Thợ nhuộm tóc - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn

23/09/2012 03:15 GMT+7

Không thể tưởng tượng được! Lão Minh vừa lên giám đốc đã gặp tôi nói tỉnh khô: - Cơ quan ta kỳ này phải thực hiện chỉ thị giảm biên chế 20% của thành phố. Chị sắp xếp nghỉ hưu chị ạ.

Không thể tưởng tượng được!

Lão Minh vừa lên giám đốc đã gặp tôi nói tỉnh khô:

- Cơ quan ta kỳ này phải thực hiện chỉ thị giảm biên chế 20% của thành phố. Chị sắp xếp nghỉ hưu chị ạ.

Tôi nhảy dựng lên:

- Tôi về hưu? Anh không điên đấy chứ?

Lão bình tĩnh nhếch mép cười:

- Không, tôi không điên chị ạ.

Trời! Cái mặt lão. Thật là dơ. Tháng trước tóc lão muối tiêu cả cơ quan biết. Thế mà lên giám đốc một cái, tự nhiên đầu đen như đít chảo. Các cô các bà nhao lên. Trước mặt lão, cái Thao xun xoe nói kháy:

 Thợ nhuộm tóc - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
Minh họa: Văn nguyễn

- Hôm nay thủ trưởng trẻ ra đến 5, 6 tuổi!

Bà Bảo mới bốn mươi mà đầu đã bạc một chỏm lớn nháy mắt:

- Anh làm ở đâu mà khéo quá, mách em với!

Mặt lão Minh cứ lúc đỏ lúc tái. Lão chẳng trả lời ai, lặng lẽ vào phòng đóng sầm cửa lại. Bên ngoài chị em phá lên cười:

- Quê quá!

Ở cái cơ quan này, giám đốc, thủ trưởng chẳng bao giờ là cái đinh gì. Tết nhất nhà thủ trưởng vắng teo, chẳng ai đến thăm. Ốm đau cũng chỉ có đại diện công đoàn mang một cân đường một hộp sữa hỏi han vớ vẩn vài câu. Cưới vợ cho con thì mỗi người góp trăm ngàn đến uống nước rồi về. Xưa nay chỉ có tôi, chánh văn phòng là hết lòng với thủ trưởng. Tôi đã xác định ngay từ lúc mới nhận chức (cách đây ba năm), bất cứ ai là giám đốc tôi cũng hết lòng phục vụ. Tôi ở đây đã năm đời giám đốc. Các cụ cứ thay nhau ra đi. Cụ thì lên trung ương, cụ thì sang ngành khác… mặc, tôi hết lòng vì thủ trưởng đương chức. Ai đi rồi thì chào. Vĩnh biệt. Đừng bao giờ mơ thấy tôi một mình đi đến nhà xem thủ trưởng cần gì nữa. Và cả bốn đời giám đốc trước đều rất quý tôi. Thế mà lão Minh vừa cầm giấy đề bạt đã bắt tôi nghỉ hưu. Tôi, mới hơn bốn mươi tuổi. Tôi, người tích cực và năng nổ nhất, suốt ngày ở cơ quan. Tôi, người giao thiệp giỏi và được mọi người yêu mến. Thật là tức đến phát rồ lên.

Buổi tối về nhà tôi khóc với ông xã cũng làm giám đốc một cơ quan khác:

- Anh thử nghĩ hộ xem tại sao lão thủ trưởng mới sáng nay bắt em chuẩn bị về hưu?

Ông xã cười:

- Lão ấy thông minh đấy. Lão về cơ quan trước em, còn lạ gì ai. Cái kiểu em chỉ nịnh một thủ trưởng còn coi anh em khác như rơm rác, chính lão đã phải chịu đựng em, lão ớn là phải!

- Nhưng bây giờ lão phải hiểu là em sẽ hết lòng vì lão cơ mà.

- Ở cơ quan có ai biết chính em đã viết thư nặc danh vu cáo lão trước khi bầu giám đốc không?

- Không, chỉ có anh với cái Mây đánh máy biết thôi.

- Vậy là chắc lão ấy biết rồi. Thôi, bỏ cơ quan đi, ra ngoài làm. Cán bộ, chánh văn phòng, lương ba triệu bạc mà suốt ngày kiện cáo, thư nặc danh, cãi cọ bè phái, ớn quá!

Tôi đành im, phải nói chồng tôi là người hiểu tôi nhất. Anh coi tôi như trẻ con, không bao giờ chấp và bao giờ cũng lắng nghe mọi chuyện tôi kể. Mới đầu anh còn gàn tôi đừng kiện người này, đừng vu cáo người kia, song khi thấy đó là niềm vui và lẽ sống của tôi, thì anh nghe và lắc đầu im lặng.

