Theo dấu người xưa - Kỳ 38: Chạnh buồn bên hồ Tịnh Tâm

28/03/2013 00:55 GMT+7

Nằm ngay trong Kinh thành Huế, hồ Tịnh Tâm là một Ngự Uyển của Hoàng gia triều Nguyễn vốn rất nổi tiếng, được vua Thiệu Trị xếp vào cảnh đẹp thứ 3 (Đệ tam cảnh Tịnh hồ hạ ứng).

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 37: Đến núi Thúy Vân nhớ công chúa Huyền Trân
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 36: Tiếng chuông Thiên Mụ
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 35: Đi tìm dấu tích Thần kinh nhị thập cảnh

Cảnh đẹp hoang phế

Đặt chân đến hồ Tịnh Tâm hôm nay (thuộc địa phận P.Thuận Thành, TP.Huế), nhiều người không khỏi chạnh buồn với một khung cảnh hoang phế. Hiện trạng của khu vườn Thượng Uyển bậc nhất Kinh thành Huế hiện chỉ còn là một quần thể hồ được người dân trồng sen và rau muống. Giữa hồ có hai hòn đảo nổi là đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ và đảo Phương Trượng phía bắc hồ. Con đê Kim Oanh chạy giữa hồ ngày trước giờ đã thành con đường Lê Văn Hưu nối Đinh Tiên Hoàng và Tạ Quang Bửu. Vòng tường gạch bao quanh hồ cũng đã bị xuống cấp hư hỏng, nhiều xóm cư dân phía bắc và phía tây của hồ đã xây dựng nhà cửa lấn chiếm xâm hại một phần của di tích.

Tại Festival Huế 2008 vừa qua, để tránh lãng phí một di tích đang còn hoang phế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã cho một đơn vị tư nhân thuê mở Trung tâm văn hóa Tịnh Tâm để làm dịch vụ trên đảo Bồng Lai. Tại đây, sau khi khai trương trong dịp festival có giới thiệu một số loại hình đặc sản Huế như: các sản phẩm hạt sen, trà sen, trà cung đình, rượu Minh Mạng thang… Thế nhưng, đến nay, tất cả các dịch vụ hầu như không thu lại hiệu quả chỉ duy nhất hoạt động kinh doanh cà phê, giải khát là còn có khách lai rai.

Theo dấu người xưa - Kỳ 38: Chạnh buồn bên hồ Tịnh Tâm
Quang cảnh đảo Bồng Lai trong hồ Tịnh Tâm hiện nay - Ảnh: B.N.L

Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý di tích này), từ cuối thế kỷ 19, do thiếu điều kiện chăm sóc, các kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm bị hư hỏng dần hoặc bị triệt giải. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh hồ bị phá để xây dựng một vòng tường thấp hơn. Năm 1960, trên nền điện Bồng Doanh cũ có dựng một ngôi đình bát giác nhỏ để kỷ niệm. Trong lần tu bổ này một cây cầu bê tông đã được xây dựng để nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh...

Nguyên thủy là một đoạn sông Kim Long, sau khi xây dựng Kinh thành Huế đã được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã cho cải tạo hồ và đặt tên là hồ Tịnh Tâm. Dưới sự chỉ huy của Đô thống hữu quân Nguyễn Tăng Minh và Tham tri bộ Hộ Đào Trí Phú, 8.000 binh lính đã được huy động để dốc sức xây dựng Tịnh Tâm thành một Ngự Uyển xinh đẹp bậc nhất của Hoàng gia.

Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hóa, năm 1995) vào năm Quý Tỵ (1893), vua Thành Thái đã bị các quan phụ chính tuân lệnh lưỡng tôn cung đưa ra đảo Doanh Châu với lý do “an dưỡng tâm thần” vì đức vua “tính tình bất thường, ham chơi bời, ít chịu nghe lời can gián”. Kỳ thực là do vua Thành Thái có tư tưởng chống Pháp nên đã bị nhóm quan lại đưa vào hồ Tịnh Tâm để biệt giam.

Dự án tu bổ phục hồi vẫn còn “treo”

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500 m (354 trượng 6 thước). Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Đảo Bồng Lai, ở phía nam hồ, chính giữa có điện Bồng Doanh, 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói hoàng lưu li. Điện quay mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước lại có cửa Bồng Doanh, rồi cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông. Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa Hồng Cừ và một chiếc cầu cùng tên.

 

Từ năm 2003, đề án tu bổ và phục hồi phế tích hồ Tịnh Tâm đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khởi động, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt. Hiện tại, dự án bảo tồn phát huy giá trị hồ Tịnh Tâm đang được tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định là một trong 10 dự án trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã thuê Công ty Akitek Tangara của Singapore thiết kế quy hoạch dự án nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai vì chưa có kinh phí.

Trên đảo Phương Trượng, chính giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu li. Phía nam có cửa Bích Tảo và cầu Bích Tảo. Phía bắc đảo có lầu Tịnh Tâm, quay mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (từ năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.

Giữa hồ Tịnh Tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam, đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự. Ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác, là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu.

Trên các góc của đảo Bồng Lai, Phương Trượng đều có xếp đá tạo các giả sơn. Riêng đảo Doanh Châu được tạo dáng như một hòn non bộ lớn nổi trên mặt hồ. Khắp nơi xung quanh đảo Bồng Lai, Phương Trượng, đê Kim Oanh và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ. Dưới hồ trồng duy nhất loại sen trắng.

Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, nhưng hết sức hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19. Cảnh đẹp của hồ đã tạo nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Và đặc biệt, trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần kinh của vua Thiệu Trị đã xếp hồ Tịnh Tâm là cảnh đẹp thứ 3, cho in bài thơ Tịnh hồ hạ hứng cùng với phong cảnh hồ vào tranh gương để treo ở các cung điện.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.