Tái hiện hùng khí Tây Sơn

11/02/2011 00:04 GMT+7

Lần đầu tiên, những cổ vật thời Tây Sơn đã được tập hợp, trưng bày nhằm giới thiệu với công chúng những vật chứng của một thời đại oanh liệt.

Phong trào và triều đại Tây Sơn tuy diễn ra trong giai đoạn ngắn ngủi: 32 năm (1771-1802) nhưng đã để lại dấu ấn vô cùng to lớn trong lịch sử dân tộc. Nhân kỷ niệm 240 năm khởi nghĩa Tây Sơn và 222 năm chiến thắng Đống Đa, cuộc triển lãm Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi đã khai mạc vào sáng ngày 10.2 (mùng 8 Tết Tân Mão), tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Nếu chúng ta biết rằng ngay sau khi vua Gia Long lên ngôi (1802) thì tất cả những “vật chứng” liên quan đến triều đại Tây Sơn đều bị tiêu hủy hoặc người sở hữu buộc phải tiêu hủy vì sợ liên lụy - thì những hiện vật thời Tây Sơn còn tồn tại cho đến bây giờ (được phát hiện từ trong lòng đất, dưới đáy sông và cả do sự can đảm lưu giữ của nhân dân) quả là những hiện vật hết sức quý hiếm.

Vũ khí của lực lượng Tây Sơn đa số được tìm thấy ở khu vực An Khê (nay thuộc tỉnh Gia Lai) so với vũ khí (gươm, kiếm...) của các đối thủ nước ngoài (quân Thanh, quân Xiêm) thì có vẻ kém tinh xảo hơn (chuôi gươm của họ được chạm trổ đẹp hơn). Tuy nhiên, chính vì thế người xem thấy được sự dũng cảm, kiên cường của quân đội Tây Sơn.

Hơn 400 hiện vật trong triển lãm lần này gồm nhiều chủng loại: gốm, đá, gỗ, giấy và nhiều nhất là đồ kim loại (đồng, sắt...). Số hiện vật quý này được quy tập từ 14 đơn vị và cá nhân trong cả nước. Về chất liệu gốm có gạch dùng để xây Phượng hoàng Trung Đô (từ Bảo tàng Nghệ An), ngói âm dương, gạch lát nền, đá ngọc chạm lộng tìm thấy ở thành Hoàng đế (từ Bảo tàng Bình Định). Nhắc tới Quang Trung - Nguyễn Huệ, không người Việt Nam nào quên được những chiến công vang dội của người anh hùng áo vải này, đặc biệt là hai chiến tích lẫy lừng đánh đuổi quân ngoại xâm đến từ phương Nam lẫn từ phương Bắc.

Ngày 18.1.1785, Nguyễn Huệ lập trận địa phục kích trên tuyến sông Rạch Gầm - Xoài Mút và chỉ đánh một trận đã khiến 20 vạn quân Xiêm tan tành. Vật chứng cho chiến công này là những chiếc chum, bát có xuất xứ từ Thái Lan (tức Xiêm La) vớt được từ đáy sông kèm theo cả thân thuyền, mỏ neo ở khu vực xảy ra trận địa (hiện vật của Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút và Bảo tàng Tiền Giang). Uy thế nhất là 2 khẩu thần công bằng đồng cùng những viên đạn đá vớt được ở cửa Thị Nại (Bình Định).

 
Đoản kiếm tìm thấy tại An Khê, Gia Lai  

Nhóm hiện vật bằng đồng bao gồm tiền đồng: Thái Đức thông bảo, Minh Đức thông bảo (Khu di tích Lăng miếu Núi Sam - An Giang), Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo (nhà sưu tập Lê Hoan Hưng), Cảnh Thịnh thông bảo, Cảnh Thịnh đại bảo, Bảo Hưng thông bảo (nhà sưu tập Trần Phú Sơn -Đồng Nai); đặc biệt là có khá nhiều con dấu (đồng) của các võ quan Tây Sơn: Trung Thủy chi Đại Đô đốc (1796), Phó đô ty hiệu Tân Thất vệ Trịnh Hùng (1797), Hộ quân sứ tước Vinh Hoa Hầu thuộc vệ Trung Tín thứ nhất phủ Tây Kỳ (1791), Vệ hiệu đô úy thuộc doanh Trung Thừa (1791)... trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Phẩm, ấn Tả Binh bộ thị lang (1797) của nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng (cả hai cùng ở TP.HCM). Vũ khí chất liệu đồng, sắt cũng chiếm số lượng đáng kể: ngoài súng thần công còn có súng lệnh, trường kiếm, đoản kiếm, giáo... Tiếc rằng, trong triển lãm này đã không có được cây súng Hỏa hổ (súng phun lửa) bí truyền của Tây Sơn đã khiến quân Thanh khiếp đảm.

Đặc biệt, các hậu duệ của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã lưu giữ được nhiều thư từ, sắc chiếu (chất liệu giấy) của vua Quang Trung và các thuộc cấp của ông gửi cho Nguyễn Thiếp.

Triển lãm diễn ra từ tháng 2 cho đến tháng 10.2011.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.