Sân khấu phía Bắc tưng bừng trẩy hội xuân

05/02/2013 11:20 GMT+7

Ngày tết các nghệ sĩ sân khấu phía Bắc thường trẩy hội theo các lễ hội ở các vùng quê ven đô, thậm chí đến cả những tỉnh thành lân cận.

Mệt. Vất vả. Song nghệ sĩ nào cũng vui và coi đó là cuộc du xuân mà “ăm ắp” tiền bạc để rồi sau ba tháng mùa xuân lại nghỉ ngơi dài dài... Ở các buổi diễn này, sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương diễn trích đoạn hoặc hát tân nhạc; sân khấu kịch thì diễn hài kịch, ca múa nhạc.

Sân khấu phía Bắc tưng bừng trẩy hội xuân
Múa Chăm của rối nước đỏ đèn tại rạp - Ảnh: NHMRTL 

Nhà hát Kịch Hà Nội năm nay ngoài vở mới diễn tại rạp Công Nhân còn dựng chùm hài kịch Những sắc màu tình yêu để đi lưu diễn ở các huyện ngoại thành từ mồng 4 đến mồng 8 tết. Mạnh về cả hài kịch và ca múa nhạc, Nhà hát Tuổi Trẻ dựng chương trình ca nhạc hài kịch: Sắc môi em hồng, công diễn vào mồng 6 tết tại rạp Tuổi Trẻ và 13 tháng giêng ở rạp Thanh Niên với hài kịch Táo cười du xuân.

Có một niềm vui trong mùa xuân mới đối với nghệ sĩ sân khấu đất Bắc năm nay là ký được hợp đồng diễn những vở lớn. Nhà hát Cải lương VN có lịch diễn những vở: Cung phi Điểm Bích, Mê cung... Nhà hát Cải lương Hà Nội thì diễn: Đại thần Thăng Long, Duyên kiếp Bạch Trà, Mong gió đừng đổi chiều, Khi hoa nở trái mùa, Tống Trân Cúc Hoa...

Nhà hát Tuồng VN gần như khai thác hết công suất của hai đoàn khi nhận hợp đồng biểu diễn lễ hội tại Kim Bảng, Đông Bích... (Bắc Ninh); Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì... (Hà Nội) suốt từ mồng 2 tết đến hết tháng giêng. Ngoài các trích đoạn tuồng cổ như: Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, San Hậu hay các màn múa trống, các nghệ sĩ tuồng năm nay hoan hỉ vì ký được khá nhiều hợp đồng biểu diễn những vở lớn như: Phương thuốc thần kỳ, Lưu Kim Đính, Chiếc bóng oan khiên, Son sắt một lòng...

Ở đất Bắc, tưng bừng hơn cả vẫn là sân khấu chèo. Dù rằng ở mỗi vùng quê đều có những chiếu chèo nhưng người dân vẫn nức lòng trẩy hội mỗi khi có các đoàn chèo chuyên nghiệp về biểu diễn. Tết này Nhà hát Chèo VN về các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và các huyện ngoại thành Hà Nội để diễn những vở chèo cổ mới được nhà hát phục dựng trong năm 2012 như: Lưu Bình - Dương Lễ, Quan m Thị Kính và một số vở khác như: Tống Trân Cúc Hoa, Ni cô Đàm Vân... Nhà hát Chèo Hà Nội diễn các vở: Thạch Sanh, Cô Son, Quan lớn về làng, Nguyễn Công Trứ ...

Chỉ có xiếc và múa rối nước đỏ đèn tại rạp

Ngày tết, đỏ đèn thường xuyên tại rạp có múa rối và xiếc. Ngay từ mồng 1 tết, nhà thủy đình của Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối VN đều đỏ đèn với các trò diễn cổ như Chú Tễu, Múa rồng, Múa phượng, Lân tranh cầu... Đặc biệt, Nhà hát Múa rối Thăng Long có thêm những suất diễn vở rối nước Linh thiêng hai tiếng đồng bào với những điệu múa Chăm, múa quạt, múa khèn, múa Lục cúng hoa đăng... Còn với sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc VN thì khai xuân vào ngày 12-2 (mồng 3 tết) với chương trình xiếc tổng hợp: xiếc thú, xiếc người, ảo thuật...

Theo Đức Triết / Tuổi Trẻ

>> Kịch tết ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh
>> Phù thủy sân khấu
>> Đến Paris xem múa rối nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.