Tài liệu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa xuất bản tại Nhật

02/06/2015 08:00 GMT+7

Tại TP.Huế, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan vừa hiến tặng cho Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) bản sao bộ Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Trường ĐH Kieo (Nhật Bản) sưu tầm, ấn hành.

Tại TP.Huế, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan vừa hiến tặng cho Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) bản sao bộ Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Trường ĐH Kieo (Nhật Bản) sưu tầm, ấn hành.

Ông Hồ Tấn Phan với bộ tư liệu quý - Ảnh: B.N.L
Ông Hồ Tấn Phan với bộ tư liệu quý - Ảnh: B.N.L
Công lao thầm lặng
Ông Phan chia sẻ: “Là một công dân nước Việt, tôi luôn trăn trở khi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm chiếm, cưỡng đoạt. Câu chuyện Hoàng Sa và Trường Sa là của VN là điều mà chúng ta, con dân nước Việt ai cũng hiểu và biết. Nhưng với thế giới, với dư luận quốc tế, họ có biết điều ấy không?”.
Ông cho biết: “Trong quá trình sưu tầm cổ vật, tài liệu lịch sử, tôi đã tìm được nhiều tài liệu chính sử triều Nguyễn, trong đó có bộ Đại Nam thực lục (ĐNTL), một công trình sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản công phu, diễn ra ròng rã suốt 21 năm (từ năm 1961 - 1981) của Trường ĐH Keio. Bộ sách được các nhà nghiên cứu Nhật Bản sưu tầm, sao chụp đúng nguyên dạng ĐNTL đã được in mộc bản gồm hơn 550 quyển, gần 33.000 trang, và sau đó họ in lại tại Nhật thành 20 tập, 8.131 trang”.
Bằng nhiều con đường khác nhau, từ việc sưu tầm, tìm mua ở những hiệu sách giai đoạn trước năm 1975, cho đến được các nhà nghiên cứu Nhật Bản tặng trong những lần họ đến Huế nghiên cứu văn hóa…, ông Phan đã góp nhặt hoàn chỉnh bộ ĐNTL do ĐH Keio xuất bản, in ấn. Từ bộ sách này, ông đã bỏ công sao lục và đóng tập lại một cách đầy đủ để bảo quản. Mới đây, thông qua Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế, Ủy ban Biên giới đã cử người vào xin tiếp cận tư liệu và đề nghị ông hiến tặng để đóng góp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Còn gì vui hơn khi được đóng góp một phần nhỏ công sức của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nên tôi đã đồng ý hiến tặng cho nhà nước một bản sao bộ sách để làm tư liệu đấu tranh”, ông Phan nói.
Tài liệu có giá trị pháp lý cao
Theo ông Phan, việc phát hiện bộ chính sử của triều Nguyễn được in ấn, phát hành ở Nhật Bản rất quan trọng. Bởi ĐNTL có 13 đoạn ghi chép việc thực thi chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Phần Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 10, tờ 24B có chép việc thực thi chủ quyền Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn, chụp lại từ bộ Đại Nam thực lục xuất bản ở Nhật, bằng chữ Hán - Ảnh: B.N.L
Phần Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 10, tờ 24B có chép việc thực thi chủ quyền Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn, chụp lại từ bộ Đại Nam thực lục xuất bản ở Nhật, bằng chữ Hán - Ảnh: B.N.L
ĐNTL là bộ chính sử quan trọng của triều Nguyễn, gồm hai phần, tiền biên và chính biên, do Quốc sử quán tổ chức biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939). Tuy nhiên, chỉ một phần của bộ sử này (giai đoạn từ thời Gia Long đến Đồng Khánh) được khắc bản gỗ để in lên giấy bản. Phần còn lại từ thời Thành Thái, Duy Tân và ĐNTL chính biên thời Khải Định do không có tiền nên Quốc sử quán đã cho chép tay thành 6 bản để bảo quản.
“ĐNTL là tư liệu lịch sử chính thống có giá trị pháp lý cao của VN do triều đình nhà Nguyễn biên soạn. Bộ chính sử này, khi được tổ chức sưu tầm, ấn hành ở ngoài biên giới thì nó đã vượt qua tầm quốc gia, vì thế bản được in ở Nhật Bản càng làm tăng giá trị của nó”, ông Hồ Tấn Phan nói.
Ông Hồ Tấn Phan đã nêu trích đoạn, được ghi chép ở hai thời kỳ khác nhau trong ĐNTL (bản in ở Nhật) có ghi việc thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi đối chiếu với bộ ĐNTL được in trên giấy dó dưới thời nhà Nguyễn thì hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, phần ĐNTL tiền biên (ghi chép thời các chúa Nguyễn), quyển 10, tờ 24B có chép: “Mùa thu tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu, nước Thanh.
Tổng đốc Thanh hậu cấp (lương thảo) cho rồi cho đưa về. Chúa đã sai viết thơ (cảm ơn)”. ĐNTL chép thêm: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là Vạn lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ 3 đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh, thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản” (bản dịch Viện Sử học xuất bản ở Hà Nội năm 1962).
Trong ĐNTL chính biên đệ nhị kỷ (quyển 136, tờ 24b, 24a, trang 3.827) in ở Nhật về chương Thánh tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) cũng có đoạn chép: “Tháng 1 mùa xuân năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836). Bộ Công tâu lên: “Cương giới mặt nước biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẽ bản đồ, mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái binh biền thủy quân và vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi... Vua y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, đem binh biền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ” (bản dịch của Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001).
B.N.L
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.