'Quyên': Một bi kịch đại khái

20/06/2015 19:47 GMT+7

(TNO) Quyên chắc chắn không đi theo dòng phim thương mại, đây vẫn là đặc điểm nhận dạng Nguyễn Phan Quang Bình, song để liệt Quyên vào dòng phim cảm giác thì cuối cùng, cảm giác chính là thứ thiếu sót lớn nhất của Quyên .

(TNO) Quyên chắc chắn không đi theo dòng phim thương mại, đây vẫn là đặc điểm nhận dạng Nguyễn Phan Quang Bình, song để liệt Quyên vào dòng phim cảm giác thì cuối cùng, cảm giác chính là thứ thiếu sót lớn nhất của Quyên.
Poster phim QuyênPoster phim Quyên
Giống như khi người ta đọc một câu truyện ngắn hoặc tiểu thuyết tràn ngập những tính từ về nỗi đau, hạnh phúc, thù hận…, nhưng rồi người ta tìm mãi vẫn không thấy được một sự kết nối. Hay như khi người ta nghe đối phương thốt lên “tôi bất hạnh quá” bằng một vẻ hết sức khổ tâm song đợi mãi, đợi mãi, người ta vẫn không thể nảy sinh bất kỳ đồng cảm nào cho tới lúc người ta bắt đầu hoài nghi về nỗi bất hạnh ấy. Đó chính làQuyên, tác phẩm vừa ra mắt của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Số phận của một nhân vật không thể cứ nhạt nhòa trôi trong những lời kể mang tính đại khái như vậy, nhất là trong điện ảnh.
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, về phần đời lang bạt nơi xứ người của một người phụ nữ tên Quyên. Tác phẩm cũng phản ánh đời sống người Việt ở Đức thời kỳ bức tường Berlin sụp đổ. Hai vợ chồng Dzũng và Quyên quyết định rời bỏ quê hương, vượt biên sang Đức sinh sống. Vì một vài lý do, giữa chừng Dzũng phải đi trước. Quyên kẹt ở lại và bị kẻ dẫn đường tên là Hùng hãm hiếp. Sau một thời gian, Quyên mang thai đứa con của Hùng. Cái thai đã đánh thức tình yêu thương bên trong Hùng nên hắn ta quyết định đưa Quyên qua Tây Đức nhập trại trị nạn để tìm chồng và sanh con. Trớ trêu thay, khi gặp lại nhau, Dzũng nhất định không chấp nhận cái thai Quyên đang mang và xua đuổi cô đi.
Những hình ảnh đồi núi phủ tuyết trắng xóa hay những cung đường lá vàng của mùa thu Berlin là hàng hiếm cho phim Việt
Nhìn nhận bộ phim ở tâm thế một tác phẩm hoàn toàn độc lập với tiểu thuyết, bởi giả sử có so sánh thì chỉ cần so sánh Quyên với chính tiềm năng mà nó có thôi cũng đủ thấy nhiều nuối tiếc. Quyên được đầu tư 22 tỉ đồng, một kinh phí khá lớn so với mặt bằng chung của phim Việt. Quyên được mang sang tận Đức cùng với ê kíp mấy chục người để quay ngoại cảnh. Quyên cũng gây tò mò lẫn kỳ vọng giống như dự án Cánh đồng bất tận mà Nguyễn Phan Quang Bình làm hồi năm nào. Nhưng rồi, nếu Cánh đồng bất tận cho thấy khả năng còn nhiều hạn chế trong việc chuyển thể một tác phẩm văn học nặng ký thì ở Quyên, sau khi đã bỏ qua gánh nặng nguyên tác, cái sự hạn chế của người đạo diễn bây giờ lại càng rõ ràng hơn chỉ đơn giản là trong cách anh kể một câu chuyện bằng hình ảnh.
Mất quá nhiều thời gian để người xem tiếp cận được với nhân vật. Thật khó mà hình dung được nội tâm của một nhân vật từ việc nghe hắn độc thoại về bản thân như nhân vật Hùng. Trần Bảo Sơn đã có những biểu cảm khá tốt qua đôi mắt của anh, chỉ có điều không phải biểu cảm mà chính những lời thoại hết sức nhạt nhẽo cho vai diễn của anh mới được giao trọng trách phát triển tâm lý nhân vật. Đạo diễn dường như đã phân định rõ ràng từng giai đoạn một, ví dụ đến giai đoạn Hùng quan tâm Quyên thì hắn sẽ phải liệt kể ra hắn đã đi bộ rất nhiều cây số để mua đồ ăn, rồi bước sang giai đoạn gần gũi hơn thì Hùng phải ngồi nói về quá khứ bất hạnh của mình, vân vân. Rất khiên cưỡng, đạo diễn đã áp đặt người xem đi theo và nhận ra tâm lý nhân vật bằng cách ấy. Nó tạo ra trạng thái người xem được tiếp nhận thông tin qua những lần thông báo của đạo diễn chứ không phải họ tự cảm nhận từ sức nặng của diễn xuất và ngôn ngữ hình ảnh. Thế nên, diễn viên phải thường xuyên đọc những lời thoại khá thừa thãi, đại loại “cái thai của anh à” hay điệp khúc “anh là người tốt”… thay vì tập trung khai thác về mặt diễn xuất. Vũ Ngọc Anh trong vai Quyên ở một phần ba đầu phim, đoạn bị cầm tù trong căn nhà gỗ nơi núi tuyết hoang vu của Hùng gần như chẳng làm việc gì khác ngoài biểu lộ ánh mắt sợ hãi.
