Rào cản ngoại ngữ của Việt Nam học

23/10/2012 03:20 GMT+7

Gần như chắc chắn sẽ không có tổng tập nghiên cứu có giá trị bằng tiếng nước ngoài của Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 4, diễn ra cuối năm nay.

Tại cuộc họp báo sáng qua (22.10) về Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 4, ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: “Khi bắt đầu hội thảo sẽ có tài liệu công bố các báo cáo tóm tắt cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt trên đĩa CD. Sau khi hội thảo kết thúc, chỉ có báo cáo phiên toàn thể sẽ được in toàn văn bằng cả hai thứ tiếng trong kỷ yếu. Kỷ yếu cũng tập hợp những báo cáo chất lượng cao đã được tuyển chọn và biên tập”.

 Nghệ thuật biểu diễn truyền thống cũng là đối tượng nghiên cứu của Việt Nam học
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống cũng là đối tượng nghiên cứu của Việt Nam học
- Ảnh: Trinh Nguyên

Như vậy, nhiều khả năng giống như Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, hội thảo lần này cũng sẽ không có kỷ yếu toàn văn bằng tiếng nước ngoài. Cách đây 4 năm, các tác giả có bài viết tốt được chọn trình bày tại các tiểu ban đã nhận được đề nghị nộp toàn văn bài nghiên cứu bằng tiếng Anh. Do việc dịch thuật này chỉ được hỗ trợ kinh phí rất thấp nên những nhà nghiên cứu cẩn trọng thuê biên dịch, hiệu đính kỹ lưỡng đã phải tự lo bù lỗ kinh phí không nhỏ. “Rất nhiều bài nghiên cứu chưa được biên dịch, hiệu đính tốt”, một thành viên Ban Thư ký của Hội thảo Việt Nam học lần 3 tiết lộ.

Cũng do chất lượng bài viết tiếng Anh không được như ý, việc biên tập, chỉnh lý sau đó hứa hẹn tốn rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc. “Cần phải thuê cả chuyên gia nước ngoài cùng làm. Nhưng như thế thì với số lượng hàng ngàn trang tài liệu, kinh phí không thể kham nổi”, thành viên nói trên cho biết.

Giờ đây, tại Hội thảo Việt Nam học lần 4, yêu cầu nộp toàn văn bài viết bằng tiếng Anh không còn. Tuy nhiên nhu cầu được đọc tài liệu, tư liệu Việt Nam học bằng tiếng nước ngoài vẫn còn vì sẽ giúp các nhà Việt Nam học người nước ngoài thuận tiện hơn trên con đường nghiên cứu của mình.

Hiện rất nhiều người nước ngoài là nhà nghiên cứu Việt Nam gạo cội không thể sử dụng tiếng Việt trong công việc. Tuy nhiên, những tư liệu đồ sộ bằng tiếng nước ngoài hiện đang ở ngoài Việt Nam đã giúp họ rất nhiều. Nhà nghiên cứu, nhà báo Alain Ruscio (Pháp) hay nhà nghiên cứu Pierre Asselin (Mỹ) là ví dụ tiêu biểu cho việc nghiên cứu Việt Nam qua tư liệu tiếng nước ngoài. Chính vì thế, việc ghi lại và công bố nghiên cứu mới nhất về Việt Nam bằng tiếng nước ngoài sẽ mở đường cho nhiều nhà nghiên cứu hơn, cũng như cung cấp tư liệu thường xuyên hơn cho họ.

Bốn năm một lần, học giả quốc tế lẫn trong nước tập hợp lại, công bố những nghiên cứu mới nhất của mình. Chính vì thế, về chủ trương, ban tổ chức khuyến khích các nhà nghiên cứu đến dự, bất kể có bài viết hay không. “Tôi đánh giá cao quan điểm này của ban tổ chức. Nó sẽ mở đường cho những nhà nghiên cứu trẻ về Việt Nam. Nó cũng bảo đảm việc phát triển Việt Nam học bền vững”, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử đánh giá.

Trong hoàn cảnh như vậy, rõ ràng việc không có kỷ yếu bằng tiếng nước ngoài, liên thông tư liệu về Việt Nam trong lẫn ngoài nước sẽ bị cản trở nhất định. Nó cũng sẽ làm chậm sự lan tỏa của ngành Việt Nam học trên trường quốc tế. Chính vì thế, theo GS Phan Huy Lê, để đưa được Việt Nam học ra thế giới tốt hơn, việc chưa có được kỷ yếu (toàn văn bài nghiên cứu) bằng tiếng nước ngoài là điều đáng tiếc.

Hội thảo quốc tế Việt Nam học là diễn đàn trao đổi lớn nhất các kết quả nghiên cứu mới nhất về Việt Nam trong nước và thế giới trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả này sau đó được đúc kết thành kiến nghị để từ đó hoạch định chính sách. Được tổ chức 4 năm một lần, hội thảo đã góp phần hình thành mạng lưới quốc tế các nhà nghiên cứu Việt Nam trên toàn thế giới. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 được tổ chức trong 3 ngày, từ 26 - 28.11 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.500 đại biểu đăng ký tham dự, trong đó có hơn 1.240 đại biểu trong nước và gần 280 đại biểu  nước ngoài đến từ 35 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Trong số 1.200 tham luận gửi tới ban tổ chức hội thảo, khoảng 800 tham luận được lựa chọn, trong đó có khoảng 600 tham luận của các học giả trong nước và khoảng 200 tham luận của các học giả nước ngoài.

Trinh Nguyên

>> Người phá vỡ rào cản ngôn ngữ
>> Ngôn ngữ giới trẻ - Kinh hoàng!
>> Chính trị hóa ngôn ngữ
>> Giao tiếp bằng ký hiệu không giúp trẻ phát triển ngôn ngữ sớm hơn
>> “Loạn” phiên âm: Giới ngôn ngữ học bức xúc
>> Người trẻ luôn có ngôn ngữ mới
>> Các trường ngăn chặn ngôn ngữ “chat”
>> Ngôn ngữ chỉ có 2 người dùng
>> Sự dịch chuyển của ngành Việt Nam học
>> Mở chuyên ngành đào tạo Việt Nam học cho người nước ngoài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.