Đúng là tháng trước, vì lão Minh hay phê phán thủ trưởng cũ, tôi đã mấy lần viết thư nặc danh, tố cáo lên cấp trên và dịp bầu giám đốc vừa qua, tôi đã vu cho lão đủ điều. Song nếu lão thông minh, lão phải yên tâm chứ. Bây giờ lão đã là thủ trưởng của tôi, tôi sẽ lại cúc cung tận tụy cơ mà. Đã năm đời như thế, lão ở đây trước tôi, lão biết quá đi chứ.

Nhưng cái gì xảy ra thì cứ xảy ra, không thay đổi được. Lão đã biết tôi viết thư nặc danh, biết tôi vu cáo. Nhưng mặt cứ tỉnh bơ, lão không hề nhắc đến khi tôi hỏi tại sao lão bắt tôi nghỉ hưu, lão lại cười đểu:

- Tôi nghĩ chính chị phải biết chứ! Hay là chị muốn lấy ý kiến của tập thể?

Thế là tôi im. Lúc nãy tôi nói được mọi người yêu mến là nói vậy thôi. Nếu đưa ra tập thể, chắc chắn cả cơ quan chả ai ưa tôi hết. Tôi chỉ dựa vào thủ trưởng, nay thủ trưởng lại ớn tôi thì còn ở lại làm gì? Thì thôi, chào! Tháo vát như tôi, bỏ bao cấp, ra với thị trường, thu nhập hơn hẳn lão Minh là cái chắc. Mà nói cho cùng, dù tôi chẳng làm gì ra tiền thì ông xã vẫn cứ nuôi được cả nhà. Anh ấy là giám đốc kinh doanh, chứ đâu có phải loại giám đốc hành chính như lão Minh kia! Thế là tôi làm đơn tình nguyện về hưu. Tội gì để cơ quan họp hành phê phán rồi buộc phải về.

Hãy chơi một tháng đã. Nghĩ xem nên làm gì.

Mấy đứa bạn bàn nên bán quần áo may sẵn. Người ta may, mang đến ký gửi, bán hết mới phải trả tiền. Mà lại có thể bán gấp đôi số tiền ký gửi ấy chứ. Nhưng nhà tôi trong ngõ hẻm thế này, bán cho ma à? Có đứa lại bàn mở quán bia hơi. Cái này thì hái ra tiền thật đấy. Nhưng hơi sức đâu mà chịu đựng lũ khách vạ vật, uống rồi say rồi nôn mửa, cãi vã nhau, bạ đâu đái đấy. Hồi làm chánh văn phòng, các cuộc họp có uống bia tôi còn lạ gì. Gớm chết lên được. Thôi chào!

Một hôm ông chồng tôi mang ở đâu về hai lọ thuốc, một trắng một đen bắt tôi trộn đều vào rồi nhuộm cho lão. Tôi điên tiết thẳng tay ném cả hai lọ vút qua cửa đập thẳng vào thành bể vỡ tan. Và tôi gào:

- Ông làm đẹp với con nào? Ông lên chức gì? Già rồi còn đú đởn hả?

Ông lão ngượng quá, im re. Nhưng không ngờ chính sự kiện đó đã gợi ý cho tôi mở quán nhuộm tóc. Lão Minh vừa lên giám đốc là nhuộm. Ông xã tôi mới năm mươi hai cũng đòi nhuộm. Cả hai đều mê trẻ lại bằng cách làm đen mái tóc hoa râm, mà lại còn không muốn cho ai biết. Chà! Tha hồ mà hái ra tiền đây!

Hôm sau tôi đến gặp con bạn làm báo. Nó đăng giúp mấy dòng quảng cáo trên trang 4 như sau: “Nhận làm trẻ lại các văn nghệ sĩ, các nhà lãnh đạo bằng nghệ thuật nhuộm và chải tóc hoàn hảo. Đặc biệt có phòng dành riêng cho các quý ông quý bà muốn giữ bí mật việc làm đẹp của mình. Giá phải chăng. Địa điểm…”.

Ngay hôm sau, trước cánh cửa có treo biển “Chải nhuộm tóc cho các văn nghệ sĩ” của tôi đã có một chàng đeo kính đen đội mũ phớt đến ngó nghiêng. Tôi đon đả chạy ra, tươi như hoa cẩm cù:

- Mời anh vào trong ạ.

