Tìm yêu - Truyện ngắn của Kiều Bích Hương

01/03/2015 07:00 GMT+7

“Chúng mày xem, cái thân đàn bà học hành, phấn đấu xã hội danh giá đến mấy ngày cưới vẫn phải ngồi đực mặt ra chờ chú rể đến”, “Bọn Tây đâu có thế, ở nhà thờ chú rể phải đứng đợi cô dâu bước ra đấy chứ”.

“Chúng mày xem, cái thân đàn bà học hành, phấn đấu xã hội danh giá đến mấy ngày cưới vẫn phải ngồi đực mặt ra chờ chú rể đến”, “Bọn Tây đâu có thế, ở nhà thờ chú rể phải đứng đợi cô dâu bước ra đấy chứ”.

Tìm yêu
Giá ngày thường Lan đã lao vào triết lý cùng hai con bạn. Nhưng cô chỉ ngồi yên bên mép giường, ngập trong chân váy trắng lòe xòe ba tầng. Bầu ngực nhỏ của cô được gia công bằng đệm mút, giờ vồng lên dưới hai chiếc xương quai xanh, vừa gợi cảm vừa mong manh. Sau những hơi thở dài, Lan cảm tưởng cả lớp váy áo sắp tụt xuống, lột trần cô ra đúng lúc chú rể bước vào. Cô định chọn bộ váy trắng suôn giản dị, nhưng mẹ cô tha thiết: “Con gái mẹ ngày cưới phải váy ba tầng nhé. Ước mơ của mẹ ngày xưa...”. Ngoài phòng khách, lâu rồi cô mới nghe mẹ đủ sức cười nói liên tục như thế. Một người đàn ông đang oang oang trong micro, giọng còn hạnh phúc hơn mẹ cô dâu: “Nhà trai ở xa nên mong các cụ, các ông, các bà đằng nhà gái lượng thứ vì sự vội vã. Xin cho chú rể của chúng tôi được vào rước dâu đúng giờ hoàng đạo rồi lên đường sớm”. Hai cô bạn thân của Lan vừa ngồi cùng giường tô son điểm phấn, thoắt cái ý tứ rút lui.
Tấm rèm vải hoa hồng lay động, bước chân ai đó hăm hở tiến vào. Tim Lan như ngừng đập. Ai là chú rể? Ai? Cô mất hết khái niệm. Tưởng như miễn nhiễm với yêu, thế mà chỉ trong năm tháng đầu tiên của chặng đường nỗ lực tìm tình, cô biết đến mười lăm người đàn ông khắp thế giới. Không yêu ai, căm ghét phân nửa, thờ ơ với số còn lại. Vậy cô đã chọn ai? Không gian quay cuồng, tâm trạng hoảng loạn.
***
Lan có tình yêu thời học trò với cậu bạn cấp ba. Thử yêu thôi. Cô không giỏi toán bằng Huy, nhưng cô biết hơn về thế giới. Khi những cậu trai làng non tơ chỉ cắm mặt vào ruộng đồng và trang sách toán, khi internet chưa về thôn và ti vi còn là đồ xa xỉ, Lan đã “đi” khắp thế giới nhờ quà của chú ở Hà Nội gửi về. Cô đắm mình vào những trang tiểu thuyết Trên sa mạc và trong rừng thẳm của Henryk Sienkiewicz, Xibiri của Gheeorghi Markôp... Lan mơ mình là cô bé Nel quý tộc người Anh bị lực lượng nổi dậy ở Sudan bắt cóc rồi được cậu bé Ba Lan Stas thông minh, dũng cảm che chở, cùng trốn chạy qua rừng thẳm Đông Phi cho đến khi gặp đoàn tìm kiếm. Giữa lớp học nóng nực đầu hè, cô tưởng tượng đang ngồi trong ngôi nhà gỗ sồi bên ấm samova bốc khói giữa Xibiri băng giá...
