Tín ngưỡng Hùng Vương đưa đất nước thành gia đình lớn

07/12/2012 03:30 GMT+7

Từ sự phóng đại tục thờ cúng tổ tiên do nhu cầu chính trị, chúng ta đã có một biểu tượng cội nguồn dân tộc - tín ngưỡng Hùng Vương - tín ngưỡng vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại.

Đã từng có tranh luận về việc vua Hùng có thật hay không. Nhưng phải nhận thức rõ rằng Hùng Vương chính là một biểu tượng cội nguồn của dân tộc. Nó chính là sự phóng đại tục thờ cúng tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình. Song chỉ thờ cúng tổ tiên không thì không có thờ cúng quốc tổ. Thờ cúng quốc tổ Hùng Vương sinh ra do nhu cầu xây dựng nhà nước độc lập của quốc gia phong kiến dựa trên nền tảng của tục thờ cúng tổ tiên đã có.

Khi đất nước chúng ta thoát khỏi phong kiến Trung Hoa, từ Lý - Trần, đặc biệt là từ thời Lê trở đi, tiền nhân ý thức rất rõ việc phải xây dựng kết cấu dân tộc để tạo sức mạnh. Chúng ta cũng cần hệ ý thức để tạo kết cấu đó. Cho nên, mới có biểu tượng ông Thánh Gióng chống ngoại xâm, ông Sơn Tinh là biểu tượng của công cuộc chống lũ lụt… Đó là hệ ý thức Việt Nam - nó giúp tạo sức mạnh tinh thần cho cấu kết quốc gia. Từ cái nền thờ cúng tổ tiên đã tiến lên xây dựng biểu tượng thờ cúng Quốc tổ là Hùng Vương.

 

TS Dương Bích Hạnh từ Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết: hôm qua (6.12) vào 12 giờ 10 (giờ Paris), tín ngưỡng Hùng Vương của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chính vì thế, khi nghiên cứu có thể thấy, trước thế kỷ thứ 10 hình bóng vua Hùng còn mờ nhạt. Thời kỳ Lý - Trần bắt đầu có nhân tố này. Khi ấy để xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền mạnh các cụ có nhu cầu xây dựng biểu tượng chung của dân tộc. Chính vì thế, tới thời Lê mới xây dựng ngọc phả của Hùng Vương. Các cụ làm chính trị giỏi như thế. Nhờ đó, chúng ta có Hùng Vương là một biểu tượng chung của dân tộc.

Thời phong kiến ông cha ta cũng thờ cúng quốc tổ. Cho đến nay chúng ta cũng vậy. Thậm chí, tuy xây dựng từ thời phong kiến nhưng giờ nó còn được đánh giá cao hơn.

Độc lập dân tộc là vấn đề nhiều quốc gia từng phải đối mặt. Song, chuyển hóa nó thành một biểu tượng cội nguồn như chúng ta là điều độc đáo. Các dân tộc khác có cách làm khác, chứ không như mình, gia đình hóa vấn đề quốc gia dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, độc lập dân tộc đã được đưa vào phạm trù gia đình, tổ tiên.

Và cũng vì thế, chỉ có người Việt Nam mới gọi chủ tịch nước là Bác - Bác Hồ. Điều đó có được trên nền tảng quan niệm đất nước như một gia đình. Khi nói “cha rồng mẹ tiên”, “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, và tổ chức giỗ tổ Hùng Vương - chúng ta đã coi đất nước như một gia đình lớn.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.