Truyền kỳ làng trạng Vĩnh Hoàng - Kỳ 6: Những nhà “trạng học” bất đắc dĩ

10/04/2015 00:00 GMT+7

Không phải là dân làng trạng Vĩnh Hoàng (nay thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), cũng không được cơ quan đoàn thể nào phân công, nhưng vì trót mê chuyện trạng Vĩnh Hoàng nên đã có rất nhiều người dấn thân vào nghiệp... nghiên cứu.

Không phải là dân làng trạng Vĩnh Hoàng (nay thuộc xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), cũng không được cơ quan đoàn thể nào phân công, nhưng vì trót mê chuyện trạng Vĩnh Hoàng nên đã có rất nhiều người dấn thân vào nghiệp... nghiên cứu.
Cuộc thi kể chuyện trạng được tổ chức hằng năm tại Trường THCS Vĩnh Tú - Ảnh: Trường Dân
Từ công chức thành... nhà nghiên cứu văn hóa dân gian !
Đó là bước ngoặt định mệnh của anh Nguyễn Văn Thanh (36 tuổi, trú P.5, TP.Đông Hà, Quảng Trị). Biết đam mê của anh Thanh, nhiều người tiếu lâm theo kiểu Vĩnh Hoàng rằng chuyện trạng không những làm người ta cười mà còn có thể thay đổi nghề nghiệp. Anh Thanh không phủ nhận, bởi chính cuốn sách về trạng Vĩnh Hoàng là công trình đầu tiên của anh và nếu không “bắt gặp” chuyện trạng Vĩnh Hoàng, không khéo giờ đây anh vẫn đang ngồi “mài đũng quần” (từ của anh Thanh dùng) trong một văn phòng với một công việc không phù hợp với bản thân.
Anh Thanh cho biết quê ở xã Phong Hòa (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường ĐH Khoa học Huế. Mối lương duyên với “chuyện trạng” chỉ bắt đầu khi anh lấy vợ quê xã Vĩnh Thành (H.Vĩnh Linh) và vợ anh có một người bà con sống ở làng trạng. Nhiều lần ghé thăm, đi theo các cụ nghe chuyện trạng, anh Thanh “nghiện” lúc nào không hay. “Phần vì thời đi học tôi cũng đã nghe “danh” chuyện trạng Vĩnh Hoàng mà chưa có cơ hội tìm hiểu, phần vì khi đã tìm hiểu rồi thì mới biết nguyện vọng tột cùng của người Vĩnh Hoàng là phải làm sao gìn giữ thứ văn hóa phi vật thể đặc sắc này”, anh Thanh giãi bày.
Năm 2007, anh Thanh tập tành nghiên cứu chuyện trạng với “đồ nghề” là mớ giấy bút lỉnh kỉnh và một chiếc máy ghi âm. Cứ vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, bất kể nắng mưa, anh lại xách chiếc xe cà tàng chạy gần 40 km từ TP.Đông Hà ra làng Vĩnh Hoàng chỉ để ngồi hầu nghe chuyện trạng.
Ước muốn được giữ nguyên bản chuyện trạng Vĩnh Hoàng nên anh Thanh đã tự “làm khó” mình, bởi ngôn ngữ làng Trạng không hề đơn giản. “Thú thật là có nhiều từ tôi chưa từng nghe và không thể nào hiểu nổi, nên phải về nhà hỏi… vợ. Có lẽ do giọng của người Vĩnh Hoàng khá nặng và họ cũng sử dụng rất nhiều tiếng địa phương nghe rất hài. Khi đã biết thì tôi chú thích rất kỹ càng để độc giả không phải ngẩn tò te như tôi”.
Cuối tháng 11.2011, cuốn sách Chuyện làng trạng Vĩnh Hoàng ra đời với 45 câu chuyện in trong 100 trang. Vì phải bỏ tiền túi nên anh Thanh chỉ dám in vỏn vẹn 500 cuốn. Tại làng Vĩnh Hoàng, hầu như nhà nào cũng có một cuốn sách này, xem nó như bảo bối, bởi khi quên một câu chuyện nào thì lấy ra đọc lại.
Gặp lại anh Thanh vào một ngày đầu năm Ất Mùi, anh cho biết đang ấp ủ công trình nghiên cứu thứ 2 về chuyện trạng Vĩnh Hoàng và bật mí sẽ ra thêm 1 cuốn sách đặt tên là “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đời mới”. “Tôi thực sự muốn làm rất nhiều điều cho làng trạng. Tôi cũng mong nhiều người và chính quyền, ngành chức năng hãy vào cuộc rốt ráo hơn. Điều nữa là rất cần sự ủng hộ về mặt vật chất, bởi người ta không thể bảo tồn văn hóa chỉ bằng... niềm tin”, anh Thanh trăn trở.
Khát vọng của ông giáo làng
Thầy Trần Hùng Dương, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS xã Vĩnh Tú (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), rất thích nghe, sưu tầm chuyện trạng, thậm chí còn có thể đặt vè trạng.
Trong số các tài liệu mà thầy Dương cung cấp, tôi đặc biệt thú vị với phần ghi chép về thổ ngữ Vĩnh Hoàng, thứ được xem là linh hồn của làng trạng. Trong đó, thầy đã cóp nhặt những từ địa phương thường xuất hiện trong chuyện trạng rồi dịch ra tiếng phổ thông để ai đọc hoặc nghe chuyện trạng đều hiểu. Cụ thể: côi (trên), đưới (dưới), cấy (con gái), cơn (cây), cơn săng (cây lấy gỗ), đực coọc (con cọp), bữa diếp (ngày hôm kia), đoọi (cái bát to), đụa (đũa), đực rạ (con rựa), lịp cời (nón rách), ống chối (micro), đi dởi (đi chơi), ngá cấy đa côi trôốc (ngứa da đầu), ưng chắc (yêu nhau), ốốc dôộc (xấu hổ)... Thêm nữa, tài liệu cũng chép lại cách gọi theo ngôi thứ trong chuyện trạng. Đối với ngôi thứ nhất: tau, tui (tôi). Ngôi thứ hai: mi, đực nọ, đực kia, lạo nọ, lạo ni (anh ấy, anh kia, ông nọ, ông này), bọ mi (bố mày)...
“Từ ngữ trạng Vĩnh Hoàng vô vàn lắm, tôi bỏ nhiều thời gian sưu tầm, dịch lại nhưng quả thật thấy vẫn còn chưa đâu vào đâu...”, thầy Dương nói.
Dù vậy, là lãnh đạo của một ngôi trường đặt trên đất trạng, nên thầy Dương đã dày công truyền niềm đam mê đó cho đám học trò nhỏ. Chính thế, hằng năm nhà trường đều tổ chức cuộc thi kể chuyện trạng hoặc mời các “trạng sư” của làng đến nói chuyện cùng các học sinh. Thư viện của nhà trường ngoài sách vở, mô hình dạy học còn có dày đặc tranh vẽ, bài vè... chuyện trạng được làm thủ công trên khổ lớn. Chưa hết, nhờ sự hướng dẫn của thầy, năm 2014 vừa qua, đề tài “Tích hợp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức qua chuyện trạng Vĩnh Hoàng” của học sinh Trường THCS xã Vĩnh Tú đã đoạt giải 3 cuộc thi sáng tạo học sinh toàn tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.