Ngồi hàng ghế trên, Huy hay quay xuống kéo Lan trở về thực tại bằng cách chạm ngón tay út vào tay cô: “Tay búp măng trắng nuột thế này, cậu biết gì là làm ruộng”. Lan không đẹp nhất lớp, cũng không ăn diện nhất lớp, nhưng khi cô chịu trò chuyện, cả đám trai đổ như ngả rạ. Thử quyến rũ một cậu bạn bằng lối nói chuyện duyên dáng quả dễ dàng với Lan. “Biết chứ, tớ cấy đêm trăng cơ đấy. Mẹ cấy không cần chăng dây, chị cấy chăng dây thẳng hàng tăm tắp. Còn tớ cấy thành vòng tròn, quanh một ngôi mộ giữa ruộng. Mộ này chắc sang cát lâu rồi, chỉ vừa bằng cái thúng. Tớ la toáng, mẹ ơi, làm sao con ra được đây, con nhốt chính con lại rồi...”. Không gian lãng mạn vừa có yếu tố rùng rợn xen lẫn sự yếu đuối dễ thương kiểu đàn bà nhé. Huy mê đắm, há miệng nghe Lan kể. Mê từ cấp ba đến vào đại học, Huy đánh liều rủ Lan ra công viên chơi. Cậu đặt tay lên thành ghế đá nghe Lan huyên thuyên. Lan đoán chắc bàn tay Huy sắp tiến đến vai mình, rồi, vài phút nữa, rồi, bàn tay đó chạm nhẹ vai Lan. Cô không phản ứng, tiếp tục kể chuyện. Bàn tay giờ bám chắc trên vai Lan, khẳng định chủ quyền. Cô thành công. “Tớ thèm ăn kẹo bông”, Lan gợi ý. Huy hăng hái đi mua, mãi không quay lại vì mải đuổi theo cô bán hàng đòi đổi tờ một nghìn rách nát. “Cậu thông cảm, chị không còn tờ nào nữa, hôm nay ế ẩm quá”. “Chị đổi cho em đi, tiêu làm sao được tờ này”... Lan chấm dứt hò hẹn với Huy sau thử thách kẹo bông.
Ra trường, Lan được nhận ngay chân biên tập ở nhà xuất bản, mơ ước thành hiện thực. Nhưng cô về bộ phận kế hoạch C, khai thác những người được tài trợ in sách hoặc trả tiền in sách. Thôi chẳng sao, thời sinh viên cô đi học thuê rồi làm luận văn thuê, bây giờ viết văn thuê có gì khác. Thực ra ai dám để đứa trẻ ranh mới ra trường thò bút vào tác phẩm của người đã thành danh. Anh trưởng nhóm bảo cô phải viết cho tác giả thích, cần cao siêu hãy nhồi triết vào, thích tình dục cứ lột hết xống áo tình yêu đi, muốn đau khổ hãy hắt nước vào mặt nhân vật chính...
Lan làm, mà làm hăng. Ai mới đi làm chả hăng. Làm lâu lại chán. Chẳng có gì đổi thay nên cô bắt đầu phản kháng. “Em không muốn viết cho cô ta”. “Vì sao?”. “Cô ta thích làm đĩ, giờ muốn hoàn lương và được cảm thương bằng một quá khứ làng quê cơ cực”. “Thì em dựng cho cô ta một cái làng quê khốn khó”. “Không, em không thể cho cô ta mượn cái làng quê của bà em, của mẹ em và của chính em”. “Bịa làng quê khác”, “Em chỉ có một làng quê, không bịa được”. Anh trưởng nhóm thở dài: “Em định theo đuổi sáng tác thì đừng đóng khung vốn sống”.
Cô muốn bỏ việc. Anh trưởng nhóm không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ nhẹ nhàng: “Vì sao em bỏ?”. “Em muốn viết cái gì đó cho riêng em”. “Cần thời gian bao lâu?”. “Có khi một năm hoặc lâu hơn”, “Em sống bằng gì khi đó?”. “Chưa biết”. “Vậy cứ tiếp tục làm việc để tích lũy tiền và tích lũy kinh nghiệm. Đừng nghĩ những cuốn sách em bôi son trát phấn, thậm chí viết lại cho người khác là vô ích, là sỉ nhục. Đó là nguồn vốn để viết tác phẩm của chính em sau này. Tin anh đi. Anh thực lòng muốn giữ vì em có khả năng biến những thứ phế phẩm thành tác phẩm thực sự. Nghĩ xem, nếu chúng ta không làm họ cũng thuê người khác. Còn điều này thiết thực hơn, mẹ em phải chạy thận, đúng không? Em cần tiền chứ”.
