Sau các show diễn, nhà thiết kế chỉ như thợ may đo

18/04/2015 19:42 GMT+7

(TNO) Cho rằng Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa, sau các show diễn thời trang, nhà thiết kế chỉ như một thợ may đo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thời trang bày tỏ sự lo ngại cho ngành công nghiệp sáng tạo đang bị bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

(TNO) Cho rằng Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa, sau các show diễn thời trang, nhà thiết kế (NTK) chỉ như một thợ may đo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thời trang bày tỏ sự lo ngại cho ngành công nghiệp sáng tạo đang bị bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

eo-uot-cong-nghiep-thoi-trang-Viet-NamViệt Nam có nhiều nhà thiết kế tài năng, tuy nhiên vẫn chưa có một ngành công nghiệp thời trang thật sự - Ảnh: Cẩm Giang
Sáng nay 18.4, Hội nghị Quốc tế công nghiệp thời trang, Định hướng xây dựng và phát triển diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Sở Công thương Hà Nội. 
Đánh giá về thực trạng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam, Hà Linh Thư, chủ thương hiệu thời trang Pearl Hà thẳng thắn: “Thời trang Việt Nam có những bước tiến rất lớn trong thời gian qua. Chúng ta hội nhập và nắm bắt xu hướng rất nhanh và tốt, nhưng để nói về ngành công nghiệp thời trang thì tôi nghĩ rằng chúng ta chưa có. Khi các công ty may mặc chỉ là những nhà gia công bán buôn, và các nhà làm thời trang vô cùng nhỏ lẻ”.
NTK Kelly Bùi, chủ thương thiệu thời trang Kelly Bùi nhìn nhận: Ở Việt Nam, những thương hiệu thời trang có phong cách riêng, tạo được chỗ đứng trong thị trường thời trang nội địa vẫn còn khá ít, chưa nói đến thị trường quốc tế.
eo-uot-cong-nghiep-thoi-trang-Viet-NamHội nghị Quốc tế công nghiệp thời trang diễn ra sáng nay thu hút nhiều nhà thiết kế thời trang tên tuổi tham gia - Ảnh: Cẩm Giang
Bà Đặng Thị Hương Lan, Quản lý dự án Kinh tế sáng tạo, Hội đồng Anh dẫn ra thực tế ở nước Anh, công nghiệp thời trang đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế 31 tỉ USD hằng năm. Nếu tính cả các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ, chi tiêu tiền lương trong ngành này, công nghiệp thời trang đóng góp những 73 tỉ USD một năm cho xứ sở sương mù. Riêng Tuần lễ thời trang London đã kéo lượng khách khổng lồ khắp các quốc gia đến tham dự, mua sắm.
Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, không thể phủ nhận các hãng may mặc đang chủ yếu gia công rồi xuất khẩu, những thương hiệu thời trang có dấu ấn riêng, bán được sản phẩm thiết kế lại quá ít và mỏng manh.
NTK như nhà may đo sau các show diễn thời trang
Bà Đỗ Nguyệt Hà, Giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp đưa ra một so sánh sinh động: Sau nhiều show thời trang tại Việt Nam, các mẫu thiết kế được bán hết rất nhanh, có khi báo chí không kịp chụp lại. NTK chỉ giống hệt như những nhà may đo, trực tiếp bán cho một vài người rồi thôi. Trong khi đó, tại Tuần lễ thời trang Milan, Ý mới đây, sau show diễn, hàng loạt công ty phân phối thời trang đã tới đặt hàng các NTK với số lượng rất lớn những mẫu mới nhất.

cong-nghiep-thoi-trang-viet-namBộ thiết kế của NTK Kelly Bùi gây ấn tượng với những người làm chuyên môn - Ảnh: Cẩm Giang
Liên quan đến sản phẩm thời trang sau các show diễn, NTK Kelly Bùi đồng tình với quan điểm, tại Việt Nam đang tồn tại những bất cập giữa thời trang trên sàn diễn và thời trang cung cấp ra thị trường. Trong khi tại nước ngoài, để một mẫu mới từ trên sàn diễn tới người tiêu dùng, các khâu xử lý rất nhanh chóng, thì ở Việt Nam, có khi đến tay người mặc, thời tiết đã sang mùa khác, hoặc hóa thành… lỗi mode.
Bà Đỗ Nguyệt Hà không phủ nhận thực tế đáng buồn, đó là người ta vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của các show diễn thời trang. Mọi người luôn chỉ coi đó là hoạt động giải trí mà không nghĩ rằng đây là dịp kinh doanh béo bở khi có thể thăm dò khách hàng, quảng bá thương hiệu, thu về những đơn hàng lớn.
Dạy thiết kế thời trang không chỉ dạy vẽ
Trong hội thảo sáng nay, các chuyên gia thời trang cho rằng cần phải xem lại cách đào tạo ngành thiết kế thời trang tại các cơ sở đào tạo trong nước.
Bà Nguyễn Thị Sao Kim, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Fadin cho rằng các NTK thời trang muốn thành công, không phải chỉ biết vẽ trên giấy, mà còn phải may được sản phẩm, bán được sản phẩm đó cho công chúng. Như vậy là ngoài được dạy vẽ, các học viên của chuyên ngành thiết kế thời trang phải được đào tạo cả về tìm hiểu thị hiếu khách hàng, xu hướng thời trang, kỹ năng marketing…
show-thoi-trang-Viet-NamHoàng Thùy Linh trên sàn diễn của Đẹp Fashion Runway 2014. Có một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam, các show thời trang chưa được coi là một cơ hội kinh doanh béo bở - Ảnh: Cẩm Giang
Ông Riccardo Bianco Lavrin, chủ thương hiệu Bianco Lavrin minh họa cụ thể hơn: “Để bán được sản phẩm chúng ta thiết kế, chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng các chữ P: con người (people), giá cả (price), địa điểm (place), khuyến mại (promotion)…”.
“Tôi luôn mong muốn có sự kết nối giữa các trường đào tạo thiết kế thời trang với các doanh nghiệp thời trang để sinh viên có môi trường rèn luyện, học hỏi, không còn hiện tượng "chảy máu chất xám" ở lĩnh vực này. Thực tế có nhiều người có tài năng nhưng không biết phát triển ở đâu”, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang Fadin bày tỏ.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn truyền thông Lê - đơn vị được biết đến với hàng loạt sự kiện thời trang như Đẹp Fashion Show, Đẹp Fashion Runway… - đề xuất thời gian tới nên có nhiều hơn những sân chơi thời trang, các câu lạc bộ, nhóm sáng tạo, tạo môi trường học hỏi giữa những người làm trong ngành này. Điều này góp phần không hề nhỏ trong chiến lược phát triển công nghiệp thời trang Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.