Thiếu kịch bản sân khấu

19/04/2011 13:50 GMT+7

Chính khoảng trống này là nguyên nhân dẫn đến việc chất lượng vở diễn ở các sân khấu TPHCM ngày một sa sút.

Bàn tay của trời, vở diễn vừa ra mắt của sân khấu Hoàng Thái Thanh, đã góp phần đưa sân khấu này dẫn đầu về số vở cũ được dựng lại kể từ đầu năm đến nay. Bàn tay của trời xuất hiện lần này là “nước sắc” thứ ba, sau 2 lần từng được  công chúng đón nhận nồng nhiệt, với tên gốc là Những đứa con oan nghiệt, do chính tác giả kịch bản – NSND, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho nhiều đoàn nghệ thuật phía Bắc cách đây trên dưới 20 năm và gần 5 năm trước trên sân khấu Nhà hát Sân khấu nhỏ, với bản dựng của đạo diễn Ái Như cùng tên gọi mới Bàn tay của trời.

 
Cảnh trong vở Bàn tay của trời - Ảnh: Bùi Dzũ

Bên cạnh lý do nghe rất “tình thương mến thương”, muốn gom những “đứa con” lưu lạc của mình từ các nơi về ngôi nhà mới, còn một lý do rất cũ khác khiến Hoàng Thái Thanh phải “hoài cổ”  là thiếu kịch bản hay.

Khoảng trống hiểm nghèo
 
Thiếu kịch bản vốn là căn bệnh nan y kéo dài suốt nhiều chục năm nay của sân khấu và mức hiểm nghèo của nó ngày càng tỏ ra trầm trọng hơn trong bối cảnh kinh tế thị trường, đưa vở diễn vào ngạch hàng hóa phải cạnh tranh ở phòng vé để tồn tại. 
 
Sau những thành công ban đầu, các sàn kịch xã hội hóa hiện nay dường như đang tỏ ra đuối sức. Sân khấu IDECAF một thời làm mê đắm lòng người với những vở kịch hay, mang nhiều thông điệp sâu sắc, giờ như chỉ còn một màu “náo kịch”, ít còn gì để người ta nhớ khi ra về. Ở đây, những vở có “tuổi đời” cao vẫn là những vở được đánh giá hơn hẳn. Sân khấu Phú Nhuận sống được nhờ cố gắng làm mới với nhiều dạng kịch, nay cũng hoang mang trước ngõ bí về kịch bản.
 
Nghệ sĩ Hồng Vân không ngại thú nhận sự mệt mỏi trước tình trạng “thừa rất thừa, thiếu rất thiếu” khi hàng chồng kịch bản đưa tới tay nhưng rất khó để tìm được một cái có thể đưa lên sàn tập. Cho dù, với một kịch bản tốt, khi dàn tập, chị cũng phải “đo ni đóng giày” cho vừa với diễn viên của sân khấu nhà, phải thêm mảng miếng để kéo khách, phải chuyển phong cách cho phù hợp với “thổ nhưỡng” kịch Phú Nhuận… Ở một số điểm khác như Nhà hát Thế giới trẻ, Sân khấu Nụ cười mới, Nhà hát Kịch TP,… các vở được gọi là “kịch” chỉ như một sự xâu chuỗi các chặp hài, là nơi để các diễn viên trổ tài chọc cười khán giả bằng mọi cách, nội dung hời hợt, phần nhiều là vô bổ, nhảm nhí.
 
Khác với phim ảnh mà đôi khi chữ nghĩa chỉ là sự gợi mở ban đầu cho sự sáng tạo của đạo diễn,  nghệ thuật sân khấu với ngôn ngữ đặc thù là lời (thoại hoặc hát) buộc kịch bản phải đạt mức tối thiểu về tính văn học bên cạnh nhiều yêu cầu khác như cốt truyện hấp dẫn, tình tiết hay, thắt mở xung đột hợp lý,…
 
Vì vậy, một nhà viết kịch, trước hết phải có tư chất của một nhà văn, biết diễn đạt tư tưởng bằng con chữ một cách chính xác, tinh tế và đi liền sau là khả năng xây dựng kịch với những chuẩn mực cơ bản, vừa khai thác được sở trường của người diễn vừa đem lại sự hài lòng cho người xem.
 