Lan không hẳn tin anh ta, nhưng cô ở lại. Bỏ nghề thì làm gì, cô chưa biết. Hay lấy chồng để mẹ khỏi thở than “có chết cũng không nhắm mắt vì con gái chưa yên bề gia thất”. Cô tiếp tục chờ một tác phẩm hay vô tình lạc đến nhóm kế hoạch C, nhưng không hề có. Và cố chờ một tình yêu tuyệt đẹp, cũng chẳng đến. Tại sao cô không tự tìm kiếm. Nhưng tìm ở đâu, và có ai để tìm? Stas đã đồng hành với cô bé Nel trên Sa mạc và trong rừng thẳm, ngài Rochester đã hạnh phúc bình yên bên Jane Eyre, con người cao cả và đầy kiêu hãnh - kiến trúc sư Howard Roark cũng tìm được phụ nữ hoàn hảo cho anh rồi, đó là Dominique của Suối nguồn. Còn cô, chưa sáng chói nhưng đã không còn tầm thường nữa, tìm đâu ra người đàn ông đã sáng chói mà chưa kịp tầm thường đi? Chắc gì cô đủ can đảm nhìn tình yêu của mình, thần tượng của mình chung nhà và ngày ngày đau khổ bần thần tính toán từng tấm hóa đơn vụn?
Nhưng sắp bước sang tuổi ba mươi, quãng đời đẹp nhất. Nên yêu lắm, phải yêu chứ.
Thực hiện một cuộc gọi xong, Lan đăm đăm nhìn tủ sách. Tủ sách trong phòng ngủ làm mất thời gian của cô hơn tủ quần áo và tủ gương trang điểm. Ngăn văn học Nga trầm ngâm, văn học Anh lạnh lùng, văn học Mỹ ỉu xìu, văn học Mỹ La tinh thở dài, góc sách kinh tế im lìm như đóng băng... Cả đám sách cũ cô sưu tầm, nâng niu các trang giấy còn gồ lên vụn vỏ thóc và bã mía cán chưa sạch nữa, cũng nhìn Lan bằng vẻ mặt xám xịt. Như thể chúng đồng loạt hỏi: Cô chủ định làm chuyện này thật à?
Cứ việc hoài nghi, cô vẫn đi. Lan cũng không mang theo cuốn sách gối đầu giường nào, quyết tâm thử sống khác mình hai tuần lễ. Cô chỉ xếp vài bộ quần áo vào Sài Gòn theo lời mời của Linh, một tác giả được cô giúp có tác phẩm. Linh đền ơn: “Phải đấy, chị vào đi. Sắp Giáng sinh rồi, mùa Việt kiều về tìm tình. Vào đây vui chơi thú lắm, biết đâu kiếm được người yêu”. Qua môi giới của Linh, Lan làm quen Michael, doanh nhân gốc Việt tại Canada. Michael mời Lan và Linh đi ăn món bắc rồi vào vũ trường. Trong ánh đèn màu nhấp nháy, chiếc áo sơ mi cài kín cổ của Lan cứ trắng bật lên làm Michael nhức mắt, khó chịu. Anh ta đột ngột thò tay cởi nút áo đang che kín cổ Lan, bẻ ra một cách điệu nghệ. Có thể anh ta ăn một cái tát ngay khi ấy, nhưng Lan muốn đổi mới, chờ xem anh ta làm gì tiếp. Linh kiếm cớ rời trước. Quá một giờ đêm, Michael rủ Lan về cùng khách sạn ở quận 1, Lan từ chối: “Bạn tôi đang đợi ở phòng”. Có bạn nào đợi đâu. Nhưng rõ ràng họ không chung điểm đến.
Trách móc một hồi rồi Linh giới thiệu mối mới: “Họa sĩ nhé, lãng mạn, kiêm nghề buôn đồ cổ, có tiền”. Thì gặp. Vĩnh tóc dài ngang vai, giọng hơi ẻo lả hẹn cô ở quán nước bên hồ Con Rùa. Lan không thích đàn ông đeo dây chuyền, đã thế ngón tay xỏ nhẫn kim cương và điện thoại mạ vàng của Vĩnh còn bày cả lên bàn. Vĩnh ân cần: “Em uống gì, cà phê hay sinh tố?”. “Cả hai”. Chưa gì đã trói buộc người ta trong hai lựa chọn. Vĩnh thốt lên: “Anh thích em ngay rồi đấy!”. Buôn đồ cổ mà dễ dãi thế sao. Về khách sạn đã thấy Linh hồi hộp đứng chờ: “Cuộc hẹn thế nào?”. “Bình thường”. “Thấy Vĩnh thế nào?”. “Rỗ hoa”. Linh giận tím mặt, chấm dứt trò mai mối. Ừ, mai mối làm gì, cái nghề bạc nhất trong tất cả các nghề bạc bẽo.
