Sân khấu kịch Phú Nhuận của 'bà bầu' Hồng Vân sẽ đóng cửa?

22/09/2015 17:42 GMT+7

(TNO) Tin đồn sân khấu kịch Phú Nhuận của 'bà bầu' Hồng Vân sẽ đóng cửa khiến đồng nghiệp và khán giả xôn xao. 15 năm hoạt động, nơi đây đã cống hiến nhiều tác phẩm hay và là một địa chỉ cần thiết cho ngành sân khấu vốn đã eo hẹp…

(TNO) Tin đồn sân khấu kịch Phú Nhuận của 'bà bầu' Hồng Vân sẽ đóng cửa khiến đồng nghiệp và khán giả xôn xao. 15 năm hoạt động, nơi đây đã cống hiến nhiều tác phẩm hay và là một địa chỉ cần thiết cho ngành sân khấu vốn đã eo hẹp…

NSND Hồng Vân vai bà Ách, Bình Minh vai Vũ Trọng Phụng trong vở "Kỹ nghệ lấy Tây" - Ảnh: H.KNSND Hồng Vân vai bà Ách, Bình Minh vai Vũ Trọng Phụng trong vở "Kỹ nghệ lấy Tây" - Ảnh: H.K
Phóng viên Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi ngắn với NSND Hồng Vân, Giám đốc sân khấu kịch Phú Nhuận (TP.HCM) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
* Xin hỏi chị, tin đồn đó có thật hay không? Tại sao phải ngưng hoạt động khi sân khấu đã có bề dày và có lượng khán giả ổn định?
- NSND Hồng Vân: Thật ra lúc đầu khi nghe tin tiền thuê mặt bằng tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận sẽ tăng, tôi có than thở chắc là nghỉ làm. Nói thiệt, bây giờ cứ mở màn đêm nào là tôi bù lỗ đêm đó, hoặc huề vốn. Ý tôi nói là những vở văn học, như Người đàn bà uống rượu, Làm… (Làm đĩ), Đàn bà mấy tay (Giông tố), Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cô gái ăn cắp (Bỉ vỏ). Cho nên, tôi phải lấy doanh thu của các vở kịch kinh dị và hài bù vào, nhất là doanh thu của sân khấu Super Bowl.
Khổ vậy, mà sao tôi vẫn tâm huyết dựng vở văn học? Vì tôi từng mơ ước sẽ có một thế hệ khán giả trẻ khác với thế hệ khán giả hiện tại, và cũng để diễn viên trẻ của chúng tôi biết diễn khác đi, diễn cho đã nghề. Rõ ràng, các em đã làm người ta khóc được. Nhưng các vở ấy vẫn gọi là trong vòng kén khán giả. Vì vậy cần có sự hỗ trợ của các ban ngành, nếu không sẽ không cầm cự nổi.
Sân khấu Hồng Vân sẽ đóng cửa? 3Đức Thịnh vai Năm Sài Gòn, Lan Phương vai Bính trong vở Cô gái ăn cắp (Bỉ vỏ) - Ảnh: H.K
* Có khi nào chị nghĩ vì đã dựng nhiều vở kinh dị cho nên những khán giả khác đã bỏ đi?
- Nói thiệt, khán giả luôn là một “ẩn số”, chị cứ đi hỏi các sân khấu khác thử xem. Ngay cả Hoàng Thái Thanh làm nghiêm túc như thế mà cũng trầy trật. Hiện tại, có nhiều khán giả thích ma, thích cười, thì mình phải đáp ứng cho họ. Nhưng với thế hệ mới, mình mơ ước khác hơn, mình phải đầu tư vất vả hơn.
* Chị nói cần các ban ngành hỗ trợ. Nhưng sân khấu đã tiến từ bao cấp sang xã hội hóa, làm gì có sự đi lùi hả chị?
- Không, tôi đâu có ý là trở lại bao cấp, mà là hỗ trợ bằng nhiều cách khác. Thực sự nếu muốn hỗ trợ thì sẽ có cách thôi. Ví dụ, tôi gợi ý một phương án: Sở Giáo dục kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao dành thời gian cho các em học ngoại khóa môn Văn bằng cách đi xem kịch. Chúng tôi sẽ lấy nửa giá vé thôi, và Sở cho thêm 25% nữa, vậy phụ huynh chỉ tốn 25% tiền vé, quá rẻ so với ăn một tô hủ tiếu. Đói cơm đói áo thì còn thấy được, nhưng đói văn hóa không ai thấy, cho tới lúc các em ghiền game, thích đánh nhau thì người lớn chúng ta la toáng lên. Nhất là môn Văn, cứ bảo các em không yêu, rồi học kém, thì thử đi xem kịch của chúng tôi, chắc chắn là sẽ khác đi.
Sân khấu Hồng Vân sẽ đóng cửa? 2Kim Huyền vai Duyên, Xuân Nghị vai Tùng trong vở Người đàn bà uống rượu - Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
* Tôi hoàn toàn đồng ý với chị, vì tôi đã xem các vở kịch văn học ấy, rất sinh động và hấp dẫn, bổ sung cho môn Văn ở trường rất nhiều. Nhưng còn nước còn tát, chị cứ chạy hết cửa đi, đừng vội buông tay.
- Thì tôi cũng ráng cầm cự. Trước tiên đã được Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận ủng hộ là không tăng tiền thuê mặt bằng. Và nhờ mọi người lên tiếng giúp, xem nhà nước có hỗ trợ gì không. Thực sự là nên hỗ trợ tất cả các sân khấu xã hội hóa, chứ đừng bỏ cho chúng tôi tự bơi nữa. Tự nuôi nhau là giỏi rồi, lại đóng thuế cho nhà nước lại càng giỏi nữa. Nhưng thỉnh thoảng cũng xin ngó ngàng tới chúng tôi một chút, để khỏi tủi thân y như con ghẻ. Khi chúng tôi quá mệt mỏi, buông tay, thì thiệt thòi cho bộ mặt văn hóa của thành phố.
Thực sự là mỗi đơn vị sân khấu xã hội hóa hiện nay năm nào cũng dựng một hoặc hai vở mang tính văn học, rất cần cho sinh viên, học sinh, giáo viên xem để bổ sung kiến thức và thẩm mỹ. Nhà nước thay vì cấp kinh phí hẳn cho đơn vị công lập dàn dựng, thì nhân đây đã sẵn tác phẩm, chỉ cần hỗ trợ các suất miễn phí hoặc giảm giá thì các đối tượng khán giả ấy đã được xem thoải mái. Ba bên đều có lợi (nhà nước - đơn vị xã hội hóa - khán giả). Kinh phí này chắc chắn nhỏ hơn so với nuôi một đơn vị công lập. Và như thế các đơn vị xã hội hóa cũng có cơ hội giữ lửa nghề, không nhất thiết phải chạy theo thị trường một cách vô tội vạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.