Sống lại nghề xưa - Người mang thổ cẩm đi Tây

28/06/2013 03:40 GMT+7

Nói nhiều cười nhiều, người phụ nữ dân tộc Mông Vàng Thị Mai khiến ai lần đầu tiếp xúc cũng phải ngưỡng mộ bởi sự hiểu biết, thân thiện. Chị đã tạo dựng nên tên tuổi thổ cẩm của dân tộc mình ở cả trời Tây.

Phổ cập nghề dệt lanh

Chị Vàng Thị Mai kể về làng dệt lanh truyền thống bằng một tình cảm dạt dào, đầy tự hào, thực sự lôi cuốn người nghe. Với trang phục truyền thống của dân tộc Mông, dáng vẻ chân chất của phụ nữ vùng cao, chị Mai đưa người nghe về với ký ức của nghề dệt lanh, từ những dãy núi trùng điệp quê chị, nơi bản làng người Mông ở xã Lùng Tám (H.Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đang sinh sống.

 Sống lại nghề xưa - Người mang thổ cẩm đi Tây
Nghệ nhân Vàng Thị Mai nhịp nhàng bên khung cửi - Ảnh: T.K

“Phụ nữ Mông quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng đôi bàn tay vẫn khéo lắm. Những tấm thổ cẩm với 41 công đoạn được họ dệt nên là cả một bức tranh núi rừng Tây Bắc kỳ vĩ. Quê tôi gọi những tấm thổ cẩm ấy là lanh bởi nó được dệt từ cây lanh. Lanh ngày xưa chỉ dùng để mặc nhưng giờ là kế sinh nhai của quê tôi. Ngày càng nhiều người biết đến quê tôi, kể cả những người bên Tây”, chị Mai nói.

Lanh Lùng Tám giờ đây đã đi khắp nơi, xuống Hà Nội, vào Sài Gòn, qua cả bên Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Thụy Sĩ… Mỗi tháng, ngoài những giờ lên nương lên rẫy, phụ nữ Mông cũng kiếm được gần hai triệu nhờ dệt lanh bán. Ngôi làng trở nên vui hơn trong tiếng đẩy đưa của khung cửi.

 

Năm 2009, chị Mai được Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tuyên dương, tặng bằng khen vì đã giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn bán người qua biên giới hội nhập, ổn định cuộc sống. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự tận tụy của chị giúp nhiều những phụ nữ trở về bản làng có công ăn việc làm ổn định là nghề dệt. Năm 2010 và 2012, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bầu chọn là Gương phụ nữ năng động, sáng tạo. Năm 2011, chị đại diện phụ nữ Việt Nam tham dự Đại hội phụ nữ năng động, sáng tạo toàn cầu tại Pháp.

“Tôi được cô Mai dạy học dệt. Cô Mai là một thợ dệt nổi tiếng của bản. Cô khéo tay lắm. Cô thiết kế rất nhiều mẫu để chúng tôi dệt và thêu theo. Từ ngày mở xưởng, cô liên tục mở các lớp dạy dệt cho phụ nữ trong bản. Mỗi lớp có 30 người, già trẻ lớn bé gì cũng có. Ai giỏi mới được vào xưởng làm chính thức, chưa đạt thì học lại”, chị Sùng Thị Mai, 21 tuổi, người bản Lùng Tám, cho biết.

Vừa chỉ cho Sùng Thị Mai những mẫu mới, chị Vàng Thị Mai vừa kể về ngày xưa, cái ngày cách đây gần 15 năm. Khi đó, bản làng chị còn nghèo lắm, cái ăn còn thiếu thốn trăm bề, phụ nữ chỉ biết lên rẫy và sinh đẻ. Là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lùng Tám, chị Mai cứ trăn trở làm sao để chị em có cái nghề kiếm sống. Năm 1999, chị vận động chị em trong xã tham gia xưởng dệt lanh. Ban đầu, xưởng chỉ có 10 người tham gia. Năm 2001, Hợp tác xã Hợp Tiến ra đời.

“Ngày đó, tôi phải đến từng nhà thuyết phục chị em. Một số ông chồng còn xua đuổi tôi vì cho rằng lôi kéo vợ họ. Chị em người biết dệt, người không. Giờ đây, chị em trong thôn bản ai cũng dệt, đã có trên trăm thợ dệt lành nghề. Trong đó, có 25 người từng là nạn nhân của nạn buôn bán người sang Trung Quốc. Họ trở về không có công ăn việc làm. Tôi dạy họ từng đường kim mũi chỉ, giờ họ thành thạo lắm rồi. Mấy đứa nhỏ mới lớn lên cũng tập tành dệt”, chị Mai kể. 

Vác cửi chinh phục thị trường nước ngoài

Lùng Tám thuộc vùng địa đầu Tổ quốc, nằm trong các dãy núi cao, muốn sản phẩm của địa phương đến với mọi người không dễ. Những ngày đầu, sau khi thành lập xưởng, nhân công đã có, sản phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều, nhưng phải chất thành đống vì không tiêu thụ được. Chị Mai một mình xuống núi, đem sản phẩm về Hà Nội tham gia nhiều hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Với bộ trang phục người Mông, chị lang thang khắp các cửa hàng lưu niệm, hàng thủ công… tìm hiểu thị trường và chào hàng. Chị nhận ra rằng phải thay đổi.

“Tôi quyết định đa dạng sản phẩm, nhắm vào những mặt hàng lưu niệm như khăn, ví, túi xách, váy, quần áo và một số vật dụng như khăn trải bản, khăn dùng, tấm lót chén... Chất lượng cũng phải nâng lên. Sản phẩm cần tinh tế và độc đáo hơn. Hiện nay chúng tôi đã có trên 30 mẫu mã khác nhau, màu sắc cũng rất phong phú”, chị Mai nói.

Năm 2006 - 2007, chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ đã hỗ trợ các chị một phần kinh phí, đưa kỹ thuật nhuộm màu, tìm các nguồn đặt hàng. Năm 2008, chị được Đại sứ quán Pháp mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Vẫn khung cửi ấy, chị trình diễn cho mọi người xem tinh hoa lanh Lùng Tám với tham vọng chinh phục thị trường nước ngoài. Từ đó, chị liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các bảo tàng, đại sứ quán, nhà hàng khách sạn lớn ở Ý, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ…

Nhằm nghiên cứu, phát triển thị trường và có nhiều sản phẩm chất lượng, năm 2009, Hợp tác xã Hợp Tiến ký kết với tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp Association Batik International mở lớp hướng dẫn nâng cao tay nghề may, dệt thổ cẩm.

Gần 15 năm lao động và sáng tạo, lanh Lùng Tám không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Đơn đặt hàng ổn định thường xuyên, đời sống bản làng nói chung và phụ nữ Mông ở Lùng Tám nói riêng đang khởi sắc từng ngày. Năm 2011, sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám nhận cúp vàng hàng thủ công mỹ nghệ các nước được tổ chức tại Malaysia. Gần đây nhất, tại Festival Làng nghề truyền thống Huế 2013, chị cùng nhiều học trò của mình đã trình diễn dệt lanh trên đất cố đô.

Tuyết Khoa

>> Phát triển sản phẩm thổ cẩm
>> Sa sút nghề thổ cẩm
>> Sức sống làng dệt thổ cẩm Srây Skốth
>> Tây học dệt thổ cẩm, đan gùi
>> Hoang tàn nhà trưng bày thổ cẩm

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.