Sân khấu vào mùa tết

04/01/2012 00:53 GMT+7

Năm nay không có tháng nhuần nên các sân khấu phải cấp tập dàn dựng vở tết. Xem ra cũng là một mùa tết khá xôm tụ với rất nhiều vở không thua năm trước.

Năm nay không có tháng nhuần nên các sân khấu phải cấp tập dàn dựng vở tết. Xem ra cũng là một mùa tết khá xôm tụ với rất nhiều vở không thua năm trước.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) đã ra mắt Tốt xấu giả thật rất duyên dáng. Một vở hài đúng nghĩa, nhưng kết cuộc lại là phút lắng đọng cảm xúc đến rơi nước mắt. Tài năng của NSƯT Việt Anh và Mỹ Uyên quả là không thể phủ nhận. Trong vai hai kẻ nghèo khổ gặp nhau, một là chủ nhà, một là ăn trộm, tưởng đã đối kháng, không ngờ lại kết nối trái tim một cách mầu nhiệm. Thật ra “phép lạ” ấy không bắt nguồn từ những thí nghiệm khoa học với những viên thuốc thần kỳ của ông giáo sư Đại Khùng, mà chỉ từ lòng tốt chân thật của con người cảm hóa lẫn nhau. Đời quá nhiều cái xấu, cái ác, chợt sáng lên một niềm tin và những nụ cười... Đảo thiên đường cũng lấy lại niềm tin cho những người phụ nữ vốn căm hận đàn ông, định đi tìm một “thiên đường” khác chỉ toàn phụ nữ. Nhưng cuộc sống đã đặt ra những bài toán mà phải đủ cả hai giới mới giải đáp được. Bài toán của sự nương tựa lẫn nhau, bài toán của hạnh phúc. Đôi khi có những sai lầm, va vấp, nhưng không vì thế mà phủ nhận tất cả đàn ông trên đời. Vở hài hước nhẹ nhàng, ắt các bà các chị xem xong sẽ “ngẫm nghĩ” lại!

 
NSƯT Thành Lộc (vai ông Tư đờn kìm), Đại Nghĩa (vai ông Sáu), Phi Phụng (vai bà Tám) trong vở Tía ơi má dzìa - Ảnh: H.K

Sân khấu kịch IDECAF dựng 4 vở để chia sẻ cho số 7 Trần Cao Vân. Hai vở cũ ăn khách được dựng lại là Kha Líp và Tôi là ai? Còn Tía ơi, má dzìa đã bán vé lai rai, khán giả mê quá bởi rất ngọt ngào không gian Nam bộ và đặc biệt tiếng đàn kìm cùng giọng ca của NSƯT Thành Lộc. Điệu Lý son sắt nồng nàn trải giùm tâm sự của ông Tư suốt 10 năm mỏi mòn chờ đợi người vợ đã đi xa. Ông không tin vợ mình đã chết như lời đồn đại, mà cứ âm thầm với cây đàn không ngừng nuôi hy vọng. Thành Lộc lại có một vai hay, sâu sắc nội tâm, không cần tung tăng mảng miếng. Anh dẫn người xem vào những khắc khoải, dỗi hờn, thương yêu, mòn mỏi... để rồi từ tiếng cười bật ra tiếng khóc lúc nào không hay!

Sân khấu kịch Phú Nhuận (TP.HCM) dựng 4 vở, trong đó Con nhà nghèo và Bỉ vỏ hoàn toàn bi kịch, nhưng “dũng cảm” xếp lịch mùa tết xem ra rất tự tin. Hai vở chuyển thể từ văn học, nhưng rất ngọt ngào, cảm động. Đặc biệt Con nhà nghèo chỉn chu hơn cả và sự có mặt của NSƯT Hồng Vân trong vai cô Bưởi càng làm đậm đà nỗi đau lẫn sự chua chát. Hóa ra người nghèo hay người giàu đều có nỗi khổ riêng. Thương cho hai chị em cô Lựu bị địa chủ đàn áp, bức hại, nhưng cũng thương cho cô Bưởi, vợ của cậu ấm Hai Nghĩa, phận đàn bà thời phong kiến bị giam cầm trong bổn phận sinh con nối dõi tông đường, bị chồng lạnh nhạt mà không dám rời bỏ. Toàn cảnh là một bức tranh xưa với mái tranh rách nát, con người quần áo tả tơi, thấp cổ bé miệng trước thế lực chính quyền và địa chủ... đáng cho các em học sinh học ngoại khóa một cách sinh động, hấp dẫn.

Chuyện của sao thật táo bạo khi dám vén bức màn bí mật sau hậu trường sân khấu. Những ông bầu, những nghệ sĩ, lung linh rực rỡ như thế, nhưng thoắt một cái đã là những kẻ thủ đoạn, tranh giành tình yêu, vai diễn... Hào quang nghệ thuật có khi là ngọn lửa đốt cháy nhân phẩm con người. Lại thêm một vở ma nữa ra đời là Ma sói, nhưng thực ra đang đặt câu hỏi người và sói ai đáng sợ hơn? Ai có chất sói trong người?

Sân khấu Hoàng Thái Thanh có 2 vở tết. Màu của tình yêu tiếp theo Thử yêu lần nữa là câu chuyện hận tình của ông Hồng Phấn. Khi trái tim ông đã nguôi ngoai và tìm được hạnh phúc bên cô giáo Bích Hồng thì người vợ cũ quay về. Trái tim người ta lại bị thử thách, giằng co giữa chữ tình chữ nghĩa. Nhưng kết cuộc, không có sự giả dối nào che được sự thật. Vở 29 tết anh về cũng là câu chuyện tình chung thủy của một người phụ nữ chờ chồng suốt mấy chục năm, đến nỗi trong tâm trí bà chỉ đọng con số 29 là lời hẹn xót xa nhất. Họ có gặp nhau không? Sân khấu Hoàng Thái Thanh sở trường bi kịch và tâm lý tình cảm, chắc chắn lấy nước mắt khán giả.

Nhà hát Thế Giới Trẻ có 3 vở hài Mua chồng, Tình yêu nổi loạn, Hai chàng bảo mẫu. Cô đào đẹp Ngọc Trinh có mặt trong cả 3 vở, coi như sự trở lại ổn định sau thời gian vắng bóng.

Hữu Châu tiếp tục làm đạo diễn

Ở sân khấu kịch IDECAF, Hữu Châu lại thừa thắng xông lên làm tiếp vở kịch hài Lẩu trăn của tác giả Đăng Nhân. Sau vở Quyền lực tình yêu, Hữu Châu càng phấn khởi và khẳng định kịch hài đối với anh không phải là bài toán khó. Bài toán khó nhất chính là không gian của vở, giải quyết sao cho được cả một khu chung cư với nhiều tầng, nhiều căn hộ xảy ra câu chuyện. Con trăn chỉ là cái cớ để bật lên chuyện nhân tình thế thái.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.