Tổ quốc nơi đầu sóng

08/12/2012 04:00 GMT+7

Sức trẻ ào về qua những ca khúc chính trị - giục giã như thời sự về Tổ quốc nơi đầu sóng mỗi ngày.

Nhạc sĩ Việt Anh đứng tần ngần bên sân khấu, dạo lại một mình lần nữa bài ca mà anh phối khí - Gửi lại em. Lời bài hát nhắc lại thời xa lắm - khi anh nhạc sĩ sinh năm 1976 mới vài ba tuổi: “Cùng nhau ra nơi biên thùy, căm thù giục bước quân đi. Hàng me xôn xao vẫy chào, tạm biệt nhé người thương”. Cho tới trước Đổi mới 1986, bài hát ấy vẫn được hát đều đặn tại khu tập thể nghệ sĩ Mai Dịch - nơi anh lớn lên. Một hình dung về bảo vệ biên giới là thế, biên giới trên bộ.

Giờ đây bài hát này được anh phối lại cho tốp nam nữ. Họ chia bè, hát như đối thoại. Một hình thức khác và cũng phức tạp hơn so chính nó những năm 1980 - thời của ca khúc chính trị. Khi ấy, mỗi nhóm ca khúc chính trị thường nhỏ gọn, cơ động và thường chỉ dùng một vài cây đàn ghi ta để hát. Màn hình điện tử cỡ lớn cũng quá khác lạ so với hội trường nhỏ, sân khấu cơ động những ngày xưa. “Với những bài hát gắn liền với quá nhiều lớp thanh niên, chúng tôi biết rõ phải luôn làm mới cách phối khí, trình diễn”, nhạc sĩ tâm sự.

 
Buổi tập của các nghệ sĩ, diễn viên chương trình Khát vọng trẻ - Ảnh: Trường Sơn

Cùng lứa với Việt Anh, ca sĩ Mỹ Linh cũng từng sống trong những ngày ca khúc chính trị sôi động như thế. Chỉ một nụ hôn người lính trong “Cao cao bên cửa sổ có hai người…” cũng đủ để nghệ sĩ ngượng ngùng khi thể hiện. Trong chương trình, Mỹ Linh hát với trải nghiệm của mình về những bài hát động viên cả người ở và người lính ra trận. Màu hoa đỏ qua chất giọng diva tóc ngắn hùng tráng, chỉnh tề như người đã sẵn sàng trong hàng quân. Thêm một ca khúc chính trị mới “sáng” theo lối đi mà Anh Quân vẫn dẫn dắt Mỹ Linh - sự kinh viện ẩn giấu dưới vỏ tân kỳ.

Nối theo sự tân kỳ của Mỹ Linh, Tùng Dương trải một không gian biển khác qua Nơi đảo xa. Một bản tình ca có tiết tấu khác hẳn với Chiếc khăn Piêu nhịp điệu nối nhịp điệu. Vốn biến hóa đa phong cách của anh từ dân gian đương đại, tới jazz, trữ tình, nhạc đỏ, bản pop này được chờ đợi hơn vì đây là lần thứ hai anh hát cũng tại Khát vọng trẻ. “Nơi đảo xa lần trước ngay lập tức đã trở thành bài hit của Tùng Dương trên YouTube. Nhưng lần này, Tùng Dương vẫn hát lại theo cách khác. Nó sẽ mênh mang niềm tin hơn”, anh chia sẻ. Rất có thể, phiên bản mới này sẽ sớm trở thành một hit mới của anh.

Khát vọng trẻ 5 cũng đánh dấu sự trở về của việc “đặt hàng” ca khúc chính trị. Như nhiều bài hát khác Kimmese chọn biểu diễn, Ngôi sao ước mơ cho thấy cách người trẻ nghĩ và bộc lộ hoài bão. Nhịp rap Việt giờ đã quen thuộc với công chúng trong nước càng gần hơn với những tự sự “đích thực” trẻ của cô. Hotgirl Hà Nội từng sáng tác bài hát về nhiều vấn đề xã hội như giáo dục giới tính, HIV nay đi tiếp một bước nữa trên con đường đa dạng hóa đề tài. Trước Khát vọng trẻ 5, ai dám nghĩ rap Việt lại chuyển tải điệu nghệ hoài bão cho/của đoàn viên.

