Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 3: Bát nháo chuyện buôn cổ vật

20/02/2013 03:40 GMT+7

Những người có trách nhiệm tại địa phương đã làm mọi cách để “giải cứu” nhiều cổ vật Óc Eo khỏi đường dây buôn bán. Thế nhưng, bản thân họ lại chẳng thể yên tâm khi giao cổ vật cho một đơn vị khác.

>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 2: Chiếm lấy cổ vật nhà chùa

Thị trấn nhỏ Óc Eo xưa nay nổi tiếng là “kinh đô cổ vật”. Nhiều lời đồn trong giới buôn đồ cổ rằng tại đây có rất nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ các món đồ quý giá; hoặc giả lại có một hộ dân nào đó ở gần khu di chỉ vô tình đào được báu vật trong lòng đất. Theo quán tính, nhiều tay mơ cổ vật mặc nhiên rằng muốn săn đồ cổ của đế quốc Phù Nam thì cứ đến Óc Eo, dẫn đến mảnh đất hiền hòa này trở thành địa bàn cày xới của các tay săn cổ vật. Song song đó, tại đây cũng là “sàn giao dịch” hàng… giả cổ. Các món đồ giả từ nhiều nơi được tay buôn mang về đây để qua mặt các tay mơ khác. Thậm chí, một tay buôn thẳng thừng thừa nhận mình là chuyên gia… buôn đồ giả. Tuy nhiên, chuyện hai nông dân chỉ với thanh sắt mua ở tiệm hàn tiện đã bán được với giá… 1 tỉ đồng thì quả là hy hữu.

Cú lừa chấn động

Bát nháo chuyện buôn cổ vật
Món cổ vật có giá trị cao được Công an huyện Thoại Sơn “giải cứu” và cất giữ - Ảnh: T.T

Lâu nay các tay ngang tìm mua đồng đen hay truyền nhau “bí quyết” thử kim loại có phải là đồng đen hay không chỉ cần đặt nó cùng đá lửa lên tấm gương. Nếu sau 5 phút mà tấm gương bị nứt, đá lửa quẹt không tóe lửa thì đó là đồng đen thật. Nắm bắt “bí quyết” này, hai nông dân dùng thanh sắt sơn đen và thoa mỡ bò để lừa các các tay bịp ở Sài Gòn rằng đó là đồng đen. Trong quá trình kiểm tra, hai nông dân này đã tranh thủ đánh tráo gương và đá lửa làm cho khách mua tin đó là đồng đen thật, đồng ý mua với giá 1 tỉ đồng. Cú lừa trên đáng lẽ đã diễn ra trót lọt, đến khi công an phát hiện số tiền lừa được chỉ toàn… tiền giả.

 

Thất thoát nhiều cổ vật

Vừa qua, UBND H.Thoại Sơn cho kiểm kê, rà soát lại các cổ vật tại nhà trưng bày thì đã có trên chục món không cánh mà bay. Theo đó, Công an huyện góp 46 cổ vật hiện chỉ còn 41 món; Huyện đội giao 25 món nay còn 19 món; Trung tâm văn hóa huyện giao 34 món còn 33 món... Nhiều cổ vật mất đi mà chẳng ai biết gọi chúng là gì. Trong biên bản kiểm kê, người ta chỉ gọi với những từ đại loại như mất “cục đất”, mất “vật hình năm cánh”, mất “bò u giả cổ”… và cũng chẳng hiểu vì sao lại mất, ai chịu trách nhiệm vì những cổ vật bị thất thoát...

Khi xộ khám, các nông dân này mới khai ra đường dây tuồn các cổ vật từ Óc Eo ra bên ngoài. Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu, Phó công an H.Thoại Sơn, nhớ lại từ giữa năm 2002, đã có tin một nhóm người ở Thoại Sơn bán được pho tượng Óc Eo qua Thái Lan với giá 50.000 USD. Cùng thời điểm này, một số nông dân ở Óc Eo bỗng giàu lên nhanh chóng, có tiền mua đất, sắm xe. Không lâu sau, bằng biện pháp nghiệp vụ, công an xác định móc nối với các cò cổ vật còn có các sĩ quan tại trường quân sự địa phương. Kết thúc vụ án “cổ vật trong vườn bạch đàn”, công an đã thu về trên 20 món cổ vật có giá trị cao.

Trước đó, tại thị trấn Óc Eo cũng xảy ra nhiều vụ án cổ vật. Nhiều cán bộ và người dân ở đây vẫn nhớ rõ lần lực lượng chức trách đã bắt, tịch thu các hiện vật ở nhà một người chuyên sưu tầm, mua bán cổ vật tên Mai Phong. Nhiều người vẫn đặt dấu hỏi: số “tang vật” sau khi bị tịch thu đó giờ đã về đâu? Cố gắng dò la, chúng tôi mới biết, sau khi mãn hạn tù, Mai Phong đã đổ bệnh nặng. Vợ ông cũng buồn tình mà xuống tóc đi tu. 

Cổ vật “bốc hơi”

Bước vào kho tang vật của Công an H.Thoại Sơn, dù được nói trước nhưng chúng tôi không khỏi giật mình. Trong không gian ẩm mốc tỏa ra từ những hiện vật được lưu giữ lâu ngày, nhiều cổ vật Óc Eo được xếp xó hàng chục năm nay. Một số món trong đó chúng tôi cũng đã nghe nhắc tới. Các món như phù điêu hình nữ thần, tượng đầu người, yuni bằng đá… được thu giữ trong một vụ án cách nay hơn 10 năm; một số hiện vật khác do người dân hiến tặng, hoặc cơ quan khác mang đến nhờ công an giữ hộ… Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu cho biết thời gian trước người của Bảo tàng tỉnh An Giang có đến đặt vấn đề mang chúng đi, nhưng vì một số lý do Công an H.Thoại Sơn đã cương quyết giữ lại.

Từ khi nhà trưng bày trên đỉnh Ba Thê bị đột nhập thì chuyện giữ cổ vật trở nên thành bài toán khó. Giao cổ vật cho ai lưu giữ? Một không khí nghi kỵ len lỏi trong những người biết về cổ vật ở Óc Eo khi nhiều món cổ vật được người dân hiến tặng, hoặc được thu giữ từ nhiều nguồn khác nhau không hiểu đã về đâu.

Một cán bộ văn hóa H.Thoại Sơn thú thật, tại huyện không có ai đủ chuyên môn để thẩm định các cổ vật Óc Eo. Bởi thế, nhiều cổ vật ngàn năm chỉ được gọi tên bằng cách nôm na. Cho nên khi chúng mất đi thì tuyệt nhiên không thể truy tìm. Ông Nguyễn Văn Be, Trưởng ban Quản lý du lịch - văn hóa H.Thoại Sơn, cho biết cổ vật trưng bày trên đỉnh Ba Thê thuộc Bảo tàng tỉnh An Giang. Khi đưa chúng vào tủ trưng bày cũng đích thân các cán bộ Bảo tàng An Giang làm, huyện chỉ giữ vai trò quản lý, bảo vệ. Tại các biên bản bàn giao của các đơn vị thu gom của huyện, có mặt các cán bộ bảo tàng, nhưng cũng chỉ với vai trò “người chứng kiến” và không hề có chữ ký của họ ở những biên bản bàn giao dù với vai trò chứng kiến.

Tiến Trình

>> Săn cổ vật Óc Eo - “Sóng vàng” ở kinh đô cổ vật
>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 2: Chiếm lấy cổ vật nhà chùa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.