Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 7: Ám ảnh ma rừng

09/04/2012 03:38 GMT+7

Sau 1 năm 4 tháng, chúng tôi trở lại bản Ka Ai ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) để xem cháu Hồ Dưỡng - đứa bé suýt nữa bị chôn sống theo mẹ - đang sống như thế nào, từ đó kiểm chứng lời nguyền “ma bám” từ rừng núi có đúng không.

>> Kỳ 6: Lễ cột chỉ linh thiêng

Sau 1 năm 4 tháng, chúng tôi trở lại bản Ka Ai ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) để xem cháu Hồ Dưỡng - đứa bé suýt nữa bị chôn sống theo mẹ - đang sống như thế nào, từ đó kiểm chứng lời nguyền “ma bám” từ rừng núi có đúng không.

Ngày định mệnh

Theo báo cáo của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, ngày 5.12.2010, chị Hồ Thị Lon (SN 1974) sinh con thứ 4, do bị băng huyết không kịp đưa đến trung tâm y tế nên tử vong. Theo hủ tục của người Mày, nếu sinh con xong mà bị chết thì phải chôn con theo mẹ. Mặt khác, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sợ không nuôi được cháu bé, nhất là nếu để cháu lại mà không sống thì gia đình phải cúng làng nên dòng họ và gia đình quyết định chôn cháu theo mẹ.

Biết được sự việc, tổ công tác Ka Vàng của đơn vị do trung úy Trương Vĩ Lê, Đội trưởng vận động quần chúng, và thiếu tá Võ Duy Diễn đang thực hiện nhiệm vụ đã kịp thời thông báo các đoàn thể địa phương cùng những người hiểu biết trong bản tập trung tuyên truyền vận động gia đình, dòng họ để cháu bé lại nuôi. Mọi người bảo nếu chôn cháu bé theo mẹ là vi phạm pháp luật, có tội với cháu, trái luân thường đạo lý. Lúc đầu gia đình không đồng ý, song sự kiên trì của cán bộ chiến sĩ biên phòng và các lực lượng khác đã thuyết phục được gia đình để cháu lại nuôi và đặt tên cho cháu là Hồ Dưỡng.

Từ ngày đó đến nay, con đường vào nhà Hồ Dưỡng càng in nhiều dấu chân của trung úy Trương Vĩ Lê hơn. Mỗi lần đến thăm cháu với anh là mỗi tâm trạng khác nhau. Khi nhắc đến cái buổi sáng định mệnh đó, anh Lê lại tỏ ra dè dặt, dường như ngại kể về công trạng. Anh bảo, đó là sự tình cờ may mắn. Sáng sớm, trên đường làm nhiệm vụ thì anh và đồng đội thấy mấy người dân đi mua dây thừng và một số dụng cụ khác nên hỏi dò. Đồng bào thật thà kể lại sự việc. Mấy năm quản lý địa bàn, anh đã từng nghe nói về hủ tục nhưng thực sự chưa khi nào chứng kiến, giờ mới nghe tận tai. Một chút rờn rợn, thông tin được cấp báo lên chỉ huy đơn vị. Đồng thời anh cùng đồng đội đến ngay nhà chị Lon, triển khai các biện pháp cứu cháu bé đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Sau sự việc trên, đồn đã báo cáo với bộ chỉ huy, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể nhằm có các hoạt động quan tâm hỗ trợ giúp cháu. Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã trích một phần quỹ vốn và vận động cán bộ chiến sĩ quyên góp ủng hộ cháu Dưỡng tiền và quà trị giá 84 triệu đồng. Sau đó, đều đặn hỗ trợ tiền, quà mỗi tháng cho cháu.

