Tiến sĩ ảo thuật

01/11/2012 03:25 GMT+7

Tối 29.10, nhiều ảo thuật gia từ các địa phương đã tề tựu tại TP.HCM để chúc mừng ông Nguyễn Trung Khuyến vừa được Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế (ATGQT) trao bằng tiến sĩ ảo thuật.

Nguyễn Trung Khuyến là tên khai sinh của nhạc sĩ Bảo Thu, tác giả của những ca khúc nổi tiếng một thời: Giọng ca dĩ vãng, Cho tôi được một lần, Nếu xuân này vắng anh, Đừng hỏi vì sao tôi buồn… Năm 1960, khi mới 16 tuổi, Bảo Thu đã lên sân khấu diễn ảo thuật và nổi tiếng là “thần đồng Nguyễn Khuyến” (rút gọn từ tên thật), chuyên biểu diễn với bộ bài tây và chim bồ câu. Đến nay sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với cái nghề “nhanh tay, lẹ mắt”, trình độ và đẳng cấp của Nguyễn Trung Khuyến đã được Hiệp hội ATGQT (International Magicians Society, trụ sở tại Mỹ) công nhận bằng văn bằng tiến sĩ ảo thuật (do các ông Tony Hassini (Chủ tịch hội đồng) và ông Emil J.Trainor (Chủ tịch) - Học viện Ảo thuật I.M.S ký ngày 10.10.2012).

 Bảo Thu (giữa) cùng Tòng Sơn, Mạc Can
Bảo Thu (giữa) cùng Tòng Sơn, Mạc Can - Ảnh: H.Đ.N

Nhạc sĩ Bảo Thu cho biết, để có được bằng cấp này ông phải ghi danh theo học khóa hàm thụ của Học viện Ảo thuật I.M.S và được nơi này cung cấp 10 chiếc đĩa nén, trong đó chứa 50 chương trình học. Tùy khả năng tiếp thu của từng học viên mà thời gian học kéo dài hay ngắn. Riêng Bảo Thu đã để ra gần một năm học (từ tháng 2.2009 đến 1.2010) để ngốn hết chương trình này. Sau đó, ông phải trả lời bằng văn bản 188 câu hỏi (về các tiết mục, đủ mọi trình độ và về những tiết mục do các ảo thuật gia bậc thầy sáng tác hoặc ai đã nổi tiếng trên thế giới về tiết mục gì?). Văn bản trả lời phải gửi qua đường bưu điện về trụ sở I.M.S (không được trả lời bằng email). Ngày 6.2.2012 ông gửi đi và hồi hộp chờ đợi… Đến ngày 19.10 vừa qua, niềm vui vỡ òa khi ông được Hiệp hội ATGQT công nhận với thẻ hành nghề suốt đời mang ký hiệu USAB10771 (hiệp hội này có khoảng 70.000 hội viên trên khắp thế giới, mỗi hội viên có một số hiệu riêng, trong đó có khoảng 35.000 đã theo học tại Học viện I.M.S).

Từ ngày 23.1.2010, Hiệp hội ATGQT đã công nhận Việt Nam là thành viên với số hiệu IBM 378 (Thái Lan là IBM 369). Do ông Nguyễn Trung Khuyến (Bảo Thu) là ảo thuật gia Việt Nam có chứng chỉ cao nhất nên được Hiệp hội ATGQT cử làm Hội trưởng của IBM 378. Tham gia IMB 378 hiện có khoảng 40 ảo thuật gia trong cả nước (Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp…), một nửa trong số này đã có thẻ “Hội viên ATGQT” (tất cả đều do ông Nguyễn Trung Khuyến giới thiệu).

Những tiết mục đặc sắc tiêu biểu của ảo thuật gia Bảo Thu

Đi tay không từ hậu trường bước ra chào khán giả (hoặc khi diễn xong, chào khán giả để đi vào), dang hai tay ra lập tức xuất hiện 6 con chim bồ câu đang vỗ cánh đậu trên tay (mỗi bên 3 con), tiết mục này Bảo Thu diễn độc quyền từ năm 1968.

Đưa bàn tay lên chụp vào khoảng không, lập tức chụp được có lá bài tây.

Lắc hai bàn tay không, sẽ xuất hiện trên mỗi bàn tay một viên bi inox (to bằng quả bi sắt dùng để thi đấu). Lắc tay lần nữa, mỗi bàn tay có thêm một viên bi (mỗi tay chỉ có thể nắm tối đa hai viên bi). Lắc tay lần ba, có thêm một viên bi sắt nằm giữa hai bàn tay (đây cũng là tiết mục độc quyền).

Thay đổi y phục: nhân vật đi qua một khung vải (hoặc dùng bao vải trùm), mỗi lần như vậy sẽ thay đổi y phục đang mặc. Nếu nhân vật là nam thì sẽ thay đổi được khoảng 4-5 bộ, còn là nữ (phụ diễn) thì sẽ thay được mười mấy kiểu phục trang. Tiết mục này, Bảo Thu đang huấn luyện cho nữ ảo thuật gia Ánh Tuyết đi thi ảo thuật - xiếc quốc tế.

Hà Đình Nguyên

>> Cơ hội phát triển ảo thuật
>> Ảo thuật Việt về đâu? - Chuyển giao thế hệ
>> Ảo thuật Việt về đâu? - Nghề lận đận
>> Ảo thuật Việt về đâu?
>> Khi thủ lĩnh Đoàn là ảo thuật gia
>> Cơ hội cho bạn trẻ đam mê ảo thuật
>> Ba thế hệ làm ảo thuật
>> Câu lạc bộ ảo thuật gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.