Số phận chìm nổi của các bức họa VN nổi tiếng - Kỳ 5: Những bức tranh có “lửa”

26/08/2011 00:00 GMT+7

Sau năm 1945, hội họa VN chuyển tiếp từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương sang thời kỳ Cách mạng và kháng chiến, tiếp tục những bước phát triển rực rỡ. Nhiều tác phẩm ra đời trong mưa bom lửa đạn, gắn liền với những thời khắc lịch sử quan trọng. Nay có bức còn, bức mất, nhưng đó luôn là những tác phẩm sống mãi với thời gian.

>> Kỳ 4: Đằng sau những bức chân dung

Hai bức tranh, hai số phận

Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1905-1954) nổi tiếng với những bức sơn dầu vẽ thiếu nữ: Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen, Buổi trưa... Chàng họa sĩ trẻ luôn mê mải với hình ảnh những người con gái Hà thành đài các, lả lướt. Nhưng kể từ sau Cách mạng tháng Tám và trong phong trào đấu tranh kháng chiến chống Pháp, Tô Ngọc Vân đi sâu vào sáng tác chủ đề hình tượng người chiến sĩ cách mạng, cổ động tinh thần cách mạng và lòng yêu nước.

 
Hình chụp lại tác phẩm Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ của Tô Ngọc Vân

Không chỉ riêng Tô Ngọc Vân, kể từ năm 1945 khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, giới mỹ thuật VN bắt đầu thức tỉnh ý thức dân tộc, chính trị. Năm đó, một phong trào nghệ thuật ủng hộ Việt Minh đã diễn ra bột phát, nhưng đầy sôi nổi tại Hà Nội. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tổ chức vào tháng 8.1946 tại Nhà hát Lớn cho thấy những thay đổi lớn trong chủ đề, phong cách sáng tác của các họa sĩ yêu nước, thể hiện rõ trên từng tác phẩm của triển lãm.

Tô Ngọc Vân đã gây ngạc nhiên cho giới mỹ thuật khi không mang đến những thiếu nữ Hà thành quen thuộc mà thay vào đó là xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng. Có thể nói bức tranh Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ của ông là thành công, điểm nhấn hình ảnh người chiến sĩ.

Trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau vào năm 1946, nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim tới Bắc Bộ phủ gặp Người. Trong lần đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã thể hiện thành công hình tượng Bác. Trong tranh, Bác mặc bộ quần áo ka-ki giản dị, khuôn mặt chăm chú suy nghĩ, chân đi đôi giày vải được các cô gái dân tộc khâu tặng. Bức tranh được vẽ theo lối cổ điển với những điểm nhấn đậm, nhạt về màu sắc, làm hình ảnh Bác Hồ bừng sáng giữa trung tâm. Người xem tranh có thể cảm nhận rõ phong thái, nhân cách lớn của một vị chủ tịch nước.

Đáng tiếc là chiến tranh đã làm chúng ta mất đi tác phẩm hội họa quý giá này. Có thể, bức tranh sơn dầu này đã bị thất lạc khi thực dân Pháp mở chiến dịch mang tên Léa nhảy dù xuống Bắc Kạn năm 1947. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể ngắm tranh qua những tấm hình chụp lại mà thôi.

So với bức Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ của Tô Ngọc Vân, số phận của bức tranh bột màu Du kích tập bắn của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977) - vị giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật VN may mắn hơn.

Sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội khóa đầu tiên 1946, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - khi ấy là đại biểu QH tỉnh Hà Đông, đã vội đuổi theo đoàn quân Nam tiến. Khi ông đến khu 5 thì quân địch từ Sài Gòn đánh ra, chia cắt đường đi. Nguyễn Đỗ Cung được đề nghị ở lại khu 5 làm việc và trở thành Chủ tịch Hội Văn nghệ kháng chiến.


Bức Du kích tập bắn của Nguyễn Đỗ Cung

Rất nhiều tác phẩm ghi lại hình ảnh quân, dân chiến đấu, sản xuất, lao động trong những tháng năm lịch sử oai hùng được Nguyễn Đỗ Cung cho ra đời. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo - con trai họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, kể: “Khi từ khu 5 trở về Hà Nội vào năm 1949, ông đã làm ba chiếc ống tôn, cho tranh vào đó gửi ra qua bưu điện. Đáng tiếc là hai chiếc ống tôn đã bị thất lạc, chỉ còn lại duy nhất một chiếc ống”. Trong chiếc ống đó có tác phẩm bột màu nổi tiếng Du kích tập bắn, hay còn có tên khác là Du kích La Hai, vẽ năm 1947. Tác phẩm như một nhân chứng lịch sử, ghi lại chân thực không khí tập quân sự hăng hái của du kích địa phương thời kỳ ấy, xung quanh những ngôi nhà hoang vắng vì người dân đi sơ tán. Bức tranh hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.

Bức tranh hoàn thành sau 20 năm

Đó là bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) - bậc thầy của tranh sơn mài VN (người xưa đã phong: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn). 

 Bức tranh sơn mài có kích thước lớn, gồm nhiều tấm ghép lại, được Nguyễn Gia Trí vẽ từ năm 1969, đến năm 1989 thì hoàn thành. Điều đặc biệt là sau 6 năm kể từ khi họa sĩ Nguyễn Gia Trí bắt đầu thực hiện bức tranh, năm 1975, đất nước ta đã được thống nhất, Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà. Tác phẩm - được cho là một trong những tác phẩm sơn mài xuất sắc nhất của mỹ thuật VN, vẽ hình ảnh thiếu nữ 3 miền đang múa hát, vui chơi, với màu sắc, tươi vui, rộn rã giống như điềm dự báo trước về tương lai tốt đẹp: đất nước được giải phóng, giành độc lập, tự do.

Vào những năm 1990, sau khi bức tranh được hoàn thành, UBND TP.HCM đã mua lại với số tiền 600 triệu đồng. Giá tiền này đã làm nhiều người lúc đó choáng váng bởi từ trước đến nay chưa có họa sĩ VN nào được trả giá tranh cao như vậy. Đây là mức giá kỷ lục tính đến thời điểm bấy giờ.

Những tác phẩm hội họa ra đời trong những năm tháng đất nước chia cắt, chiến đấu như có “lửa” trong tranh, là minh chứng cho những câu chuyện của hy sinh, mất mát và niềm tin chiến thắng. Đó là những tác phẩm hội họa vô giá trong lòng công chúng và của lịch sử.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.