Trần Bảo Sơn đã có những biểu cảm khá tốt qua đôi mắt của anh…
Quyên còn bị sa đà vào tính biểu tượng, một tư duy điện ảnh rất cũ hoặc chỉ dễ được chấp nhận khi xuất hiện trên truyền hình, tiêu biểu nhất là hình ảnh chiếc kẹp tóc nhắc nhở người xem về vòng luẩn quẩn mối quan hệ giữa Dzũng - Quyên - Hùng. Chiếc kẹp tóc xuất hiện nhiều lần đến nhàm chán: Dzũng kẹp tóc cho Quyên, chiếc kẹp tóc rơi xuống sàn khi Quyên bị Hùng cưỡng hiếp, chiếc kẹp tóc được Hùng giữ lại, chiếc kẹp tóc tìm thấy trong ví gã giang hồ này…, bao nhiêu lần chiếc kẹp tóc xuất hiện là bấy nhiêu lần nó đóng vai chính trong khuôn hình. Và, thật bất ngờ tới ngày hôm nay, hình ảnh mái tóc thề vẫn còn đại diện cho thái độ sống của một người phụ nữ, hoặc ít nhất Nguyễn Phan Quang Bình đã cố gắng làm người xem nghĩ thế. Thật ra việc Quyên thay đổi là điều tất yếu, sau những thăng trầm cuộc sống, song cái cách đạo diễn chỉa máy quay cận cảnh vào những thứ như chiếc kép tóc hay những lọn nằm dưới sàn là một cách đẩy cảm xúc rất đỗi gượng gạo, cho cả nhân vật lẫn người xem. Và, dù mang tiếng là nhân vật trọng tâm nhưng Quyên lại quá nhạt nhòa so với những nhân vật còn lại. Kịch bản của Quyên đã làm nên một nhật vật chính khá vật vờ xuyên suốt những chắp nối rời rạc. Rất nhiều hình ảnh đã trở thành minh họa cho một số phận được gọi là nghiệt ngã. Hình ảnh Quyên đi ngang qua cửa sổ ngôi nhà tập thể, những người phụ nữ nhìn cô và chửi “con đĩ” không những minh họa cho Quyên mà còn minh họa cho tính làng xã của văn hóa Việt ở nước ngoài. Khi hình ảnh không làm bật lên được cái tinh thần hướng tới và không khí tác phẩm mà chỉ làm công tác minh họa thì đó là một thất bại của riêng đạo diễn. Và có lẽ, chính yếu tố này đã khiến Quyên trở nên hời hợt.
... chỉ có điều không phải biểu cảm mà chính những lời thoại hết sức nhạt nhẽo cho vai diễn của anh mới được giao trọng trách phát triển tâm lý nhân vật
Nhà quay phim Nguyễn Tranh, một lần nữa sau Cánh đồng bất tận, đã có những đại cảnh đẹp mắt. Không thể phủ nhận, những hình ảnh đồi núi phủ tuyết trắng xóa hay những cung đường lá vàng của mùa thu Berlin là hàng hiếm cho phim Việt. Tuy nhiên, chỉ cần thu nhỏ lại tầm nhìn của chiếc máy quay là đạo diễn bộc lộ ngay điểm yếu của mình. Bộ phim không hề tạo ra được cái không khí tha phương của một cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ dãy nhà tập thể, khu chợ trời cho tới quán ăn… Và hình ảnh minh họa cho sự kiện bức tường Berlin sụp đổ với một nhúm người nhảy múa là sự qua loa nhất mà nếu quá trình quay phim “lực bất tòng tâm” không làm ra nổi cái không khí thì Nguyễn Phan Quang Bình cũng nên dũng cảm cắt phăng nó đi trong bản dựng hoàn chỉnh của bộ phim.
Âm nhạc cũng là mảng thể hiện sự bối rối của nhà làm phim đối với bản dựng của Quyên. Có vẻ như vì bằng mọi giá phải lấy được cảm xúc người xem mà âm nhạc đã bị sử dụng vô tội vạ. Không biết có phải thiếu sự đồng điệu mà âm nhạc thì đi theo thẩm mỹ của người làm nhạc còn hình ảnh lại đi theo thẩm mỹ của người làm phim, để rồi cả hai cùng đưa tác phẩm đễn chỗ lửng lơ. Quyên chắc chắn không đi theo dòng phim thương mại, đây vẫn là đặc điểm nhận dạng Nguyễn Phan Quang Bình, song để liệt Quyên vô dòng phim cảm giác thì cuối cùng, cảm giác chính là thứ thiếu sót lớn nhất của Quyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.