Tem kiểm định có cũng như không!

18/07/2011 00:26 GMT+7

Các nhà sản xuất băng đĩa nhạc, ca sĩ hoàn toàn thất vọng khi sản phẩm đã dán tem kiểm định do Nhà nước cấp vẫn không được bảo vệ trước nạn băng đĩa lậu tràn lan trên thị trường.

Hiện giấy phép sản xuất băng đĩa nhạc đã được bỏ, nhà sản xuất (NSX) chỉ phải làm thủ tục phát hành tại Sở VH-TT-DL các tỉnh thành. Thủ tục xin cấp phép này phần nào thông thoáng hơn trước với thời gian từ 7 đến 10 ngày. Sau khi có giấy phép phát hành, NSX gửi giấy phép, văn bản kèm theo đĩa gốc chương trình đề nghị Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (NT-BD) cấp tem kiểm soát. Với lệ phí hiện nay từ 200 đồng/tem đến 250 đồng/tem, các NSX đều kỳ vọng cơ quan chức năng sẽ quản lý và kiểm soát được nạn băng đĩa lậu.

Giá trị của con tem do Nhà nước phát hành là chống hàng gian, hàng giả và khi người tiêu dùng mua băng đĩa được dán tem mang ra nước ngoài có nghĩa là các băng đĩa nhạc này sẽ không qua khâu kiểm định văn hóa nữa. 

 
Trên các bìa đĩa đều có dán tem nhưng hiệu quả của nó ra sao thì còn phải bàn - Ảnh: Đ.T

Vì sao không để các NSX tự phát hành tem?

Câu hỏi trên được những hội viên của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (gọi tắt là RIAV) đặt ra khi họ ngày càng gặp nhiều khó khăn buộc phải đơn phương chống lại băng đĩa lậu trên thị trường.

Bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông - Phó chủ tịch RIAV đưa ý kiến: “Cục NT-BD không nên cấp tem cho từng chương trình. Nếu đắt hàng chúng tôi phải làm thủ tục xin cấp thêm tem, bằng ngược lại thì tồn kho. Băng đĩa lậu tự do tung hoành nên riêng Rạng Đông đã tồn 50.000 đến 60.000 con tem. Nên cấp cho mỗi NSX số lượng tem của cả năm hay 6 tháng để họ tự cân đối”.

Nhiều thành viên khác của RIAV và ca sĩ thắc mắc vì sao các NSX băng đĩa nhạc hay ca sĩ không thể tự in và dán tem kiểm định lên sản phẩm do chính mình làm ra, đồng thời tự chịu trách nhiệm sau khi đã đăng ký bản quyền. Động thái này, nếu được phép sẽ giúp NSX dễ kiểm soát sản phẩm, hoàn toàn đủ dữ liệu để khởi kiện khi phát hiện đơn vị nào làm giả sản phẩm của họ.

Số tiền mà các NSX, ca sĩ phát hành băng đĩa nhạc phải bỏ ra mua tem sau đó không bán được sản phẩm (do bị băng đĩa lậu cạnh tranh) hiện tồn đọng rất nhiều, gây lãng phí lớn. Đơn cử như trường hợp Bến Thành Audio-Video hiện còn đến hơn 100.000 con tem được cấp nhưng không thể phát hành.

Chuyện về con tem sẽ còn dài khi mà cơ quan quản lý cứ việc cấp theo quy định, trong khi NSX thì không thấy hiệu quả của nó mang lại dù phải trả phí. Vòng luẩn quẩn cứ thế diễn ra: chi phí đầu vào tăng nên NSX phải tăng giá bán, đĩa lậu giá rẻ hấp dẫn người mua trong khi cơ quan chức năng hiếm khi thực thi nhiệm vụ truy quét nạn băng đĩa lậu nên bao nhiêu năm qua tệ nan này vẫn không thể nào dẹp bỏ tận gốc.

Hơn 10 năm trước, khi ngày đầu tiên Cục NT-BD phát hành con tem này, các NSX băng đĩa vô cùng phấn khích, mơ về một thị trường ngày càng trong sạch hơn, không còn nạn hàng gian, hàng giả. Nhưng rồi sự kỳ vọng đó dần chuyển sang... thất vọng vì tệ nạn này không những chẳng chuyển biến mà ngày một tinh vi và táo tợn hơn với tốc độ làm nhái tính bằng... giờ!

 

“Sắp tới, Cục NT-BD sẽ phân việc cấp tem kiểm định về Sở VH-TT-DL các tỉnh thành. Những đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc ở TP.HCM sẽ đơn giản hóa thủ tục xin phép phát hành. Riêng chuyện để các đơn vị sản xuất băng đĩa tự phát hành tem kiểm định là không thể vì luật chưa cho phép. Ngoài ra, việc cấp tem này còn liên quan đến chính sách thuế, đến số lượng băng đĩa sản xuất và phát hành trên thị trường” - Ông Phạm Đình Thắng - Phó cục trưởng Cục NT-BD

 

“Một chương trình ca nhạc khi sản xuất thành băng đĩa được các đơn vị sản xuất mua từ 5.000 đến 10.000 tem. Tuy nhiên nếu bán ế, chúng tôi “ôm” trọn, bằng ngược lại thì băng đĩa lậu cướp thị phần ngay lập tức. Giá trị con tem nằm ở đâu hay chỉ mang tính hình thức? Còn dựa vào con tem để tính thuế thì hoàn toàn không đúng bởi cơ quan thuế căn cứ vào hóa đơn bán hàng của công ty với các đại lý, cửa hàng” - Ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Bến Thành Audio-Video, Ủy viên Ban chấp hành RIAV

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.