Đem những chuẩn mực này soi rọi vào thực tế, rõ ràng đang có một khoảng trống rất xa. Chính khoảng trống này là nguyên nhân dẫn đến việc chất lượng vở diễn ở các sân khấu TPHCM ngày một sa sút.
 
Người viết vơi dần 
 
Trước tình hình  kịch bản thiếu và yếu như vậy, đội ngũ người viết kịch lại đang ngày một vơi dần. Từ con số gần cả trăm tác giả trong danh  sách hội viên Hội Sân khấu TPHCM, thực chất chỉ còn trên dưới vài chục người “lui tới” với sân khấu qua vài cuộc vận động sáng tác do hội chuyên ngành tổ chức hằng năm. Nhưng từ vài chục đề cương được đầu tư ban đầu, số lượng kịch bản “đậu” được trên sàn diễn có khi đếm không đầy một bàn tay. Và một thực tế dễ gây ngạc nhiên khi kịch bản sân khấu là một sản phẩm đòi hỏi trình độ “tay nghề” cao như vậy mà lâu nay lại không có một trường lớp chính quy nào đào tạo, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các tác giả sân khấu hiện nay đều là… tay ngang.
 
Khó khăn như vậy nhưng một kịch bản được dàn dựng thường không đem lại cho người viết lợi nhuận tương xứng. May mắn nhất là có được nhuận bút khoảng 50 -70 triệu đồng khi kịch bản lọt vào dự án hiếm hoi của các đoàn quốc doanh, còn với tỉ lệ 6% doanh thu suất diễn ở các sân khấu xã hội hóa thì hoàn toàn phó thác cho số phận may rủi, tùy vào mức độ ăn khách lẫn lịch diễn, mỗi suất vài ba trăm ngàn đồng. Những nhà viết kịch vừa có nghề vừa dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm của mình, như Lê Duy Hạnh, Lê Chí Trung, Lê Hoàng,… mỗi năm “siêng lắm” cũng chỉ có thể cho ra đời khoảng từ một đến  hai vở  là nhiều.  Hầu hết các tác giả khác thường chọn viết những tiểu phẩm, kịch ngắn, chặp hài … cho các đài truyền hình, vừa nhanh vừa dễ kiếm sống.

Khủng hoảng chân giá trị

Với tư cách một nhà viết kịch đi trước, ông Lê Duy Hạnh cho rằng hiện nay đang thiếu một chuẩn chung về giá trị để đánh giá kịch bản sân khấu. Những người quen với dạng kịch thuở trước thấy kịch thời nay hời hợt, chạy theo thị hiếu khán giả, không có giá trị về nhận thức, thẩm mỹ.
 
Người làm kịch bây giờ lại đặt yêu cầu giải trí lên trên hết, coi nhẹ những giá trị khác, cho việc giáo dục là việc của tuyên giáo. Sân khấu hiện nay đang trong giai đoạn đi tìm giá trị mới. Giá trị đó, tất nhiên phải đặt trên cơ sở thẩm mỹ bởi sân khấu đâu chỉ để mua vui, đồng thời vì nó cũng là một thứ hàng hóa đặc biệt nên cần có đời sống sân khấu, nghĩa là có khán giả. 
 
Sự thiếu hụt kịch bản sân khấu hiện nay là do trong giai đoạn giao thời, thế hệ viết trước không bắt kịp cái mới, còn thế hệ viết trẻ lại thiếu đào tạo, thiếu kiến thức văn học, thiếu bản lĩnh thích ứng giữa môi trường xã hội và đời sống sàn diễn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.