Theo dấu người xưa - Kỳ 37: Đến núi Thúy Vân nhớ công chúa Huyền Trân

27/03/2013 03:15 GMT+7

Trong Thần kinh nhị thập cảnh, vua Thiệu Trị xếp núi Thúy Vân vào cảnh đẹp thứ 9 (Đệ cửu cảnh Vân sơn thắng tích), là ngọn núi nhô lên giữa vùng đầm phá Cầu Hai mênh mông trấn ở cửa biển Tư Hiền (thuộc xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).

Non cao xanh biếc…

Từ cửa biển Thuận An, theo quốc lộ 49 đi qua các làng quê vùng biển định cư trên một dải cát vàng như một con rồng uốn lượn ôm trọn vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và bên ngoài là biển Đông, xuôi về phương nam đến cửa biển Tư Hiền thế đất đã nhô lên hai ngọn núi. Ngọn núi có hình dáng tròn trịa như mu của một con rùa quay đầu ra biển là núi Linh Thái (dân gian vẫn quen gọi là núi Rùa). Còn núi Thúy Vân lại có dáng đầu rồng hướng lên ngọn Bạch Mã của dãy Trường Sơn.

Trên núi Thúy Vân có chùa Thánh Duyên cổ kính. Chùa nguyên thủy có tên Mỹ Am Sơn Tự. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1644) cho đặt nền móng xây dựng điện Đại Hùng và đặt tên chùa là Thánh Duyên. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho trùng kiến lại chùa và cho khắc bài minh vào bia đá dựng ở sân chùa. Từ chân núi, trên một tảng đá hình tròn cạnh bậc cấp lên cổng tam quan của chùa Thánh Duyên, chúng tôi thấy tấm bia khắc ba chữ Hán: Thúy Vân Sơn. Phía bên phải dưới rừng dương liễu là một nhà bia cổ rêu phong khắc bài Vân sơn thắng tích của vua Thiệu Trị, tả: “Núi Thúy Vân, non cao xanh biếc, cây xanh ngát hương, ngoài ngắm đại dương, trong nhìn biển nhỏ… (nguyên văn chữ Hán: Thúy Vân sơn, túng thúy sầm khâm, hư thanh phân úc, ngoại lâm Minh Bột, nội hám tiểu hải nhi…).

Bước lên những bậc cấp bằng đá rêu phủ xanh rì là một cảnh quan thiền môn cổ kính với chánh điện Đại Hùng theo kiến trúc nhà rường cổ. Nội điện ba gian, gian chính thờ Phật, hai bên thờ những vị bồ tát, các bậc thánh hiền của đạo Phật và có cả bài vị của vua Minh Mạng. Bên phải điện Đại Hùng là một công trình được xây dựng lại bằng kết cấu bê tông, bên trong có thờ 3 pho tượng cổ Phật Dược sư, Bồ tát Quán thế âm và Bồ tát Văn thù. Chùa nằm trên một ngọn núi nên cảnh quan sinh thái nơi đây còn rất hoang sơ với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Đại đức Thích Minh Chính, giám tự của chùa Thánh Duyên, cho biết tuy trải qua thời gian hoang phế, nhưng hiện tại chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật pháp tự, pháp khí có giá trị như chuông đồng, bia đá và đặc biệt là những pho tượng cổ đặc biệt quý hiếm. Theo sử liệu ghi chép, trước đây chùa có 71 pho tượng cổ, nhưng do không ai bảo quản nên đã có nhiều pho tượng bị mất. Sau khi trùng tu, chùa còn lại 59 tượng cổ và đều được bảo quản chu đáo.

Trong số những pho tượng cổ tại chùa có những bộ tượng đặc biệt quý hiếm như bộ Thập bát La Hán (18 vị La Hán) bằng đồng sơn son thếp vàng, được Trung tâm sách Kỷ lục VN công nhận kỷ lục là Thập bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất VN năm 2008; 10 vị thập điện Minh vương, Tam thế Phật… Đặc biệt là bộ tượng cổ Thập bát La Hán bằng tre độc nhất vô nhị ở VN hiện nay. Để tránh hư hỏng và bị mất trộm, đại đức Thích Minh Chính đã đưa bộ tượng quý vào cất giữ cẩn mật trong chùa.

Bia Thúy Vân Sơn đặt trên tảng đá hình tròn dưới chân núi - Ảnh: B.N.L
Bia Thúy Vân Sơn đặt trên tảng đá hình tròn dưới chân núi - Ảnh: B.N.L
 

Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, quốc tự Thánh Duyên đã từng là đạo tràng lớn của giáo hội.

Ngồi dưới chân tháp Điều Ngự nhìn ra cửa biển Tư Hiền dập dềnh sóng vỗ, lòng chợt xao xuyến xúc động khi nghĩ về bước chân của người con gái Việt trên hành trình mở cõi cho Tổ quốc.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên-Huế, cửa biển Tư Hiền vốn trước kia thuộc về vương quốc Chăm Pa, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Khi xuất giá sang Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó, cửa biển này có tên Tư Dung, nhằm ghi lại sự kiện hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, đồng thời để tưởng nhớ công ơn người con gái Việt đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi.

Không chỉ lưu dấu bước chân công chúa Huyền Trân, vào năm 1471 vua Lê Thánh Tông trong lần ngự giá bình Chiêm, cũng đã nghỉ chân tại cửa biển này và làm bài thơ Tư Dung hải môn lữ thứ được đời sau truyền tụng. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, vì thế hiểm họa ngoại theo cửa biển vào đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra nên triều Nguyễn đặt lại tên là Tư Hiền.

Cần bảo tồn phát huy giá trị di tích

Theo sử sách, ngoài các công trình kiến trúc của chùa Thánh Duyên, thời Nguyễn dưới chân núi Thúy Vân còn có một hành cung để nhà vua khi về ngắm cảnh dừng chân nghỉ ngơi. Hiện nay, công trình này đã hoàn toàn bị xóa sổ và con đường đi vào chùa cũng bị các hộ dân xây dựng nhà cửa lấn chiếm. Bên cạnh đó, do chưa có cơ chế quản lý phù hợp nên hiện tại người tham quan khi lên núi vô tư xả rác, viết vẽ bừa bãi khiến di tích ngày một biến dạng, xuống cấp.

Đại đức Thích Minh Chính cho biết trước đây chùa được giao cho làng, rồi chính quyền địa phương quản lý. Sau một thời gian dài bị hoang phế, năm 2003 chùa được nhà nước trùng tu. Hiện di tích này thuộc Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên-Huế quản lý. Nhưng về nhân sự do Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế bổ nhiệm. Theo đó, hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, làm trụ trì.

Do mô hình quản lý còn chồng chéo nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn nhiều bất cập. Trước đây, nhà chùa cũng đã từng đề xuất với cơ quan quản lý có một khoản kinh phí hằng năm để duy tu bảo dưỡng công trình, cũng như hợp đồng trả lương cho vài người chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ, làm vệ sinh cho di tích. Thế nhưng đề xuất ấy đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Ngoài ra, về tổng thể thắng cảnh này vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để phục vụ khách tham quan.

Bùi Ngọc Long

>> 3 Tuần lễ vàng du lịch di sản Huế
>> Trưng bày hình ảnh các di sản thế giới
>> Không gian nhà Việt tại Festival di sản Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.