Trồng chuối trên di tích đặc biệt !

20/12/2014 04:13 GMT+7

Khu di tích tại xã Xuân Sơn Nam, H.Đồng Xuân (Phú Yên) được Viện Khảo cổ học VN khai quật với nhận định ban đầu là lò-mộ thuộc dạng đặc biệt. Thế nhưng, hiện di tích này bị người dân dùng máy cày cày nát các di vật.

Khu di tích tại xã Xuân Sơn Nam, H.Đồng Xuân (Phú Yên) được Viện Khảo cổ học VN khai quật với nhận định ban đầu là lò-mộ thuộc dạng đặc biệt. Thế nhưng, hiện di tích này bị người dân dùng máy cày cày nát các di vật.

Trồng chuối trên di tích đặc biệt !Người dân trồng chuối trên di vật lò-mộ - Ảnh: Đức Huy
Khu di tích nằm dọc bờ sông Cái trên diện tích hơn 3.725 m2. Do lũ năm 2009 cuốn trôi lớp đất dày hơn 1 m nên phát lộ một quần thể với 73 di vật. Viện Khảo cổ học (KCH) VN đã khai quật khẩn cấp và đã có nhận định ban đầu những di vật này là loại lò hỏa táng được làm bằng đất nung. “Những lò này được sản xuất hàng loạt ở một nơi khác, được vận chuyển đến khu vực chọn làm nơi tiến hành nghi lễ hỏa táng. Trên diện tích trên đã thống kê được 73 lò, có thể nhận định đây là một khu chuyên tiến hành các nghi lễ hỏa táng”, TS Nguyễn Tiến Đông (Viện KCH VN) đưa ra giả thuyết.
Trong đợt khai quật năm 2010, đoàn khai quật của Viện KCH VN vẫn chưa thể khẳng định niên đại của khu di tích lò-mộ, nhưng cũng đưa ra giả thuyết niên đại khoảng thế kỷ 13 với giả định là loại hình trung gian, một gạch nối từ văn hóa Sa Huỳnh (mộ chum) đến văn hóa của một số tộc người ở Tây nguyên với kiểu quan tài thân cây khoét rỗng và những nghi lễ tang ma của họ.
Theo TS Đông, ngoài tính chất là lò thiêu ở giai đoạn đầu, lò này còn đóng vai trò là một quan tài bằng đất nung ở giai đoạn sau của lễ tang người chết. TS Đông đã gọi loại hình di tích này là lò- mộ. “Đây thật sự là một loại hình di tích rất đặc biệt chưa từng biết đến ở VN”, TS Đông nhận định.
Theo Viện KCH VN, căn cứ vào chất liệu đất nung được làm cẩn thận từ nguyên liệu mịn, lọc kỹ, độ nung không cao, kích thước lớn, tồn tại qua thời gian trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt cho thấy đây là một nét kỹ thuật đặc trưng của cư dân Chămpa. Từ đó nhận định rằng, di tích này là của người Chăm và là di tích đặc biệt cần phải bảo vệ. “Ngay lập tức bằng mọi biện pháp bảo vệ khu di tích này, tránh sự xâm hại bởi những hoạt động canh tác nông nghiệp hay đào phá di tích với mục đích khác”, TS Đông kiến nghị.
Bị quên lãng
Mặc dù đã được các chuyên gia kiến nghị bảo vệ nhưng kể từ sau khi khai quật, khu di tích này đã bị lãng quên. Dần dần sau đó, người dân đã dùng máy cày xới đất để sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Mến Thương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam cho biết, toàn bộ diện tích đất trong khu vực di tích lò-mộ đã được giao cho người dân sản xuất nông nghiệp. “Đất đã giao cho dân nên chúng tôi không thể cấm dân được. Người dân đã trồng sắn, mía trên khu đất đó. Nếu là di tích thì cần có quy hoạch cụ thể để vừa đảm bảo quyền lợi của người dân vừa bảo tồn di tích”, ông Thương nói.
Trước thông tin này, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết, sở này sẽ có thông báo để người dân có ý thức bảo vệ và chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ của Sở đề xuất phạm vi bảo vệ. “Nếu bảo tồn thì chỉ bảo vệ khu vực nhỏ, tương đối tiêu biểu của di tích. Sở đã giao Phòng Di sản và Ban Quản lý di tích kiểm tra, có kế hoạch bảo vệ hiện trạng, tránh xâm hại đến di tích”, ông Tiến nói.
Ông Hồ Văn Tiến đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ sở đưa vào kế hoạch khảo quật tiếp theo di tích lò-mộ ở xã Xuân Sơn Nam trong năm 2015. Cũng theo dự kiến, Viện KCH VN cũng đã có kế hoạch tiếp tục khai quật khu di tích này để nghiên cứu làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.