Sẽ khó tìm được sự thấu hiểu nếu chỉ biết đến bi kịch của mình!

22/04/2011 00:04 GMT+7

Vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau một chuyến bay dài qua nửa vòng trái đất vào trưa hôm qua, cựu trung tá Thủy quân Lục chiến James G.Zumwalt đã dành cho Thanh Niên những chia sẻ liên quan tới cuốn sách vừa xuất bản.

Thưa ông, vào năm 1994, điều gì đã khiến ông quyết định trở lại Việt Nam?

Lúc đó cha tôi - đô đốc Elmo R. Zumwalt Jr. - đang thực hiện chương trình nghiên cứu tác hại của chất độc da cam lên các cựu quân nhân Mỹ. Ông trở lại Việt Nam, muốn cùng Nhà nước Việt Nam mở một cuộc nghiên cứu về chất độc này. Cha tôi đã gợi ý cho tôi đi theo. Đầu tiên, tôi nói: Không, con không muốn trở lại nơi ấy! Nhưng cha tôi đã thuyết phục tôi. Ông nói: Con nên đến đó. Sẽ là rất tốt nếu con có một cơ hội trực tiếp tìm hiểu người ở phía bên kia chiến tuyến. Khi cha tôi thuyết phục, thì tôi phải nghe theo thôi, vì ông ấy rất thông thái.

 
Thượng tướng Phan Trung Kiên và tác giả James Zumwalt - Ảnh: D.Đ.Minh

Giữa lúc lòng vẫn chưa nguôi thù hận, như ông thẳng thắn thừa nhận trong Chân trần, chí thép, thì làm sao ông có thể trò chuyện với những người ở phía bên kia được?

Lần đầu tiên gặp các cựu quân nhân Việt Nam, nói thật là tôi rất giận dữ. Tôi từng đối mặt với họ trên chiến trường, và trong tôi, hình ảnh họ luôn là những kẻ thù tàn bạo. Thế rồi mọi chuyện đã thay đổi. Qua cuộc gặp với bác sĩ Lê Cao Đài và bác sĩ Nguyễn Huy Phan, tôi thấy rằng, họ cũng có những bi kịch như tôi. Chiến tranh đã gieo đau khổ lên cả hai phía. Tôi nhận thấy rằng, nỗi đau mất người anh trai vì ung thư (do phơi nhiễm chất độc da cam) của tôi cũng tương tự như nỗi đau mất người em trai vì chiến tranh của ông Phan. Đối với bi kịch của tôi, dù sao tôi cũng được ở cạnh anh mình khi anh ấy qua đời, biết được anh ấy đã ra đi trong bình yên. Còn ông Phan phải mất tới 17 năm mới tìm được hài cốt người em trai tử trận.

Thoạt tiên ông nói “không” với Việt Nam, thế rồi ông đã trở lại đây và đã thay đổi suy nghĩ. Bây giờ, nếu có một cựu chiến binh người Mỹ nói “không”, thì ông sẽ thuyết phục...?

Một điều mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận, đó là mỗi bên tham gia chiến tranh đều có những lý lẽ cũng như bi kịch của mình. Nếu như chúng ta chỉ biết đến bi kịch của phía mình thì thật khó mà tìm được một sự thấu hiểu đối với những người ở phía bên kia, thật khó mà thoát khỏi những ám ảnh thù hận. Tôi muốn rằng các cựu chiến binh Mỹ có cơ hội đến Việt Nam, để được chứng kiến, nói chuyện trực tiếp với những con người nơi đây, từ đó có thể thấu hiểu được họ. Hàn gắn và hòa giải sẽ là bước tiếp theo.

Khi viết cuốn sách này, ông dự đoán thế nào về phản ứng của các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam?

Tôi biết rằng một khi xuất bản, sách có thể gây tranh cãi. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc bị chỉ trích. Nhưng tôi cũng tin rằng, cuốn sách, với thông điệp hàn gắn và hòa giải của nó, sẽ thuyết phục được những người có thiện chí. Và thực tế đã cho thấy điều đó. Nhiều cựu chiến binh đã đọc và đã phản ứng rất tích cực.

Trong cuốn sách, ông nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt. Ông đánh giá sự phát triển của quan hệ đó như thế nào?

Hiện nay, tôi nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh, tôi thường xuyên viết bài phân tích về đối ngoại cho các tờ báo Mỹ. Từ góc nhìn của mình, tôi thấy rằng Mỹ và Việt Nam có những mối quan tâm chung, những lợi ích chung, những lo ngại chung. Chúng ta đã bỏ quá nhiều cơ hội hợp tác trong quá khứ, và sau khi bình thường hóa, quan hệ đang dần tiến những bước vững chắc. Tôi tin rằng mối quan hệ này sẽ phát triển hơn nữa.

Vào lúc 17 giờ ngày 21.4, cuộc họp báo ra mắt cuốn Chân trần, chí thép đã diễn ra tại khách sạn Majestic Saigon (quận 1, TP.HCM). Tác giả James G.Zumwalt đã nhắc lại lời của nhân vật Mark Antony trong vở kịch Julius Ceasar của William Shakespeare: “Khi tới dự đám tang của Ceasar, Mark Antony đã nói: “Tôi đến đây để chôn Ceasar, không phải để tôn vinh ông ấy”. Giờ đây tôi muốn lặp lại ý đó, rằng “tôi đến đây để chôn vùi cuộc chiến tranh của quá khứ, không phải để ngợi ca nó”. Ông đã nhắc lại bi kịch gia đình của mình, và những sai lầm trong cuộc chiến ấy cũng như bày tỏ niềm xúc động và khâm phục của ông khi thấu hiểu được người Việt Nam, những người từng ở bên kia chiến tuyến.

 
Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc - Ảnh: D.Đ.Minh 

Thượng tướng Phan Trung Kiên -  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người viết lời giới thiệu cuốn sách - đã đánh giá cao sự trung thực, dũng cảm của tác giả Zumwalt. “Tôi khâm phục sự trung thực và dũng cảm của tác giả khi bộc lộ cái nhìn khác biệt với quan điểm thù hận thời tuổi trẻ của ông”. Thiếu tướng Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội Biển TP.HCM -  cũng bày tỏ: “Tôi sẽ đọc cuốn sách này kỹ và sẽ trao đổi với tác giả thêm. Ở đây tôi muốn nói với tác giả rằng, người Việt Nam không bao giờ thù lâu. Chúng tôi luôn chiến đấu đến cùng vì độc lập dân tộc, nhưng sẵn sàng quên đi thù hận để hướng tới tương lai.”

Tại buổi giao lưu và họp báo, tác giả Zumwalt đã dành tặng 1.000 USD (tiền bản quyền sách) cho các nạn nhân chất độc da cam. Công ty First News - đơn vị ấn hành cuốn sách - tặng 20 triệu đồng cho thương binh Lê Thanh Cần ở ấp Ba Sa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM. Bộ tư lệnh TP.HCM mua 50.000.000 đồng tiền sách tặng cán bộ, chiến sĩ.

Đỗ Hùng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.