Chàng vào nhà. Bỏ kính mũ ra. Ái chà! Thì ra vị thứ trưởng vẫn lên ti vi thuyết trình lem lém. Tôi vờ không nhận ra, cũng lem lém tán:

- Anh còn trẻ thế mà tóc đã có sợi hơi bạc rồi, chắc là anh làm to lắm phải không ạ? Công việc phải suy nghĩ nhiều mà. Bạc tóc nhiều là công việc của tri thức phải không ạ?

Chàng hài lòng lắm nhưng ra vẻ quan cách, chỉ khẽ gật đầu rồi hỏi trống không:

- Bao lâu xong?

- Dạ thưa anh xong ngay đây ạ.

Tôi đưa chàng vào phía trong bình phong, để chàng ngồi lên ghế, quàng cái khăn trắng tinh vào cổ rồi mới pha thuốc. Với bàn tay mềm mại, tôi thọc vào tóc chàng, nâng niu cẩn thận và nhuộm từng sợi rất tỉ mỉ. Chàng lim dim, gật gù. Một lát sau, soi vào gương, chàng mỉm cười. Tôi tặng thêm một liều thuốc bổ:

- Trời, hôm nay anh về nhà chị không nhận ra đâu. Trẻ và đẹp hẳn ra.

- Bao nhiêu, cô?

- Ấy, anh đừng vội. Để em lau sạch má và cổ đã, hơi có thuốc dính đấy ạ.

Nói rồi tôi không dùng khăn mà dùng ngón tay cái nhẹ nhàng lau thật sạch những vết đen mà lúc nãy tôi cố tình rớt xuống má, xuống cổ chàng thứ trưởng hào hoa. Lúc chàng rút ví định hỏi bao nhiêu, tôi ngọt ngào nói trước:

- Tùy anh thôi ạ, có đáng gì đâu anh!

Chàng mỉm cười, liếc tôi một cái rồi rút ví để lại hai tờ xanh trên bàn. Chơi đẹp quá! Một ngày chỉ cần dăm lão ngốc thế này là ổn.

Thì ra những chàng muốn trẻ lại thật là nhiều. Họ là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, vụ trưởng, thứ trưởng và cao cấp hơn. Họ đều ưa nịnh, đều thích tôi dùng tay gãi, xoa thật sâu vào trong tóc. Phải nói thật là tôi cũng không đến nỗi nào. Con gái gốc Hà Nội, cũng vào loại biết trang điểm, mới ngoài bốn mươi. So với các vị vẫn còn xuân chán.

Ngày đầu tiên tôi thu được sáu trăm ngàn. Chi phí chưa hết một bịch thuốc Thái Lan giá chín mươi sáu ngàn, còn lời hơn năm trăm ngàn lận! Đi làm chánh văn phòng cho lão Minh thì làm sao mà so sánh được?

“Tiệm nhuộm tóc cho các nghệ sĩ” của tôi ngày càng đắt khách. Ảo thuật của tôi là đôi bàn tay biết nâng niu từng sợi tóc trên đầu mỗi “chàng”. Họ đều vào tuổi hồi xuân, vào tuổi mà các bà xã ở nhà đều đã nhạt chuyện âu yếm nồng nàn, đều đã khô như ngói. Họ vẫn còn nhu cầu được vuốt ve, chí ít là được chuyện trò cợt nhả. Vậy mà họ lại “sĩ”, lại không dám tìm các em trẻ, không dám liều. Có thể là không đủ tiền, có thể vì sợ dư luận. Bởi vậy quán nhuộm tóc của tôi là nơi thích hợp quá. Họ tìm thấy cảm giác được nuông chiều, được vuốt ve dù chỉ là vuốt ve những sợi tóc trên mảng da đầu nhạy cảm. Và họ được nghe những lời nói ngọt ngào, được tặng những nụ cười dịu dàng và những cái nháy mắt tinh nghịch. Mất gì đâu. Tôi thả phanh hai bàn tay nhuộm tóc. Thả phanh những lời khen và các chàng đều lim dim khoái trá. Tiền đâu có thành vấn đề gì. Anh trả bao nhiêu cũng xong. Được làm đẹp cho anh là em vui rồi!