Nhưng sự thật là, với Khát vọng trẻ 5, những lời “ngày mai tôi sẽ lên đường” đã được nói bằng nhiều giọng ca, nhiều phong cách. Bởi người trẻ có thể là gì nếu không dấn thân, không nhìn về hướng biển. Và những ca khúc chính trị được phối khí giản dị ngày xưa - giờ trở lại với công nghệ show hiện đại - vẫn giữ nguyên được sắc đỏ của hoa, của máu. Nó còn thêm vị mặn mòi của thời sự Trường Sa, Hoàng Sa hôm nay - câu chuyện Tổ quốc nơi đầu sóng.

Đây là chương trình văn nghệ phục vụ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10 (không bán vé), diễn ra vào 20 giờ tối nay 8.12 tại Cung  thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội), truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Áo dài thêu tay của nhà thiết kế Thuận Việt

Một trong những điểm nhấn của Khát vọng trẻ 5 là bộ sưu tập áo dài Sen Việt được nhà thiết kế trẻ Thuận Việt thực hiện dành tặng riêng cho chương trình.

“Tôi muốn bộ sưu tập gợi lên nét truyền thống, vì thế đã nghĩ ngay đến hình ảnh hoa sen. Không khó để có ý tưởng này, nhưng điều khó lại là đã có quá nhiều nhà thiết kế có ý tưởng về sen, làm sao để thể hiện được dấu ấn, cá tính của nhà thiết kế” - Thuận Việt nói.

Mười một mẫu thiết kế đã được hoàn thiện sau hơn hai tháng. Điều đáng nói là tất cả đều được thêu bằng tay với sợi chỉ tơ mềm. Hơn 30 nghệ nhân đã miệt mài thực hiện tỉ mỉ, công phu từng chi tiết trên tà áo. Ngoài ra, nhà thiết kế Thuận Việt còn cho gắn lên trên tà áo những viên đá pha lê nhiều màu để những tà áo có phần lộng lẫy hơn. Làm sao chọn được loại đá có nhiều màu sắc đẹp, đúng với gam màu thiết kế, hơn nữa cần phải nung với nhiệt độ cao để có độ bền là việc không dễ. Thuận Việt đã quyết định lựa chọn loại đá pha lê cao cấp. Nhà thiết kế trẻ đủ tự tin Sen Việt sẽ tạo nên sự khác biệt.

 Minh Ngọc

Bên lề

Cẩm Ly - niềm vui nhân đôi

 
Ảnh: Đ.N.T

Trước khi lên đường gặp khán giả Hà Nội trong Khát vọng trẻ 5, Cẩm Ly (ảnh) vừa kịp trình làng album Sầu đâu quê ngoại - Quê hương tôi.

Chị cho biết album gồm 10 ca khúc mang âm hưởng dân ca như: Sầu đâu quê ngoại, Quê hương tôi, Chiều nước lũ, Anh Bảy nhớ mẹ, Khoai lang miệt vườn, Về đâu mái tóc người thương, Chiếc xuồng… Trước niềm vui gặp lại khán giả Hà thành sau thời gian khá dài, Cẩm Ly cho rằng sẽ có thêm sức mạnh để “quậy” tưng bừng cùng bạn trẻ trong đêm 8.12.

D.L

Tùng Dương bay liên tục giữa Hà Nội - TP.HCM

 
Ảnh: N.V

Thời gian gần đây, lịch bay giữa Hà Nội - TP.HCM của Tùng Dương (ảnh) gần như liên tục, và cùng với lịch bay chính là lịch diễn giữa 2 TP.

Trước khi biểu diễn Khát vọng trẻ 5, Tùng Dương có 2 đêm nhạc tại Nhà hát TP.HCM với chủ đề Tùng Dương hát tình ca. Sau Khát vọng trẻ 5 tại Hà Nội, anh lại tiếp tục bay vào Sài Gòn với đêm diễn khác, rồi tham gia đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa tại Nhà hát Hòa Bình.

Tiếp đó, Tùng Dương sang Pháp để thực hiện album với nghệ sĩ nhạc jazz Nguyên Lê.

N.V

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.