Phim truyền hình Việt đang chết: Cần những cái bắt tay nghiêm túc

20/09/2012 03:20 GMT+7

Xoay quanh hiện thực đáng báo động của phim truyền hình Việt, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

 Phim Mặt nạ da người đang phát sóng trên VTV3
Phim Mặt nạ da người đang phát sóng trên VTV3 - Ảnh: VTV

Các hãng sản xuất cần phải xây dựng thương hiệu cho mình

Chất lượng phim truyền hình vài năm gần đây luôn bị cho là tỷ lệ nghịch với số lượng, phải chăng chính chỉ tiêu dành 30-50% thời lượng cho phim Việt, bên cạnh việc kích thích sản xuất phát triển, cũng là một trong những áp lực, nguyên nhân dẫn đến hệ quả đáng buồn này?

 Đạo diễn (ĐD) Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim TFS (Đài truyền hình TP.HCM)
Ảnh: T.T.D

Đạo diễn (ĐD) Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim TFS (Đài truyền hình TP.HCM): Dưới góc độ văn hóa, chủ trương tăng thời lượng phát sóng cho phim truyền hình Việt là cần thiết. Nhưng, bên cạnh những hãng sản xuất đầu tư tâm sức nhiều, thì không ít hãng chưa có kinh nghiệm, uy tín, vẫn ồ ạt làm phim, chưa kể tình trạng chụp giật, ăn xổi ở thì, gây ra sự lộn xộn như hiện nay. 

 

ĐD Nguyễn Hữu Phần: Xã hội hóa phim truyền hình là việc cần thiết, nhưng người làm hiện là ai? Hầu hết là các công ty truyền thông, trong khi đó tìm được công ty hiểu biết về nghề làm phim là việc hết sức khó. Chưa nói đến chuyện điều hành đoàn phim như thế nào, đối xử với đạo diễn, diễn viên, tổ chức đoàn làm phim ra sao, mà vấn đề là họ luôn luôn phải tính làm thế nào cho phim thu được quảng cáo. Họ nhắm đến các đối tượng khán giả để có thể bán được hàng, vì thế phim sẽ bị làm nhiều theo khuynh hướng giải trí vui vẻ, ít những bộ phim mang đề tài xã hội hay nhân văn. Chọn diễn viên họ cũng chọn những người đang “hot” để có nhiều người xem, số lượng quảng cáo cao hơn. Sự thiên lệch của các nhà sản xuất với số thu của quảng cáo khiến đề tài, cách khai thác, cách sử dụng kịch bản, diễn viên sai lạc đi, dẫn đến nhàm chán.

 ĐD Nguyễn Hữu Phần
Ảnh: VTV

ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Từ sản xuất phim bó hẹp, nay được bung ra, nên tất cả các bộ phận từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất cũng như các chuyên viên khác đều bị sử dụng quá tải. Đội ngũ trẻ chưa vững tay nghề cũng vội vã được bổ sung vào, khiến chất lượng nghệ thuật của phim truyền hình nói chung chưa cao. Nhưng phải nói rằng các hãng sản xuất phim chưa chú ý tạo thương hiệu lâu dài cho sản phẩm của hãng phim mình. Hiện họ chỉ chú ý xin cho được nhiều “quota” giờ phát sóng, sản xuất phim nhanh lẹ cho đỡ chi phí, rồi tìm đủ cách để đưa các sản phẩm non kém đó lọt qua các cửa nghiệm thu của các đài truyền hình. Dư luận khen chê cũng đều nhằm vào số đông, cá mè một lứa, hãng nào cũng như hãng nấy. 

Và nhà đài cũng phải tạo uy tín cho cái tên của mình

Đó là vấn đề của nhà sản xuất, thế còn các đài truyền hình, nơi “cấp phép” cho phim thì sao?

ĐD Nguyễn Hữu Phần: Tôi được biết Đài THVN (VTV) vừa lập hội đồng thẩm định kịch bản rất chắc chắn. Đó là những cải tiến mới. Con đường nhà đài cần đi theo là chọn các nhà sản xuất có uy tín, khuyến khích các nhà sản xuất dám nghĩ đến việc làm phim có tính xã hội hơn, thay vì mải chạy theo lợi nhuận. Nhà đài cũng cần phải có phân phối về mặt đề tài. Ví dụ, hiện nay chúng ta có 300 tập phim/năm thì cần phải phân chia xem trong đó các đề tài về nông thôn, thành phố, cho các đối tượng khán giả khác nhau là bao nhiêu. Chúng ta cần đặt phim theo cách đó.