Và không thiếu các chàng tán tỉnh tôi. Chủ nhật này em có nghỉ không? Đi tham quan với anh nhé! Tối nay em có rỗi không? Đi xem kịch với anh đi. Tôi từ chối khéo. Đôi khi có chàng liều cầm tay, vuốt má, tôi bèn vờ luống cuống hất cả lọ thuốc nhuộm vào mặt hoặc vào quần áo. Thế là phải chừa. Và vẫn cứ đến đều đều hai tuần một lần, vì chân tóc đã bạc phải nhuộm lại. Tôi đùa cợt và khinh bỉ họ. Thứ trưởng. Giáo sư tiến sĩ. Viện trưởng. Nhà văn. Nhà thơ. Nhà giáo và cao cấp hơn. Những bộ mặt già nua trai lơ trông đến tởm. Tôi thấy tôi cao hơn họ. Tôi nắm họ trong tay. Mỗi lần thấy họ xuất hiện trên ti vi với mái tóc chải mượt đen bóng và những lời lẽ trang trọng và khoa học, lịch sử, thơ ca, kinh tế - tôi không khỏi phá ra cười. Chồng tôi lắc đầu:

- Em chỉ được mỗi một nết khiến anh phải chịu mọi thói tật của em, đó là em đúng làm một người vợ hiền ngoan của anh, còn với cuộc đời thì em khinh bạc quá lắm, tai quái đến điều - Nói rồi anh vuốt tóc tôi khiến tôi thấy mình thật là bé bỏng.

***

Tôi cứ tưởng mình được thế mãi. Nhưng rồi một buổi sáng tôi chải đầu và bỗng thấy ở thái dương một mảng tóc bạc xuất hiện như định mệnh. Làm sao đây? Nhuộm nó đi, đánh đồng mình với bọn già chưa trót đời ư? Không. Tôi đã thề là khi nào tóc bạc tôi sẽ cứ để cho nó bạc. Đó là vẻ đẹp mộc mạc thuần khiết của tuổi già, là sự làm đẹp của thời gian cho con người, đó là màu trắng của trời. Và các cụ già với mái tóc bạc vẫn là niềm kính trọng của tôi. Thậm chí, trong các vị thủ trưởng của cơ quan tôi đã ra đi, có một vị mà tôi vô cùng kính trọng nay đã lên chức cao hơn, từ hồi làm nghề nhuộm tóc, hôm nào cũng chỉ sợ chính vị đó tìm đến. Và tối nào trên ti vi tôi cũng hồi hộp thắt lòng, chỉ sợ trong chương trình thời sự tôi thấy người xuất hiện với mái tóc đen. Song may làm sao, cho đến nay, tóc người vẫn còn màu tiêu muối tự nhiên.

Cái mảng tóc bạc ở thái dương dằn vặt tôi, làm tôi mất ăn mất ngủ. Tôi không còn muốn nhìn thấy ai, không thiết gặp mặt bạn bè, không còn lem lém chuyện trò tán dóc. Mới 45 tuổi mà tóc đã để bạc ư? Người ta sẽ chào tôi bằng bác, rồi bằng cụ. Không, tôi phải níu lại tuổi trẻ. Tôi còn xuân lắm mà.

Trong một tuần băn khoăn mất ngủ, đám tóc bạc bỗng lan một cách nhanh chóng. Tôi hốt hoảng. Và một buổi sáng, trước khi mở cửa hàng, tôi đã tự nhuộm từng sợi tóc trắng sao cho đen lại, đen như đít chảo. Vừa làm tôi vừa ứa nước mắt. Và một niềm thương cảm xót xa khiến tôi thương, tôi hiểu tất cả những người vẫn đến nhờ tôi nhuộm tóc. Họ có cái lý của họ và nếu tôi không ở hoàn cảnh của họ như hôm nay, thì tôi vẫn cứ tưởng mình có quyền đùa cợt và khinh bỉ họ mãi.

Từ hôm ấy tôi bỗng ít nói hơn, chân thật hơn và dịu dàng hơn. Tôi đã không còn là một bà chánh văn phòng làm nghề nhuộm tóc để trả thù đời nữa rồi. Tôi thấy mình đã thật sự là một thợ nhuộm tóc.  

P.T.T.N

>> Con đường - Thơ của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Trống mái - Thơ của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Nỗi lòng chôn kín" - Truyện ngắn Trương Điện Thắng
>> Mảnh ghép cuối cùng - Truyện ngắn của Vũ Thị Hạnh
>> Tình phố núi" - Truyện ngắn của Bùi Thanh Minh
>> Công bố truyện ngắn bị "phủ bụi" của Fitzgerald
>> Ươn - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Giấc mơ bay - Truyện ngắn của Nguyên Hương
>> Đợi tàu ngược - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Người cũ - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Radio 99.9 - Truyện ngắn của Phan Ý Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.