 
Nhà ở tháng tại bản Tà Dong - Ảnh: T.Q.Nam

 
Hồ Dưỡng trong vòng tay cán bộ biên phòng - Ảnh: T.Q.Nam

Nỗi sợ “ma” rừng

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao người Mày cũng như một số tộc người khác ở miền tây Quảng Bình lại có tục chôn con theo mẹ như vậy, chúng tôi được biết cơ bản do đồng bào rất sợ “ma”. Họ quan niệm, khi người mẹ mới sinh bị chết nghĩa là đã có con “ma” mới, nếu giữ đứa con lại thì “ma” mẹ sẽ bám theo, nhất là ai dám cho đứa con ấy bú sữa. Lúc đó nhiều con “ma” rừng khác sẽ về. Vì thế, lúc chị Lon chết, trong bản có 3 bà mẹ đang thời kỳ cho con bú và có 2 người cùng dòng họ nhưng chẳng ai gật đầu. Họ rất sợ “ma”, khắp các bản làng không có bất cứ ai dám bước chân đến các bãi “tha ma”. Vậy nên khi chôn người chết xong, ai nấy chạy một mạch về nhà mà không ngoảnh đầu lại, kẻo sợ con “ma” theo. Cũng không có chuyện thờ cúng người chết. Khi tiến hành mai táng, những người có uy tín, vai vế lấy một quả trứng quăng xuống vùng đất định chôn, nếu quả trứng vỡ ra ở đâu thì chôn ở đó. Nhưng nhiều lúc quăng 3 lần trứng vẫn không hề hấn gì, càng khiến đồng bào tin vào con “ma” rừng.

Hồ Dưỡng được người chị tên Hồ Thị Lê nhận nuôi, từ đó đến nay đã hơn một năm và mọi chuyện vẫn đang diễn ra bình thường. Có điều cháu hơi gầy. Thấy người lạ, Dưỡng khóc ré lên, chị Lê dỗ mấy cũng không nín. Tuy nhiên, khi các cán bộ biên phòng bế thì cháu nín ngay. Thiếu tá Đinh Quang Cánh nói vui rằng cháu quen, yêu màu áo xanh các chú rồi; khi nào các chú đến cũng cho sữa mà. Mới đây, Huyện đoàn Minh Hóa cũng tổ chức cho đoàn viên các cơ sở đến thăm Hồ Dưỡng. Một đoàn viên hy vọng, từ những việc làm cụ thể của mọi người sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hủ tục lạc hậu của đồng bào.

Nhà ở tháng

Người Mày ở bản Tà Dong, xã Trọng Hóa còn có tục làm nhà ở tháng. Ngoài nhà chính cho cả gia đình, thì nhà nào cũng có một cái giống như cái chòi nằm gần đó. Đó là nơi ở của phụ nữ khi đến chu kỳ “bẩn” hoặc sinh đẻ. Lúc đó, phụ nữ hay con gái phải mang xoong, nồi, quần áo ra đó ở chứ không được ở nhà chính. Họ sống một mình ở đó 5 ngày và không được tiếp xúc với người trong nhà, kể cả chồng. Người già trong bản bảo rằng tập tục lâu đời truyền lại, chẳng ai biết có từ khi nào và cũng không thể bỏ được.

Khi nào con sinh ra biết cười, vợ chồng mới tiến hành làm lễ đuổi cái dơ bẩn, bệnh tật cho đứa con được sạch sẽ. Sau đó, gia đình đón hai mẹ con vào nhà chính. Lễ được tiến hành bằng cách đào một cái hố sâu, rồi trải lá dong rừng xuống, lấy vài viên đá nhặt ở dưới khe suối về nung, đặt lên trên lá dong. Tiếp theo cạo lấy 3 nhúm rễ cây lạng hang bỏ vào, vợ chồng cầm 2 nhánh cây dầu thơm ngồi ở trên hố rồi dội nước xuống. Lúc khói bay lên thì bế đứa con ra cho cái dơ bẩn, bệnh tật bay đi, đồng thời đuổi con “ma” rừng không được bám theo.

Tục nhà ở tháng và không được chăm sóc chu đáo đã khiến nhiều đứa trẻ lọt lòng mẹ nhưng không có cơ hội tồn tại. Như vợ anh Hồ Khâm, 3 lần sinh thì đều mất cả 3. Người Mày ở bản Tà Dong cũng lạ, họ chẳng dùng thuốc khi đau ốm, đến lá rừng cũng không. Họ phó mặc cho căn bệnh, nếu không qua khỏi thì coi như con “ma” rừng đã chọn.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.