Thế giới yêu đương ở Trung Đông

13/02/2014 09:00 GMT+7

Hồi mới lớn, tôi thường hình dung về Trung Đông như một xứ sở thần tiên với những mối tình lãng mạn, những chàng trai Ả Rập đẹp thắt tim và những cô gái eo thon với điệu múa bụng còn mê hoặc hơn cả ánh nhìn của hổ mang chúa.

Hồi mới lớn, tôi thường hình dung về Trung Đông như một xứ sở thần tiên với những mối tình lãng mạn, những chàng trai Ả Rập đẹp thắt tim và những cô gái eo thon với điệu múa bụng còn mê hoặc hơn cả ánh nhìn của hổ mang chúa.  

 Thế giới yêu đương ở Trung Đông
Cái vai tai tiếng của người viết ở Amman trong một buổi hành lễ chiều thứ sáu ngay trên mặt đường

Lớn hẳn lên, những câu chuyện trên báo chí về Trung Đông khiến tôi vỡ mộng bởi vùng đất này giống như một hoang mạc về tình yêu và những cuộc hôn nhân dường như chỉ có mỗi một mục đích là... phối giống.

Khi được đặt chân lên đây, tôi thấy cả hai sự hình dung của mình đều đúng và đều sai, bởi hình như ai cũng bận rộn với hai cuộc sống, một truyền thống đến thành cổ hủ, một sex đến thành nổi loạn. Dưới tà áo chùng đen nào dường như cũng ẩn chứa một ngọn lửa tình bị kìm hãm, và sau ánh mắt rạp xuống khiêm nhường nào cũng cháy bỏng một nỗi đam mê thèm khát. 

Một tí da là một tí tội lỗi

Hồi năm 2012, trong vòng chưa đầy 48 tiếng đặt chân đến Jordan, tôi thành người nổi tiếng, hoặc đúng hơn là tai tiếng.

Một tờ báo chính thống của Jordan đăng ảnh chụp tôi lên trang nhất, một tờ khác post hình tôi lên Facebook của họ và tính cho đến thời điểm này thì đã có khoảng 120 người “share”, chia sẻ, phát tán trên mạng cái hình tôi bé xíu.

Chiều hôm ấy, tôi và hai người bạn đi qua phía thánh đường Hồi giáo ở trung tâm thủ đô Amman đúng vào lúc gần một ngàn tín đồ trải chiếu ra con đường chính để cầu nguyện. Bình thường họ cầu nguyện trong thánh đường, nhưng từ khi Mùa xuân Ả Rập tràn qua, chiều cuối tuần nào phe đòi cải cách chính phủ cũng tổ chức cầu nguyện tràn cả ra đường. Trên vỉa hè, ai mua bán qua lại thì cứ việc buôn bán lại qua. Dưới lòng đường, các ông các anh và các bé trai dập đầu nhằm hướng Mecca quỳ lạy. Được một chặp thì tôi mặc áo hở vai tình cờ đi qua. Và thế là chưa đầy 3 tiếng sau, anh bạn Rudy gọi điện hộc tốc triệu tập tôi lên Facebook.

Chình ình trên trang chính của tờ báo là cái vai trần của tôi phơi ra. Dưới lòng đường, một nửa đám đàn ông cúi đầu cầu nguyện, một nửa cả gan... ngước mắt nhìn. Chỉ có vậy thôi nhưng các lời chỉ trích rất nặng nề. Tôi bị kết án không tôn trọng tín đồ đang làm nghi lễ, và mấy gã tín đồ cũng bị ném đá không thương tiếc, can tội đang lạy Chúa Trời mà thấy gái một cái là giương mắt lên. Vì khách du lịch ăn mặc như tôi là chuyện thường ở Amman. Và hàng chục khách du lịch tình cờ đi qua chụp ảnh họ là điều đương nhiên vì họ đã chọn cầu nguyện trên vỉa hè chứ không phải trong thánh đường tôn nghiêm.

Tôi hết hồn, kêu Rudy giải thích xem bản thân sai chỗ nào. Rudy nhíu trán một hồi rồi kêu cái ảnh này không đăng mặt tôi, ý đồ muốn cho dân tình hiểu nhầm tôi là người bản xứ chứ không phải khách du lịch. Chung quy chỉ là muốn bán được báo và câu lượt xem. Việc đưa cái vai của tôi lên báo theo Rudy là “lá cải” hết phương cứu chữa.  

