Sách 'tuyệt tích giang hồ' xuất hiện

19/12/2014 09:05 GMT+7

'Triển lãm sách xưa của Nhã Nam lần này có những bản sách hiếm đến mức tưởng đã tuyệt tích giang hồ', nhà sưu tập sách Yên Ba đã nhận xét như thế.

“Triển lãm sách xưa của Nhã Nam lần này có những bản sách hiếm đến mức tưởng đã tuyệt tích giang hồ”, nhà sưu tập sách Yên Ba đã nhận xét như thế.

Một số cuốn sách quý khác trong triển lãm -  Ảnh: Hồng NhungMột số cuốn sách quý khác trong triển lãm -  Ảnh: Hồng Nhung
Ông Lưu Trọng Dương mắt rưng rưng khi nói về những cuốn sách của cha mình - nhà thơ Lưu Trọng Lư. Ông Dương nói ngắn gọn rằng ông chỉ là người cầm vô lăng, không theo nghiệp văn chương chữ nghĩa như các anh em. Nhưng những bản sách của tác giả bàiTiếng thu trong triển lãm “Những cuốn sách vang bóng một thời” đã đưa ông về với thời mình đôi mươi. “Tôi như thấy bố mình”, người đàn ông đã gần 70 tuổi nói.

Báu vật với dân sưu tầm
Hiện nay rất nhiều tác phẩm có tiếng của văn học VN đã bị thất truyền hoặc được in ấn với chất lượng kém, không được đầu tư xứng đáng. Là một nhà nghiên cứu, sưu tầm lâu năm, tôi cảm thấy có phần thiệt thòi cho những tác giả, tác phẩm đó
Nhà sưu tập
Nguyễn Bình Phương
Khoảng 60 bản sách được trưng bày tại triển lãm này. Nhóm trưng bày chủ yếu là tác phẩm của các tác giả tiền chiến, nổi lên trong thời kỳ từ năm 1930 - 1945 khi văn học VN đổi mới mãnh liệt. Đó hầu hết là những bản in quý hiếm.
Nổi bật trong số này là Vang bóng một thời (tác giả Nguyễn Tuân, Nhà xuất bản Tân Dân ấn hành năm 1940), Việc làng (tác giả Ngô Tất Tố, ấn bản đầu năm 1940, do Mai Lĩnh xuất bản), Tắt đèn (tác giả Ngô Tất Tố, ấn bản năm 1939 do Mai Lĩnh xuất bản), Lều chõng (tác giả Ngô Tất Tố, Mai Lĩnh xuất bản năm 1941), Kép Tư Bền (tác giả Nguyễn Công Hoan, ấn bản năm 1935 do Tiểu thuyết thứ Bảy xuất bản), Hà Nội băm sáu phố phường (tác giả Thạch Lam, ấn bản đầu năm 1943 của Đời Nay), Số đỏ (tác giả Vũ Trọng Phụng, bản đặc biệt in năm 1946, bản in lần 2 do Minh Đức ấn hành)...

“Có một bản sách cực hiếm là Điêu tàn của nhà sưu tập Hoàng Minh mang tới”, ông Yên Ba nói và nhận xét thêm: “Bản đó hiếm lắm. Nó tương đương với những bản được coi là tuyệt tích giang hồ mà rồi bỗng dưng nó lại xuất hiện. Sách xưa thực sự là sự ngẫu nhiên của số phận. Chiến tranh, ẩm mốc, gia đình không có điều kiện lưu giữ. Vô số yếu tố có thể làm nó mất đi”.

Một bản sách khác, theo ông Yên Ba, cũng vô cùng quý hiếm là bản chép tay một cuốn sách của Nguyễn Bính. Bản sách này do nhà sưu tập Nguyễn Bình Phương mang tới. “Một bản chép tay cực hiếm. Vì các bản chép tay của các nhà văn nhà thơ thời trước 1945 là báu vật với dân sưu tầm do quá khó kiếm. Nó liên quan đến các thủ bút, dấu ấn cá nhân. Dĩ nhiên nó là độc bản”, ông Yên Ba nói.

“Trục vớt” di sản văn học

Ông Nguyễn Bình Phương nhận xét việc trưng bày này giúp tư liệu văn học được tôn vinh đúng mức. “Hiện nay rất nhiều tác phẩm có tiếng của văn học VN đã bị thất truyền hoặc được in ấn với chất lượng kém, không được đầu tư xứng đáng. Là một nhà nghiên cứu, sưu tầm lâu năm, tôi cảm thấy có phần thiệt thòi cho những tác giả, tác phẩm đó”, ông nói.
Cuốn Điêu tàn cực quý hiếm được một nhà sưu tập TP.HCM mang tới   

Còn nhớ, nhà văn bản học Lại Nguyên Ân thường coi các văn bản quý này như những di sản quý cần được trục vớt. Việc trục vớt di sản văn học này chỉ có thể thực hiện được khi những miếng ghép văn bản xưa được chắp lại. Việc chắp nối này, hiện các nhà nghiên cứu phải nhờ vả nhiều vào tư liệu của các nhà sưu tập sách.

Những cuốn sách xưa ở đây sẽ dần dần giúp các nhà nghiên cứu tìm lại nguồn của các tư liệu mình cần phân tích. TS Phạm Xuân Thạch từng “vỡ mộng” khi mua tuyển tập 10 tập Nguyễn Công Hoan. Những gì in trong đó đều không có nguồn. Một lần khác, sinh viên của ông mang về tới 5 - 6 bản Thi nhân Việt Nam khác nhau. “Những trưng bày thế này giúp chúng ta nhìn đúng giá trị của tư liệu, của văn bản học”, ông Thạch nói.   
Trưng bày Những cuốn sách vang bóng một thời diễn ra tại hiệu sách Nhã Nam tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội từ 18 - 22.12. Đây cũng là hoạt động để giới thiệu bộ Việt Nam danh tác - những cuốn sách giới thiệu bản in đầu của nhiều tác phẩm để đời văn học thời kỳ 1930 - 1945.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.