Ước mơ beatbox Việt

05/04/2010 01:52 GMT+7

Nhắc đến Minh Kiên (hoặc MK) khán giả - nhất là các bạn trẻ tuổi teen sẽ nghĩ đến ngay: À, người chơi nhạc bằng miệng đây!

Từ sở thích “hâm hâm”...

Chàng trai đầu đàn của beatbox Việt từng bị cho là hâm, là nhố nhăng khi vừa đi vừa nhảy nhót, miệng thì liên hồi “bụp chát chát bụp”; cũng từng bị “đơ” khi biểu diễn xong nhưng khán giả ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu vừa xem tiết mục gì... Sở dĩ Kiên bị không ít người cho là có vấn đề, bởi loại hình nghệ thuật này hơn chục năm trước vẫn còn rất xa lạ với khán giả trong nước.

Minh Kiên - Ảnh: Việt Underground

Kiên kể, từ hồi lớp 1 (Kiên sinh năm 1987 - NV) đã biết bắt chước tiếng kêu các con vật và tiếng động trong phim, xem đó như một sở thích của mình. Đến năm lớp 6, Kiên bắt đầu bắt chước tiếng trống và những tiếng động trên sân khấu...

Thấy xung quanh chẳng ai biết làm như mình, và thấy mình làm cũng ra trò đàng hoàng, nên “tôi cứ tưởng mình vừa nghĩ ra bộ môn nghệ thuật mới”. Đến năm lớp 10, được một người bạn cho xem clip của người chơi trống bằng miệng, Kiên mới biết tên “môn nghệ thuật của mình” là beatbox (sự mô phỏng âm thanh của bộ gõ bằng miệng). Khi biết thế giới đã có, Kiên tự mày mò, tìm thêm tài liệu để học, luyện tập theo. Vào năm nhất (trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội), một chị bạn của Kiên thấy hay hay nên mời Kiên giao lưu trong chương trình Tôi 20 (trên VTC). Sau đó, mọi người biết đến Kiên cũng như bộ môn này.

Không chỉ beatbox, Minh Kiên còn nổi tiếng khi là fan hâm mộ cuồng nhiệt của Michael Jackson. Chính vì thần tượng ông vua nhạc pop này nên anh đã phải “nghiên cứu” rất kỹ vì sao Michael có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy khi biểu diễn trên sân khấu. Thế là cùng beatbox, nhảy hip hop, Minh Kiên “dùi mài” thêm những môn khác như: sáng tác nhạc, hát...

... đến nghệ sĩ đắt show

Kiên tâm sự để được như hôm nay, anh đã phải trải qua thời gian dài thuyết phục bố mẹ, vì “gia đình ban đầu không ủng hộ, nhưng dần dà tôi đã chứng tỏ được đam mê nên bố mẹ đồng ý, tạo điều kiện cho tôi theo đuổi loại hình này”.  

Tuy VN chưa có trường lớp hay giáo trình bài bản dạy beatbox, nhưng fan của loại hình này ngoài việc tìm hiểu, trao đổi, học hỏi trên các trang web, còn có thể gia nhập các CLB beatbox, dù số lượng còn khá khiêm tốn, hầu như chỉ ở thành phố lớn. Hiện nay, phía Bắc nổi bật là Beatboxing Club (do Hung K.A sáng lập), quy tụ gần như những gương mặt nổi tiếng: Đạt béo, Tùng Kon, Hoàng Kotex, Linh C... Tại TP.HCM thì có CLB 5th Element, do Double T (Minh Tuấn) “chủ xị”, sinh hoạt vào chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại CLB Phan Đình Phùng. Những trang web có hướng dẫn và trao đổi về beatbox như: http://www.beatboxing.com;
http://www.humanbeatbox.com;
http://www.beatboxingclub.com;
http://www.beatboxmixer.com...

Hiện tại, nhắc đến beatbox VN, ngoài một Minh Kiên được xem như người tiên phong, rất đắt show (vì anh cũng nổi tiếng trên mạng lẫn showbiz với vai trò ca sĩ và người sáng tác ca khúc Đèn trời đêm, Xe đạp...), giới teen còn biết đến những cái tên như: Double T (Minh Tuấn), Mr.T, Hung K.A, T-AD, Minh Đạt (Đạt béo)...

Và những bạn trẻ yêu thích bộ môn này cũng không còn “đơn độc” như Minh Kiên ngày trước. Minh Duy - thành viên của CLB beatbox 5th Element ở TP.HCM, cho biết các thành viên CLB chủ yếu tự tập luyện với nhau theo băng đĩa (nhất là những clip của Minh Kiên), và “tôi rất tự hào khi có một thần tượng như anh Minh Kiên”. Giữa tháng 3 vừa qua, các beatboxer phía Nam cũng đã có cơ hội trổ tài trong cuộc thi Bring Da Noise, do một người bạn của Minh Tuấn từ Mỹ về tổ chức.

Theo Minh Kiên, nếu muốn tập beatbox, “người chơi cần có khả năng bắt chước tiếng động và cảm nhận, nắm bắt nhịp nhạc thật tốt, nghe thật nhiều và bắt chước theo những đoạn beat đơn giản, sau đó tập những âm cơ bản”. Kiên cho rằng: “VN mình vẫn có những beatboxer đâu thua gì thế giới, chỉ vì họ chưa có cơ hội phát triển thôi!”.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.