Thay đổi “thếp vàng” nhạc Trịnh

29/03/2015 07:00 GMT+7

Việc cách tân âm nhạc, nhất là thứ âm nhạc đã được dựng nên với những tượng đài như nhạc Trịnh, luôn phải đối đầu những phản ứng.

Việc cách tân âm nhạc, nhất là thứ âm nhạc đã được dựng nên với những tượng đài như nhạc Trịnh, luôn phải đối đầu những phản ứng.
Giang Trang (giữa) bền bỉ trong hành trình thử nghiệm làm mới với nhạc Trịnh trong đêm nhạc Hạ Huyền 2 - Ảnh: N.V.C.CGiang Trang (giữa) bền bỉ trong hành trình thử nghiệm làm mới với nhạc Trịnh trong đêm nhạc Hạ Huyền 2 - Ảnh: N.V.C.C
10 năm trước, khi Thanh Lam và Lê Minh Sơn cùng đồng lòng cho ra mắt hai album làm mới nhạc Trịnh (Ru mãi ngàn năm và Này em có nhớ), không ít người đã “buộc tội” Thanh Lam “hành hạ” nhạc Trịnh. Lam chỉ nói rằng có thể chị đúng hoặc sai nhưng chị biết chắc rằng nếu cứ hát mãi theo kiểu cũ thì sẽ không bao giờ vượt qua bóng Khánh Ly.
Kiên trì, bền bỉ với nhạc Trịnh
10 năm sau, câu chuyện về cách tân nhạc Trịnh trở lại khi Giang Trang vừa thực hiện đêm nhạc và đĩa nhạc cùng tên Hạ Huyền 2. Chị nằm trong số ít nghệ sĩ đương đại kiên trì, bền bỉ trên con đường làm mới nhạc Trịnh. Giang Trang khiến người ta hoàn toàn bất ngờ với nhạc Trịnh kể từ Lênh đênh nhớ phố (2011). Chị không hát theo cách mà người ta vẫn hát, mà có lúc đối thoại cùng với một cây đàn violin, hát một khổ nhạc trong bài hát. Lênh đênh nhớ phố dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ của người trong cuộc, nhưng đã báo hiệu một cách làm mới nhạc Trịnh không chỉ trong giọng hát mà còn trong tư duy âm nhạc của người nghệ sĩ. Nửa năm sau, Hạ Huyền 1 của Giang Trang ra mắt, cho thấy một sản phẩm âm nhạc đã có tư duy rõ ràng và lộ rõ con đường mà nghệ sĩ muốn theo đuổi với nhạc Trịnh Công Sơn. Dù vậy, Giang Trang nghĩ chị vẫn còn quá “nặng nề” với nhạc Trịnh, muốn đi chậm lại.
Hai năm dừng lại, chị bình thản hơn, biết chấp nhận cuộc sống tốt hơn, như thế, tự nhiên chạm đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn gần hơn. Hạ Huyền 2 là không gian âm nhạc của giọng ca Giang Trang hòa điệu cùng tiếng guitar của Thanh Phương, tiếng đàn tranh của Văn Mai, tiếng flute của Thư Hương và tiếng piano của Trọng Kiều. Nghe Hạ Huyền 2 người ta tìm thấy sự tinh khôi, an nhiên trong nhạc Trịnh.
Cháy vé Hạ Huyền 2
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn có vòng hòa âm đơn giản, cho thấy âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa không áp đặt cho những người nghệ sĩ sáng tạo trên tác phẩm của mình. Còn nhớ cách đây hai năm, một chương trình In the Spotlight - Gọi tên bốn mùa làm mới nhạc Trịnh với những bản phối mới được chuẩn bị kỹ lưỡng. Lúc ấy, ca sĩ Mỹ Linh nói chị khá e dè khi nhận lời vì sợ mang tiếng “phá” nhạc Trịnh, nhưng cuối cùng chị đã hát để mọi người thay đổi định kiến “thếp vàng” nhạc Trịnh. Cùng với Mỹ Linh, Hồng Nhung cũng có mặt trong đêm nhạc đó. Những năm 1990, với cách hát mới của Hồng Nhung, nhiều người đã nói chị “phá nát” nhạc Trịnh, nhưng rồi thời gian, cách hát của chị đã được chấp nhận.
Hạ Huyền 2 của Giang Trang đã cháy vé trong cả hai đêm diễn. Dự án âm nhạc này sẽ tiếp tục hành trình đến Paris (Pháp), Munich (Đức) trong tháng 4. Thời gian đã cho thấy, nhạc Trịnh không thể chỉ được giữ bằng những “tượng đài” của quá khứ, mà cần được hiện hữu bằng cách sống với đời sống âm nhạc đương đại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.