Lan trở ra Hà Nội, cái tủ sách vẫn phải im lìm đứng ngắm trò mới của cô, lên mạng tìm tình. Lan phát hiện hàng tá trang web quảng cáo hò hẹn kết đôi, Tây ta đủ cả. Cô mở tài khoản trên các trang web này, cảm thấy thích thú khi sáng tác nickname, Pha Lê chăng - chối tỉ quá (kệ, cho nữ tính), Người Hà Nội đi - hoặc Em gái Hà Nội - sử vật! Cô ôm chăn bò lăn ra cười trên giường. Cùng lúc tạo hai tài khoản trên hai web có vẻ nghiêm túc nhất. Bắt cá hai tay mới oách chứ. Lan đâm mê. Bắt đầu trò chơi trốn tìm, cúc cù cu với các anh nhé. Ưu tiên sở thích trước, rồi nghề nghiệp, rồi hơn tuổi, cùng quốc tịch... Cuối cùng cô tiến ra châu Á, hăm hở với châu Âu, lạc lối ở Mỹ và phát hoảng khi mấy anh Phi châu nhảy vào ổ lưới nhền nhện của mình.
“Tôi là người Pháp, ở Việt Nam đã hai năm, yêu các cô gái Việt và mong một mối quan hệ ổn định”. Lan vào làm quen, người Pháp hồi âm: “OK, tôi đang ở Hạ Long nghỉ ngơi. Tuần sau về Hà Nội gặp trong bar nào đó nhé”. Chưa gì đã quán bar, Lan hoảng: “Cứ chat đã, thực sự thích mới gặp, được không?”. Không hồi âm. Một anh Thụy Sĩ hiện hình: “Tôi là nông dân, nuôi ngựa, thỉnh thoảng tôi giết ngựa đấy. Bên này người ta ăn cả thịt ngựa rồi”. Lan cảm thông: “Bên này người ta cũng ăn thịt chó”. “Thế hả, cô kể đi, mổ chó thế nào”. Lan kể sơ sơ. Hôm sau, cô vừa vào mạng hắn đã nhảy xổ ra, như thể háo hức chờ từ lâu: “Thế họ đặt con chó lên thớt à? Cầm dao thế nào?”. Lan định xóa sổ hắn. Khoan, uống thêm ngụm cà phê, chuyện tiếp: “Như cách người ta hoạn lợn ấy. Anh có biết ở đây người ta hoạn lợn thế nào không. Đút đầu lợn vào một cái cối đá thủng để nó đón nhận đau đớn thể xác và đau đớn chuyển giới trong bóng tối âm u. Rồi dùng lưỡi dao lam cứa nhẹ, moi hai hòn bi ra, đỏ tươi máu, hai hòn này cho vào nồi luộc ngay. Tinh túy của ẩm thực. Sau đó lấy chỉ khâu từng mũi, bôi mỡ và rắc ít tro trộn muối lên vết khâu. Xong, chú lợn trở về với ánh sáng, đời nhẹ hẳn hai viên bi”. Đến lúc này, không phải cô tự xóa mà anh chàng lặng lẽ cắt cầu.
Nhưng Lan kiên trì lắm, cô tin công cuộc tìm tình cũng khó khăn, vật vã như sáng tác vậy. Chẳng dễ bỏ cuộc. Một cảnh sát Mỹ tuổi đã ngoài năm mươi. Không sao, chắc chẳng còn non dại: “Tôi thích em vì tấm ảnh của em chân phương, không phải ảnh mỹ viện đẫm phấn son”. Nghe có vẻ ổn, ôi con người chân phương. “Cuộc sống của anh thế nào?”. “Ly dị và có hai con gái, con anh gần bằng tuổi em, ở riêng cả rồi”. Phức tạp, Lan vẫn dấn bước: “Anh muốn cô vợ bé bỏng của anh mềm mại và đáng yêu như một con mèo, nhưng cô ấy cũng phải là con ong sáng sáng chăm chỉ bên những đóa hoa tích mật ngọt xây tổ ấm, tối đến thuần thục như một ả điếm trên giường...”. Mùi già trộn mùi đàng điếm. Xóa! “Anh là Thomas, người Đức. Anh từng vào Đông Nam Á, nhưng chưa đến Việt Nam”, “Hãy lên kế hoạch đến Việt Nam, em sẽ dẫn đường và giúp đỡ”. “Hay quá! Em ơi, tìm việc ở Việt Nam dễ không, có nghề gì cho anh không? Đây là CV của anh”. Hóa ra người lao động tìm việc chứ không tìm tình. Đây không phải từ điển tóc dài của anh nhé. Lại xóa. Thêm một người Pháp: “Em đang buồn à, gửi em một nụ hôn lạnh giá từ châu Âu nhé”. Nụ hôn kiểu Pháp, êm đây, Lan nghĩ. “Em có thích câu đố không?”. Ôi chao, mẫn tiệp nữa. “Nhà trắng của Johnny có hai cửa chính và sáu cửa sổ, một cửa thông gió. Hỏi nhà của Johnny màu gì?”, “Màu trắng”, “Em thông minh, đố tiếp...”. Cứ đố dung dăng dung dẻ trong hai tuần rồi Lan cho vào thùng rác. Chấm hết ca điên này.
