độ của mình có ảnh hưởng đến người khác.
Ví dụ như khi nghệ sĩ chửi thề thì những khán giả, nhất là khán giả trẻ sẽ nghĩ rằng: "À, điều này là đúng, là hay!". Vậy là họ noi theo. Như vậy chẳng những không xứng với lòng ái mộ của khán giả mà còn có tội với xã hội. Nếu là người thường, họ nói gì không ai bắt chước nhưng đã là nghệ sĩ thì phải thận trong lời nói hơn vì mỗi lời nói, cử chỉ, hành động đều có tác động đến những người yêu mến mình. Hơn thế nữa, qua cách nói của mình, người ta còn có thể đánh giá trình độ mình tới đâu, hiểu biết cỡ nào, khiêm nhường hay phách lối.  
Theo NSND Kim Cương, qua cách nói của mình, người ta còn có thể đánh giá trình độ mình tới đâu, hiểu biết cỡ nào, khiêm nhường hay phách lối - Ảnh: Độc Lập
2. Có vài ca sĩ tên tuổi, tôi rất ái mộ, nhưng khi đi nghe họ hát và giao lưu thì mình lại... mất cảm tình vì cách nói năng của họ. Đó cũng là căn bệnh chung của một số ca sĩ hiện nay. Mỗi khi hát xong, họ thường giao lưu với khán giả nhưng giao lưu với quần chúng không phải dễ đâu, nó đòi hỏi trình độ mình thế nào nữa.
Tôi nhớ má tôi (NSND Bảy Nam - PV) ngày xưa có dạy khi mình hạ thấp mình bao nhiêu thì quần chúng sẽ đưa mình lên bấy nhiêu. Còn tự mình đưa mình lên cao thì quần chúng sẽ đẩy mình xuống thôi. Nghề này không thể nói ai hơn ai, không thể cân đo đong đếm, không thể tự phụ rằng mình hơn mọi người được. Muốn giữ tình cảm khán giả phải khiêm nhường, muốn cho mọi người quý trọng mình cũng phải khiêm nhường.

Ai cũng muốn làm nghệ sĩ trong một nước văn minh chứ không ai muốn làm nghệ sĩ trong... rừng mà muốn nói gì thì nói

NSND Kim Cương

Đã bước ra xã hội nghĩa là có sự tương tác với nhiều người. Ranh giới của sự tự do chính là sự tự do của người khác. Một số người trẻ bây giờ không hiểu chuyện đó, vào tiệm ăn hay rạp hát thì nói chuyện như chốn không người mà không nghĩ rằng không trọng người xung quanh chính là không trọng bản thân mình. 
May mắn là tôi không dùng mạng xã hội, không biết và cũng không quan tâm chuyện "đấu đá" nhau trên Facebook nhưng tôi tin dư luận rất thông minh. Khi nghệ sĩ chửi thề, văng tục sẽ có một số người thích thú, đồng tình nhưng số khác sẽ đánh giá thấp họ. Muốn người ta trọng mình thì mình phải trọng mình trước đã. Con người khác con thú ở chỗ có cái đầu, có suy nghĩ và biết kiềm chế khi tức giận. 
Tôi tin quần chúng rất thông minh. Chính những nhận xét, đóng góp chân thành của họ và những bài báo mang tính xây dựng của các phóng viên sẽ giúp cảnh tỉnh giới nghệ sĩ. Ai cũng muốn làm nghệ sĩ trong một nước văn minh chứ không ai muốn làm nghệ sĩ trong... rừng mà muốn nói gì thì nói. 
Nguyên nhân thì tôi không dám kết luận bởi trước nay tôi không dám nói gì mà bản thân không hiểu rõ. Tuy nhiên, thật sự tôi cũng rất buồn. Có thể tôi theo quan niệm xưa, ra đường cái gì cũng phải đẹp, người với người sống nhường nhịn nhau. Bởi thế ngày nay, tôi rất buồn khi thấy các cô gái trẻ đẹp, mặc áo dài trắng duyên dáng vậy mà... chửi thề. Nó phá hết tình cảm của mình. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của toàn xã hội đối với thế hệ trẻ. Bản thân tôi và nhiều anh chị em lớn tuổi cũng rất mừng khi nghe nói sắp tới có quy định cấm văng tục, chửi thề.
Kỳ nữ Kim Cương cho rằng ranh giới của sự tự do chính là sự tự do của người khác - Ảnh: Độc Lập

3. Tại sao người ta nói "hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ"? Thứ nhất, chuyện đụng chạm, ganh ghét, đố kỵ nhau giới nào cũng có nhưng những ngành nghề khác lại không được quần chúng và báo chí quan tâm như trong giới nghệ sĩ chứ thật ra nhiều người không phải nghệ sĩ làm bậy còn hơn nữa.
Cái thứ hai là do đặc thù nghề nghiệp. Đã là nghệ sĩ thì tâm hồn sẽ nhạy cảm hơn mọi người. Tôi thường nói vui rằng "không điên thì hát không hay". Cùng một sự vật, hiện tượng, người ta thấy bình thường còn mình tự dưng chảy nước mắt, nghĩa là mình có sự nhạy cảm hơn người khác. Cái nhạy cảm này vừa có lợi cũng vừa có hại. Nhiều khi chuyện không đáng buồn cũng buồn mấy ngày, chuyện người ta vui ít mình lại vui nhiều. Cho nên khi những tâm hồn nhạy cảm "đụng" nhau thì... ưa có chuyện.
Thế nhưng dù thế nào, tôi vẫn tin tưởng quần chúng. Xã hội rất công bằng. Người nào như thế nào sẽ được quần chúng đánh giá đúng thế ấy. Những ai không tôn trọng mình, không tôn trọng mọi người sẽ không tồn tại được lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.