Tây Tạng ngày nay - Kỳ 2: Potala linh thiêng

22/11/2011 04:23 GMT+7

Người Tây Tạng, dù ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng muốn ít nhất một lần trong đời đến Lhasa để viếng cung điện Potala.

Người Tây Tạng, dù ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng muốn ít nhất một lần trong đời đến Lhasa để viếng cung điện Potala.

>> Tây Tạng ngày nay (kỳ 1)

Di sản thế giới

Người Tạng hành hương đến Potala vì nơi đây thờ Phật, đồng thời là nơi ngự trị và an nghỉ của các Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) đã viên tịch.

Cung điện Potala bắt đầu được xây dựng vào năm 1645 dưới thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, phải mất 50 năm mới hình thành quy mô như hiện nay gồm Hồng cung và Bạch cung, với tổng cộng 1.000 phòng. Công trình uy nghi này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.

 
Hành hương lên cung điện Potala - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Chúng tôi đến viếng Potala vào một buổi sáng trời đẹp, nắng dịu dàng điểm xuyết bởi những hạt bông tuyết rơi nhẹ nhàng. Lhasa là một thung lũng được núi bao quanh. Giữa thung lũng có một ngọn đồi và người Tây Tạng đã xây dựng Potala trên ngọn đồi ấy, ở độ cao 3.600m so với mực nước biển, là cung điện cao nhất thế giới hiện nay. Muốn lên đến tầng trên cùng của cung điện - nơi linh thiêng nhất, bạn phải trải qua hơn 300 bậc thang.

Ước tính có hàng ngàn người đến viếng Potala mỗi ngày, đa số là người Tạng cùng một thiểu số du khách thập phương. Trong dòng người ấy, bạn dễ dàng nhận biết đâu là người Tạng, đâu là du khách do trang phục và nét mặt. Phần lớn người Tạng hành hương đến Lhasa đều cầm trên tay tràng hạt hoặc “Kinh luân cầu nguyện” (Prayer Wheel - một vật dụng tâm linh đặc trưng của người Tây Tạng), vừa đi vừa xoay (theo chiều kim đồng hồ) và thầm đọc kinh bằng tiếng Phạn. Chúng tôi hăm hở hòa theo dòng người hành hương chậm rãi bước bộ lên Potala. Sở dĩ phải bước chậm rãi vì ở vùng không khí loãng như Tây Tạng, leo hàng trăm bậc thang rất dễ bị hụt hơi. Quan sát thấy cứ lên hết một tầng, nhiều người phải dừng lại để… thở, kể cả du khách phương Tây, đoàn nhà báo chúng tôi cũng không phải ngoại lệ. Chỉ có người Tạng hình như không biết mệt khi di chuyển trên những bậc thang ấy. Cuộc sống gắn liền với núi đồi đã giúp cho họ có đôi chân dẻo dai nên đi lên Potala chỉ là “chuyện nhỏ”, chuyện lớn chính là đức tin.

Nơi an nghỉ của các Đạt Lai Lạt Ma

Lên cung điện Potala, người Tạng nào cũng tâm niệm phải đặt chân đến các tầng trên cùng vì nơi đó thờ Phật, nơi đặt kim tháp (mộ táng của các Đạt Lai Lạt Ma) và cũng là nơi ngự trị quyền lực chính trị và tôn giáo cao nhất của Tây Tạng trong quá khứ. Lúc ghé thăm phòng tiếp khách của Đạt Lai Lạt Ma, khoảng sân phía trước ghế ngồi của ngài có rất nhiều tấm vải lụa trắng của người hành hương gửi lại. Khi vừa đặt chân đến Lhasa, tôi cũng được anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Tạng tặng cho một chiếc khăn như vậy, ý nghĩa của nó là để chúc phúc.

 
Người Tạng hành hương đến Lhasa cầm trên tay “Kinh luân cầu nguyện” - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Sự uy nghi và linh thiêng của cung điện Potala khiến người hành hương phải cúi đầu bái lạy, những vị khách lạ cũng không dám làm điều càn quấy. Potala sở hữu vô số hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa lẫn kinh tế, trong đó phải kể đến mộ táng của Đạt Lai Lạt Ma đời trước được làm bằng vàng. Khi đế quốc Anh xâm chiếm Ai Cập, họ đã rinh về mẫu quốc khá nhiều hiện vật thời cổ đại. Trong bảo tàng Anh quốc ở London hiện nay có hẳn một khu vực riêng để trưng bày về nền văn minh Ai Cập, trong đó có cả một ngôi mộ bằng đá hoa cương khá to của Pharaon. Vậy mà lúc xâm chiếm Tây Tạng qua ngả Ấn Độ, người Anh đã không đụng đến mộ táng bằng vàng của Đạt Lai Lạt Ma. Trải qua bao cuộc thiên tai địch họa, kể cả trong cơn bão táp “Cách mạng Văn hóa” (1966-1969) dưới thời Mao Trạch Đông, cung điện Potala vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn những gì hiện hữu bên trong lẫn cấu trúc bên ngoài. Các công trình kiến trúc đặt trên nền đá như Potala có độ bền vững khá cao. Khu Mahattan ở thành phố New York của Mỹ cũng được xây trên một vỉa đá cứng như vậy.

Người ta đã xây dựng một khu hành chính khác để các quan chức và nhân viên làm công việc điều hành Lhasa, Potala vì thế đã không còn là trung tâm quyền lực về chính trị của Tây Tạng nữa. Cung điện ấy giờ đây biến thành viện bảo tàng. Thế nhưng đối với người Tây Tạng, hình như cung điện Potala (hay bảo tàng Potala) vẫn hiện hữu với tất cả sự linh thiêng, sùng bái trong tâm tưởng của họ. Bất kể thời tiết ra sao, những đoàn lữ khách hành hương từ khắp mọi miền vẫn đổ về Potala mỗi ngày, họ đến để minh chứng lòng thành với Phật và có lẽ với một ai đó vì nguyên nhân này khác đã không còn hiện hữu nơi đây.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.