Va chạm yêu thương

12/05/2012 10:06 GMT+7

Cầm tay bạn gái rời khán phòng xem vở Stereo woman - Ðược là chính mình (ra mắt tối 10-5 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội), Ðan Huyền (26 tuổi) là một trong những khán giả trong giới LGBT (đồng tính, lưỡng giới và chuyển giới).

Cầm tay bạn gái rời khán phòng xem vở Stereo woman - Ðược là chính mình (ra mắt tối 10-5 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội), Ðan Huyền (26 tuổi) là một trong những khán giả trong giới LGBT (đồng tính, lưỡng giới và chuyển giới).

Huyền không bỏ qua một vở kịch nào thuộc chủ đề về các vấn đề xã hội, như với  Stereo man (Muôn mặt của một con người).

Từ hàng ghế khán giả, Ðan Huyền cho biết nhiều năm nay cô đều dõi theo Stereo man 2006 về bạo hành giới, Stereo man 2009 - Nơi đến những mảnh đời về chủ đề HIV hay Stereo man 2010 - Hành trình đi tìm cảm xúc, về người đồng tính nói chung. Với Muôn mặt của những người phụ nữ - Ðược là chính mình, cô dắt theo bạn gái của mình vì biết sẽ có nhiều nội dung “ưu tiên” hơn cho người đồng tính nữ.

Va chạm yêu thương 
Những va chạm vừa đủ trên sân khấu trong vở kịch hướng về người đồng tính nữ - Ảnh: N.Linh

Không có một cốt truyện cụ thể, các diễn viên không đối thoại với nhau, mấu chốt của vở kịch là vũ đạo, âm nhạc và cách thoại của kịch đọc, từng diễn viên phải thể hiện diễn cảm những thông điệp trước micro. Xây dựng những va chạm vừa đủ gợi giữa những diễn viên nữ, gửi gắm thêm một số hình ảnh ẩn ý: cây gậy bổ đôi chiếc ghế tình nhân tượng trưng cho sự kỳ thị, cô gái trốn trong thế giới riêng là một hộc bàn... thêm âm nhạc đẩy cao trào, vở kịch dài trọn một giờ đã ít nhiều lấy được cảm xúc của khán giả với những tràng pháo tay. Ít nhất bốn thông điệp được gửi gắm: Tôi sinh ra là nữ, nhưng tôi là một đồng tính butch (tiếng lóng chỉ người đồng tính nữ với trang phục, cử chỉ, dáng vẻ nam tính); hôm nay tôi sẽ lộ diện; những định kiến trong xã hội, từ gia đình mà chúng tôi phải vượt qua; đừng cố gắng tìm hiểu xem ai đó là giới tính nào, một khi chúng ta luôn muốn dành cho nhau tình yêu và mong ước về hạnh phúc.

Dù tự tin và say sưa với công việc sử dụng nghệ thuật vào phát triển xã hội, đạo diễn Bùi Như Lai cũng không giấu những điều còn chưa tới. Không thể và cũng không muốn lột tả vấn đề một cách gai góc, trần trụi lên một sân khấu của Việt Nam, quan trọng hơn với đạo diễn là làm hài lòng số đông khán giả và cả những nhà tài trợ. Tuy thế, với những câu danh ngôn và thơ (của Napoleon, Puskin...) được lựa chọn vào phần kịch đọc có thể mềm mại và lãng mạn, song chưa hẳn gần gũi với chủ đề vở kịch. Và sẽ rất khó để thuyết phục chính những người trong cuộc trong cách đầu tư xây dựng hình tượng, có nhất thiết diễn viên phải liên tục mô phỏng động tác hút thuốc mới ra hình ảnh đồng tính nữ?

Dù vậy, như với Ðan Huyền, nếu ra đường khó có thể nắm tay người yêu, trên trang mạng xã hội hay trước gia đình, bố mẹ, khó có thể công khai cuộc sống riêng, thì được ngồi cạnh nhau cùng xem một vở kịch dành cho mình đã là một trải nghiệm có vị của yêu thương và hạnh phúc. “Ít nhất, như thế, tôi thấy mình còn có ích cho xã hội, vì đồng tính cũng như dị tính âu cũng là điều tự nhiên”.

Theo Tuổi Trẻ

>> Những lời yêu thương ngọt ngào và bất hủ
>> Chọn đường đi cho riêng mình
>> Tôi muốn là chính mình
>> Tự đóng khuôn mình...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.