Sân khấu nín thở trước cuộc "đại phẫu"

02/06/2008 22:12 GMT+7

Đằng sau Đề án cắt giảm tối đa việc bao cấp và "đại phẫu" guồng máy hoạt động nghệ thuật theo hướng tinh giản là số mệnh của nhiều đoàn hát đang được đặt lên bàn cân...

Đề án quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2010 vừa được Chính phủ phê duyệt. Đích nhắm của đề án này là cắt giảm tối đa việc bao cấp cho nghệ thuật và "đại phẫu" guồng máy tổ chức theo hướng tinh giản, hiệu quả, tránh tình trạng bao cấp tràn lan, bình quân chủ nghĩa. Sự cần thiết của cuộc "đại phẫu" có lẽ ai cũng thấy rõ. Chỉ có điều, việc tách, nhập các đơn vị nghệ thuật (từ cấp trung ương đến địa phương) không đơn thuần chỉ là một thủ tục hành chính.

Ra ngoài công lập, chỉ 1 tháng là... tan!

Tâm lý chung của giám đốc các đơn vị nghệ thuật là không muốn đoàn mình bị giải thể hay sáp nhập. Lý do của mọi đoàn đưa ra đều chính đáng. Nghệ sĩ Thúy Mùi (Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội) nói: "Cái nôi của chèo là nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, không phải thành thị. Nhưng đó không phải là lý do để Nhà hát Chèo Hà Nội bị giải thể". Bà Mùi cho rằng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả thủ đô rất đa dạng. Bởi vậy, nếu Hà Nội chỉ cho một nhà hát chèo được tồn tại thì khán giả sẽ có phần thiệt thòi vì thiếu sự lựa chọn. NSƯT Quang Chí (Trưởng đoàn Cải lương Nam Định) phân bua: "Cải lương khai sinh ở đất phương Nam, không phải là bộ môn đặc thù tiêu biểu truyền thống của Nam Định. Nhưng đoàn cải lương Nam Định ra đời từ năm 1947, cũng có thành tích, có đóng góp. Mà lâu lắm rồi, cải lương miền Nam không ra Bắc diễn. Vậy, khán giả yêu thích cải lương sẽ đi xem cải lương "sống" ở đâu, nếu không muốn ngồi nhà thưởng thức qua ti vi?".

Việc nhập vào một đoàn nghệ thuật khác không cùng loại hình cũng khiến nhiều đơn vị lo sốt vó vì sợ mất bản sắc, sợ mất thương hiệu, sợ bộ máy phình to, cồng kềnh, mà cơ chế quản lý thì chồng chéo. Anh Nguyễn Tô Hồng (Trưởng đoàn cải lương Hoa Mai, Hà Tây) bối rối: "Tuồng, chèo, cải lương là 3 loại hình nghệ thuật có những đặc trưng hoàn toàn khác biệt, nhập vào làm một thì anh quản lý tuồng nếu làm giám đốc cũng không thể lãnh đạo anh chèo, anh cải lương được, hoặc ngược lại. Rồi phong cách chung sẽ thế nào, không khéo sẽ rối tinh lên". Anh cũng lo bây giờ Hà Tây nhập về Hà Nội, nếu không giải thể thì cải lương Hoa Mai sẽ phải trực thuộc Hà Nội, có nghĩa là sẽ không tồn tại cái tên Hoa Mai mà bao thế hệ nghệ sĩ đã dốc sức gầy dựng suốt hơn nửa thế kỷ.

Những ngày này, tâm lý của nhiều diễn viên, nhất là các diễn viên các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh đều bị xáo trộn. Nếu đoàn bị giải thể, họ sẽ thất nghiệp, chẳng biết làm gì để sống, nhất là những người đã ở tuổi "quá lứa nhỡ thì", đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho nghệ thuật. Nếu chuyển đổi nghề nghiệp, họ buộc phải học sang một nghề khác, hoặc học tiếng Anh, vi tính... Với nghệ sĩ trẻ, điều này có lẽ dễ dàng hơn.

Phương án giảm bớt số đoàn nghệ thuật truyền thống bằng cách chuyển đổi thành đơn vị ngoài công lập hoặc tinh giản biên chế dường như cũng chưa thuyết phục được các nghệ sĩ. Bà Thúy Mùi đặt câu hỏi: "Nghệ thuật truyền thống mà cho xã hội hóa thì nghệ sĩ phải chạy theo thị trường để kiếm sống, vậy còn ai dám giữ đúng bài bản mà bảo tồn?". Nghệ sĩ Tô Hồng buồn bã: "Điều kiện hơn hẳn nhưng đất thủ đô còn không xã hội hóa nghệ thuật được thì huống chi tỉnh lẻ!". NSƯT Quang Chí phân tích thêm: ở nông thôn, mua một vé xem cải lương chỉ mất 5.000 đồng mà người dân còn chê đắt thì ra ngoài công lập, có lẽ chỉ 1 tháng là tan ngay cả đoàn hát. Hiện nay, đoàn cải lương Nam Định có 30 nghệ sĩ. Mỗi tháng Nhà nước chi khoảng 45 triệu đồng để trả lương. Giờ chuyển thành đoàn ngoài công lập, mỗi tháng đoàn phải thu được 150 triệu đồng trở lên (dĩ nhiên là từ tiền bán vé), trừ đi các khoản khấu hao (xăng xe, thuê sân bãi, dựng vở...), may ra mới có thể còn lại 45 triệu đồng để trả lương cho anh em. "Một đoàn hát tỉnh lẻ thì làm sao kiếm nổi 150 triệu đồng/tháng! Chẳng khác nào Nhà nước bảo chúng tôi tự chết đi", NSƯT Quang Chí thốt lên.

Cơ quan chức năng lúng túng

Trong khi các nghệ sĩ đều đang hoang mang, thấp thỏm, cơ quan chức năng lại chẳng thể đưa ra bất kỳ phương án nào rõ ràng, minh bạch. Chẳng hạn: nêu đích danh đoàn nào sẽ giải thể, đoàn nào bị sáp nhập, đoàn nào phải chuyển thành đơn vị ngoài công lập, rồi giải pháp hỗ trợ cụ thể về vật chất, trợ giúp về tâm lý... Tất cả mới chỉ dừng lại ở việc phê duyệt chủ trương, định hướng chung. Các nghệ sĩ được Thanh Niên phỏng vấn đều nói: "Bộ chỉ đạo cho Cục bàn, Cục lại chỉ đạo cho các sở, các sở cũng đang án binh bất động để chờ đợi và... nghe ngóng. Vì thế, chúng tôi chẳng được phổ biến bất kỳ thông tin nào về lộ trình của mình".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Xuân Thành (Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL), một trong những người tham gia soạn thảo Đề án Quy hoạch phát triển nghệ thuật Việt Nam đến năm 2010, thừa nhận: "Đúng là hiện nay, bản quy hoạch chi tiết thì chưa có". Ông giải thích: "Để lựa chọn mô hình nào cần căn cứ vào điều kiện vật chất, chức năng hoạt động, tổ chức của đoàn nghệ thuật đó. Vì vậy, mỗi địa phương phải tự tìm cho ra mô hình phù hợp, hoặc giải thể, hoặc chuyển đổi, và phải tự tồn tại trong môi trường mới. Điều này từng nghệ sĩ phải tự giải đáp, tự trả lời. Còn về cơ chế sáp nhận hay các phương án hỗ trợ, Bộ VH-TT-DL cũng phải chờ sự thống nhất của các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài nguyên - Môi trường, rồi mới có lộ trình cụ thể".

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.