Susan Boyle: Chuyện đời tôi - Kỳ 2: Vụng về trong thế giới giải trí

04/11/2010 03:45 GMT+7

Khi SuBo (biệt danh của Susan Boyle) cất cao giọng hát bài I dreamed a dream (Tôi mơ một giấc mơ) trích từ vở nhạc kịch Những người khốn khổ, Ban giám khảo cuộc thi Britain’s Got Talent hoàn toàn sửng sốt.

Trở thành triệu phú

Giám khảo Piers Morgan (nhà báo) phải thốt lên: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là giọng ca gây ngạc nhiên nhất mà tôi từng nghe trong 3 năm qua. Khi cô ấy nói mình muốn trở thành ca sĩ như Elaine Paige, mọi người đều cười nhạo. Giờ thì không ai có quyền cười nữa rồi”. Còn giám khảo Amanda Holden (diễn viên) bày tỏ: “Tôi run lên vì biết chắc mọi người đang chống lại bạn bằng sự hoài nghi nhưng chính điều đó lại đánh thức sự chú ý”. Riêng Simon Cowell thì nói: “Susan, ngay từ phút giây đầu tiên khi bạn đang chậm rãi bước trên sân khấu, tôi nhận thấy một điều gì đó ở bạn rất khác thường. Và tôi đã đúng khi chọn bạn”.

“Tôi đăng ký tham gia chương trình phát hiện tài năng trên truyền hình. Tất cả những gì tôi muốn là được hát nên không thể và chẳng bao giờ hiểu được vì sao mình lại trở thành mục tiêu để công chúng lẫn giới truyền thông công kích. Tôi cảm thấy bị sỉ nhục khi nghe lời bình phẩm tồi tệ về mình. Và những lúc đó tôi không thể không khóc”  - Susan Boyle

Sau khi đoạt giải nhì của cuộc thi, Susan Boyle trở thành triệu phú. Năm 2009, bà phát hành album đầu I dreamed a dream, một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất nước Anh với hơn 3,5 triệu bản chỉ trong 3 tuần. Tính đến nay, album này đạt đến 9 triệu bản trên toàn thế giới. Nhiều lời đồn đại rằng Susan Boyle sẽ tậu biệt thự ở London nhưng bạn bè của SuBo đính chính ngay: “Chị ấy chưa hề có ý định đó. SuBo vẫn không có gì thay đổi so với ngày xưa, trừ mái tóc và trang điểm cho xinh hơn”.

Buổi phỏng vấn đầu tiên

Trong Chuyện đời tôi, Susan Boyle viết: “Tôi đã đi bộ hàng giờ, lang thang trong thành phố vào buổi sớm thứ hai, khi mà mọi người đổ xô đi làm, còn trẻ em thì nô nức đến trường. Mọi thứ chẳng làm tôi chú ý bởi phải tập trung suy nghĩ cho lần phỏng vấn đầu tiên trên truyền hình sau cuộc thi. Và rồi, tôi chợt thấy rất đông nhà báo đang đứng trước cửa nhà với hàng chục chiếc máy quay phim, máy ảnh chĩa thẳng vào tôi. Hàng xóm phải chạy đến bảo vệ tôi, bảo những nhà báo đừng tụ tập đông quá”. Rồi bà kể có nhiều paparazzi phải đánh nhau để giành lấy một chỗ đứng tốt dưới cửa sổ phòng bà để chụp ảnh. SuBo không thể vào nhà được.

Bà cũng thú nhận rằng không dám bước vô vì rất sợ gặp những nhà báo ngồi chờ sẵn ở phòng khách. “Với tôi, mọi thứ dường như hoàn toàn mất kiểm soát. Tôi cần được giúp đỡ!”, bà nhớ lại khi gọi điện cho nhà sản xuất chương trình. “Đó là do YouTube”, người này đáp lại Susan qua điện thoại. “YouTube là cái quái gì?”, SuBo hỏi gặng. “Mạng internet”, nhà sản xuất đáp. Rồi SuBo thừa nhận bà có nghe loáng thoáng về internet nhưng chưa bao giờ dùng. Susan lóng ngóng ngồi vào ghế trong sự hốt hoảng, lo sợ khi trả lời từng câu hỏi của phóng viên. “Ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm mà tôi sống từ tấm bé bỗng trở nên như chiếc lồng chim, chôn chặt tôi trong đó với tâm trạng như mình đang bị dính bẫy. Những chiếc ống kính dài ngoằng chĩa thẳng vào tôi hệt như những cây súng săn đang rình mồi”, bà nhớ lại.

Rồi Susan chợt nhận ra sức mạnh của truyền thông lẫn áp lực mà nó tạo ra với một phụ nữ trung niên đang sống lặng lẽ như bà. “Mọi người ví tôi như cô bé lọ lem, một bước chân đã lung linh tỏa sáng. Nhiều nhà báo tìm gặp chỉ để hỏi tôi về quá khứ, về cuộc đời, gia đình, bố mẹ, anh em và cả những chuyện tình”, SuBo nhắc lại trong quyển tự truyện. Bà nói quyển sách không thể khai thác những vụ tai tiếng (vì bà làm gì có tai tiếng). Điều mong ước - qua quyển tự truyện - là bà truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu âm nhạc, cũng như ý chí vượt qua bản thân, nghịch cảnh và mọi thứ trên đời từ vật chất đến danh vọng cũng không thể làm thay đổi một con người nếu được giáo dục tốt.

Áp lực của sự nổi tiếng

 Susan Boyle và giám khảo Piers Morgan - Ảnh: Susan Boyle

Bà cũng cám ơn những khán giả đã ủng hộ mình trong suốt cuộc thi. “Thư từ, bưu thiếp, hoa, quà tặng kèm những lời động viên, khen ngợi từ khắp phương trời tới tấp gửi đến nhà. Cám ơn Chúa đã giúp tôi”. Nhưng bà cũng công nhận có quá nhiều bài báo viết về bà không đúng sự thật. Chính điều này làm bà cảm nhận dần áp lực của sự nổi tiếng. Susan Boyle cũng xuất hiện trong chương trình truyền hình của Larry King ở Mỹ. SuBo không hề giấu diếm sự vụng về, thô kệch của mình khi bước vào thế giới giải trí.

Không lâu sau thành công tại Britain’s Got Talent, SuBo có người quản lý. “Bạn phải xác định rõ bạn là ai. Có thể không thay đổi nhiều nhưng bạn phải biết cách làm thế nào để mọi người phải ngoái nhìn”, người quản lý mở đầu cuộc trò chuyện với bà. Hát là chuyện quá dễ với SuBo nhưng làm sao thu hút khán giả với bà là việc vượt ngoài tầm kiểm soát. “Gia đình chẳng thay đổi cách suy nghĩ về tôi. Mọi người đều xem tôi như đứa trẻ. Tôi biết ai cũng muốn quan tâm, chăm sóc và giúp tôi tận dụng được khoảnh khắc chói sáng trong giới giải trí. Không ai trong chúng tôi biết bao giờ điều đó sẽ mất đi nên còn cơ hội bao nhiêu với giới truyền thông, họ đều muốn tôi tận dụng. Thật ra, đó chẳng phải là cách tôi muốn tiếp cận. Tôi chỉ biết đây là cơ hội của đời mình. Nhưng những gì tôi muốn rõ ràng đang tạo ra mối xung đột trong gia đình”, bà thổ lộ.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.