Sống mãi với nghề xưa: 4 đời làm mâm quả chưng

05/02/2015 06:32 GMT+7

Đã 93 tuổi nhưng ngày ngày ông Trần Văn Phúc (ngụ ấp Cái Sơn Lớn, xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) vẫn tản bộ khắp các nẻo đường tìm những thứ tưởng chừng bỏ đi như: cây khô, mo cau, ni lông vụn… mang về tạo thành những vật chưng rất đẹp, lạ.

Đã 93 tuổi nhưng ngày ngày ông Trần Văn Phúc (ngụ ấp Cái Sơn Lớn, xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) vẫn tản bộ khắp các nẻo đường tìm những thứ tưởng chừng bỏ đi như: cây khô, mo cau, ni lông vụn… mang về tạo thành những vật chưng rất đẹp, lạ.

Ông Trần Văn Phúc thực hiện tác phẩm Loan phụng hòa minh bằng hoa quả tươi - Ảnh: Thanh Đức
Ông Trần Văn Phúc thực hiện tác phẩm Loan phụng hòa minh bằng hoa quả tươi - Ảnh: Thanh Đức
Nâng giá trị những thứ bỏ đi
Vào những ngày gần tết này, gia đình ông Hai Phúc ai cũng tất bật thực hiện những đơn đặt hàng bộ chưng mâm ngũ quả bằng cây khô. Tuy có phần hơi lãng tai, nhưng đôi tay ông Hai Phúc vẫn thoăn thoắt, điệu nghệ làm mâm ngũ quả. Một gốc cây khô được ông Hai Phúc đục, đẽo thành hình ngọn núi. Sau đó, ông quấn những cọng rơm lại thành thân của những linh vật như long, lân, quy, phụng. Tiếp đến, ông tỉ mỉ gắn chi chít những hạt trái cám thành vảy rồng, cắt mo cau thành những hình bát giác gắn khít lại với nhau tạo thành thân con quy, rồi ghim những trái cây khô như cám, cò ke, muối, mận non, bông vẹt (sú, vẹt, đước), cây lưỡi cọp… vào thân cây tạo thành những khung cảnh có mây, nước để hình thành một bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp mắt. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi, trong chốc lát, dưới bàn tay của ông Hai Phúc đã trở thành một góc thiên nhiên thu nhỏ.
Những mâm ngũ quả làm bằng hoa quả tươi cũng được ông Hai Phúc đơm kết rất độc đáo: những trái ớt hiểm đỏ chót thành móng rồng, lá thiên tuế được ông kết thành hình đuôi rồng, trái muối đỏ như trái sơ ri xỏ kẽm xen kẽ với bông vẹt làm đuôi phụng; trái đậu bún làm miệng rồng, đậu bắp làm mặt phụng; vỏ trái cám, trái cóc kèn làm vảy rồng, trái mận làm mắt rồng… Theo ông Hai Phúc, mẫu tác phẩm cổ điển mà ông thường thực hiện là Tước Lộc Công Hầu, trên đĩa là gốc cây xếp hình non xanh nước biếc, có cây trúc và chim sẻ biểu thị chữ Tước; hình con nai (chữ Lộc), hình con công (chữ Công) và hình con khỉ biểu thị chữ Hầu. Cây cối và con vật có bố cục hài hòa, với ước mong làng quê có nhiều người được tước lộc triều đình phong tặng.
Ông Hai Phúc hào hứng cho biết: Chưng mâm Tứ linh nhằm thể hiện thời thái bình, thịnh trị, quốc thái dân an, mâm Loan phụng hòa minh thường sử dụng cho đám cưới, trong đó con rồng (loan) quấn quít bên con phụng hòa tiếng hót chỉ tình yêu thủy chung; Lý ngư vượt vũ môn (cá hóa rồng) dùng trong lễ mừng thi đậu, tân gia; ngày xuân gia đình đoàn tụ có người chơi đĩa chưng Long hổ hội…
Giữ gìn nghệ thuật truyền thống
Ông Hai Phúc kể, lúc nhỏ ông theo cha là ông Trần Văn Khánh làm nghề tạo hình mâm quả chưng (còn gọi là chưng nghi), đến nay cũng đã hơn 70 năm. Đến nhà ông mùa này thấy ai cũng tất bật, công việc như làm mãi không hết. Người con út của ông thứ mười hai tên Trần Văn Hai (51 tuổi) đang luôn tay chưng mâm ngũ quả đồ tươi, cạnh đó người con thứ tên Trần Văn Khoe (63 tuổi) cũng chung công việc. Hiện ông Hai Phúc đã có cháu nội theo nghề.
Nghề chưng nghi của ông Hai Phúc gồm có kiểng khô, mâm chưng theo chủ đề. Chưng bằng cây khô tuy không sinh động nhưng có thể sử dụng 2 - 5 năm. Loại thứ hai là kiểng tươi, nguyên liệu dùng từ rau củ, hoa cỏ, trái còn tươi ở địa phương. Hai loại này có giá trung bình 1,2 triệu đồng mỗi đĩa. Hiện nay người ta thích chưng chủ đề xưa như Loan phụng hòa minh, Long hổ hội... nhưng bằng trái cây ngon như nho, thanh long, táo, xá lỵ cùng hoa tươi… ở những tiệc cưới sang trọng, mỗi đĩa chưng có giá từ 5 - 10 triệu đồng.
Thời gian bận rộn nhất của gia đình ông Hai Phúc thường là mùa cưới và Tết Nguyên đán. Ngoài Vĩnh Long, ông Hai Phúc còn nhận làm theo đơn đặt hàng của khách ở các vùng lân cận như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh… Ngoài hai thời điểm này, 2 mùa lễ hội hạ điền (tháng 3 âm lịch) và thượng điền (tháng 11 âm lịch) gia đình ông cũng tất bật không kém. Nghề gia truyền này đã tạo việc làm cho gia đình ông quanh năm, tuy không giàu có nhưng sống được. Cái quý nhất chính là gia đình ông đang giữ gìn bộ môn nghệ thuật chưng mâm quả dân gian Nam bộ.
Ông Trần Văn Phúc đã được tặng Kỷ niệm chương vì sự phát triển sinh vật cảnh của Hội Sinh vật cảnh VN năm 2013. Tác phẩm Ông Thuấn cầm cày được giải khuyến khích hội thi tạo hình bằng trái cây tại Khu du lịch Trường An (TP.Vĩnh Long) năm 2004. Ông cũng được giấy khen của UBND H.Long Hồ vì đã đoạt giải nhất bộ môn nghệ thuật tạo hình bằng trái cây tại cuộc thi năm 2011.
Ông Hai Phúc đang được Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long đề nghị nhà nướcphong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Tết này, gia đình ông Hai Phúc vui hơn khi có thêm nhiều người đến đặt hàng mâm chưng, cho thấy loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ngày càng được mọi người quan tâm, quý trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.