Nhìn vẻ mặt mệt mỏi của Lan, anh trưởng phòng băn khoăn: “Muốn nghỉ phép không, một tuần, thậm chí một tháng. Anh xoay cho. Đi Đà Lạt, lấy cớ theo dõi một trại sáng tác, nhé. Ở miễn phí, ăn uống với em chắc chẳng tốn kém gì”. Lan đi, không theo dõi sáng tác, cũng không đọc sách, dĩ nhiên không có ý tìm tình yêu nữa. Cô chỉ lang thang những đồi thông, thỉnh thoảng vào Thiền viện Trúc Lâm ngồi trên bệ đá cạnh những bông cẩm tú cầu trắng xóa. Trông xa như cô đang ngồi giữa những người cao tuổi. Gió thổi nhẹ, đám cẩm tú cầu đung đưa như một tiếng thở dài “đời người loáng cái đã bạc mái đầu”. Một giọt nước mắt ứa ra lăn dọc má Lan. Nhìn xuống thung lũng dưới chân, cô tưởng tượng về một cú ngã, chắc sẽ nhẹ và không đau vì dưới đó êm ái đến nhường kia. Cô đang mắc một căn bệnh nào đó trong tâm tưởng chăng? Hay bệnh nghề nghiệp, phải rồi, nghề nào chẳng có bệnh nghề nghiệp. Nhưng bệnh của nghề viết là gì? Là vướng mắc và bế tắc trong chính vực thẳm suy nghĩ do mình tưởng tượng ra.
Tiếng cười trong trẻo của hai chú tiểu đang đẩy xe ba gác xuống đồi làm Lan bừng tỉnh. Màu áo vàng băng qua những vạt thông xanh, bên trong xe là một con chó ngoáy đuôi tít mù ngộ nghĩnh. Đẹp nao lòng. Chuỗi ngày nhẹ nhàng tươi thắm ấy cứ quấn lấy Lan, triền miên lôi cô đi. Bỗng anh trai gọi điện: “Mẹ mệt nặng hơn rồi, thu xếp về sớm nhé”. Lan vội vàng tìm cô trực quầy lễ tân nhà nghỉ. Hằng ngày cô gái mặc áo len xanh khoác ngoài áo dài trắng có nước da sáng mịn vẫn nhiệt tình trò chuyện với Lan, nhưng giờ cứ lặng lẽ cắm cúi sau bàn. “Sách gì thế?”. “Tiểu thuyết mới, Mượn hồn, hay quá chị ạ, không dứt ra được. Em vừa đọc xong trang cuối, chị thích em cho mượn. Đằng nào cũng phải đợi mai mới có chuyến máy bay”. Cô lễ tân chìa ra cuốn sách mới, tên tác giả quen quen. Cả đêm đó, Lan thức đọc sách, mặt đỏ bừng như sốt vì nhiều lần nín thở, hồn tan chảy, thể xác run rẩy.
***
Chú rể trong chiếc áo sơ mi màu đen, quần jeans thường ngày đã bước vào phòng cô dâu. Anh không vén tấm voan trắng che mặt cô dâu lên mà thò tay véo nhẹ má Lan: “Tỉnh chưa, cô dâu của tôi? Các cụ cứ trố mắt khi anh không mang cả bó hoa mà chỉ là ba bông hồng vàng đính vào cuốn sách đến rước dâu đây này. Ký tặng rồi nhé, như em yêu cầu. Nó đây”. Lan tỉnh cơn mê loạn, cô nhìn rõ anh hơn, sếp của cô, trưởng nhóm kế hoạch C nhà xuất bản. Cô đón lấy quyển sách: “Nên nhớ, em cũng không mượn xác đâu đấy, ngủ riêng giường”, “Biết đâu có ngày em đòi lấy anh thật sự. Từ mượn hồn đến mượn xác cũng không xa...”. Chú rể chưa dứt câu, cô dâu đã đứng dậy. Cô không khoác tay chú rể mà nắm chắc cuốn sách trước ngực, tự vén rèm cửa bước ra trước sự trầm trồ của hai họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.