Hôn nhân theo giờ

Sau bao tháng lăn lê ở đây, chúng tôi đều biết rằng nếu cứ tin vào những gì nổi trên bề mặt cuộc sống ở đây thì chẳng khác gì nhìn một phụ nữ mặc niqab che kín thân thể mặt mũi và vội vàng kết luận cô ta hẳn là xấu xí và khô như ngói. Sự thật là dưới lớp khăn che mặt đen sì nặng nề ấy rất có thể phập phồng một cơ thể nóng bỏng với bộ đồ chíp khêu gợi hoặc thậm chí chẳng-có-gì. Trong muôn vàn câu chuyện rúc rích của tụi con gái là một đề tài muôn thuở: làm thế nào để “ấy” mà không bị rách, để có khoái lạc mà không cần bọn con trai phải “đi vào”, hoặc để “đi ra đi vào” thoải mái mà lại không có thai...

Sex trước hôn nhân là điều cấm kị, đi hẹn hò có khi còn bị bố mẹ cử em trai đi theo, trai gái hầu như không bao giờ bắt tay nhau, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 1/3 đám thanh niên ngoạm mồm vào trái cấm. Trước khi ngày cưới được ấn định, một số cô gái trẻ lại tìm đến những bác sĩ bí mật để vá lại màng trinh, để đêm tân hôn sẽ chảy máu, để mặt một ông chồng sẽ giãn ra hạnh phúc, để nếu là một đám cưới truyền thống thì miếng vải có dính máu trinh sẽ được đưa ra cho toàn thể hai họ chiêm ngưỡng, và những người đàn ông sẽ bắn súng lên trời để chào mừng. Thế là một cô gái ngoan hiền đã có nơi có chốn.

Những nhà thổ ở Trung Đông nhiều có khi chẳng kém gì nơi khác. Nước nào cũng có đạo luật chống các hành vi bán dâm nhưng thực tế là một bức tranh hoàn toàn khác. Ở Ai Cập, những chàng nàng gái điếm có ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Ở Syria, sex được mua bán ngấm ngầm trước sự tảng lơ của chính quyền. Ở Bahrain, nền công nghiệp hương phấn phát triển tột đỉnh để đáp ứng cho một đội ngũ nam khách hàng khát khao nhục dục từ Saudi cứ mỗi cuối tuần lại lái xe qua đường biên giới để bật nút chai giải thoát cái bình hormone đàn ông bị đè nén. Ở Tunisia, chính quyền thế tục của cựu độc tài Ben Ali còn tiên tiến đến mức hợp thức hóa nghề mại dâm, mỗi thành phố đều có quận đèn đỏ và những cô gái bán hoa được cấp thẻ phát số cùng sự bảo trợ và chăm sóc xã hội tối thiểu. Ở Ả Rập Saudi, Iran và Ai Cập, “hôn nhân tạm thời” là một kiểu xoắn vặn tôn giáo để hợp pháp hóa việc mua bán dâm bởi những hợp đồng hôn nhân tính-theo-giờ hoàn toàn có thể được tòa án công nhận. Xong việc là ly dị, ai về nhà người nấy.

“Sex ở Trung Đông dễ lắm Mai ạ” - Hani tiếp tục - “Ở Tây nơi Mai sống người ta có thể nhầm những tín hiệu bạn bè đơn thuần với tín hiệu của tình dục, chứ ở Trung Đông nơi con trai con gái không được tiếp xúc với nhau thì hễ có tín hiệu thì 100% là tín hiệu sex. Không thể nhầm lẫn được. Không tin để tôi chứng minh cho Mai xem!”.

Hani bật bluetooth trong điện thoại. Màn hình rà soát trong tầm phủ sóng xung quanh và thông báo có khoảng hơn chục cái điện thoại cũng đang mở bluetooth. Một cái nick tên là “lonely princess” (công chúa cô đơn) thu hút sự chú ý của tôi. Lập tức, Hani gõ một tin nhắn làm quen:

- Hi!

- Hello!

Tôi thì thào, thậm chí cũng không hiểu sao mình lại thì thào: “Như thế đã phải là tín hiệu chưa?”. Hani cười khì: “99% rồi! Con cá này chỉ chờ để được cắn câu thôi mà!”.

Kết luận: Chỉ cần trao đổi với nhau hai từ “Hi” và “Hello” là toàn bộ chu trình cưa cẩm đã hoàn thành. Thật là siêu kỷ lục! (Còn tiếp)

Nguyễn Phương Mai

(Tác giả Nguyễn Phương Mai là tiến sĩ, giảng viên ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) giảng dạy, nghiên cứu về giao tiếp đa văn hóa. Hiện cô đang hoàn thành cuốn sách của mình có tựa đề Con đường Hồi giáo).

>> Tiếng nói từ Trung Đông
>> Mùa xuân tình yêu
>> Tình yêu không có tội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.