 ĐD Nguyễn Vinh Sơn
Ảnh: T.l

ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Các đài cũng phải tạo uy tín cho tên tuổi của mình, cương quyết không nghiệm thu các sản phẩm kém chất lượng. Điều này thuộc về lương tâm nghề nghiệp của các cán bộ phụ trách. Các đài dễ đi vào đường mòn của các cơ sở quốc doanh, đầy quyền lực nhưng ít trách nhiệm cá nhân. Từ đó phát sinh nhiều tiêu cực, thỏa hiệp với các hãng phim để cho qua các sản phẩm non kém. Chính khe hở cửa sau này từ ban phát “quota” giờ phát sóng đến nghiệm thu dễ dãi sản phẩm khiến chất lượng phim đi xuống.  

Vậy đội ngũ làm phim, theo các anh, họ dễ dãi với nghề của mình là do “lộ trình” từ trên xuống?

ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Có tình trạng một số biên kịch, đạo diễn, diễn viên giỏi tay nghề, đã từng làm ra nhiều bộ phim có chất lượng, nhưng dần dần chuyển qua làm cho có, kiểu tay ngang. Vì cung cách quản lý của ta hiện nay đánh đồng phim hay, phim dở, khiến những người giỏi nản chí, làm chơi ăn thiệt, khỏi suy nghĩ tìm tòi nhọc công. Đội ngũ trẻ, với vốn hiểu biết nghề nghiệp ít ỏi, cũng thấy đủ xài rồi, không cần phải học hỏi nghiên cứu thêm làm gì cho rách việc.

Việc đánh bóng, quảng bá cho phim đã có các hãng sản xuất lo, từ đài truyền hình cho tới các phương tiện truyền thông, kể cả việc hướng dẫn, đối phó với dư luận. Chất lượng nghệ thuật cứ tuột dốc là chuyện hiển nhiên.

ĐD Nguyễn Hữu Phần: Bây giờ, nhà sản xuất làm chủ mọi việc vì họ bỏ tiền ra làm phim. Trong phim nhà sản xuất có thể tạo ra nhân vật chuyên dùng kẹo cao su, để áp vào đấy làm tài trợ. Từ đó, bắt đạo diễn mỗi tập phải có 5 lần cho nhân vật nhai kẹo cao su. Đạo diễn đành phải bịa như cảnh nhân vật bị mệt, cô người yêu đưa cho cái kẹo cao su ăn để tỉnh người. Đạo diễn phải sửa kịch bản kiểu như vậy để tăng thêm lượng quảng cáo. Diễn viên chọn phải cô này, cô kia đang nổi, nhất là có xì căng đan, để được khán giả quan tâm. Đạo diễn bị ép phải theo, không còn quyền lực nữa. Họ không còn làm tác phẩm cho mình nữa mà phải làm hàng. 

Theo các anh chị, sau giai đoạn của những “thảm họa” thì bức tranh phim truyền hình rồi cũng sẽ tới thời “tươi sáng”, theo quy luật thăng bằng, hay phải cần cú hích nào đó, từ bây giờ?

ĐD Quốc Hưng: Lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng cần có sự lộn xộn trước khi đi tới ổn định, đó là quy luật thăng bằng. Sự đi xuống của chất lượng phim như hiện nay là vì đội ngũ làm nghề của chúng ta quá mỏng, và suy cho cùng, là vì VN chưa có thị trường đúng nghĩa về phim ảnh, nên thiếu những người làm nghề theo nghĩa chuyên nghiệp.

ĐD Nguyễn Vinh Sơn: Ở đây chẳng có quy luật nào, ngoài quy luật bất thành danh của những cơ sở độc quyền: càng ngày càng phát sinh tiêu cực. Tôi được biết một số người sử dụng quyền uy để làm khó nhà sản xuất, không những chỉ đòi hỏi bồi dưỡng này nọ, mà còn yêu sách đến cả việc đưa các người thân quen của mình vào đóng phim.

Làm thế nào để chấn chỉnh? Tôi e là rất khó, vì vấn đề này đụng tới cả một hệ thống, một lề lối chạy việc, một “văn hóa có qua có lại”. Phần thiệt thòi dĩ nhiên rơi vào khán giả.

Nguyên Vân - Minh Ngọc
(thực hiện)

>> Phim truyền hình Việt đang chết: Từ “quan hệ” đến “chơi chiêu”
>> Phim truyền hình “lép vế”
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ
>> “Kim siêu vòng ba” mất ngôi nữ hoàng phim truyền hình
>> Phim truyền hình "nói khéo" chuyện thời sự
>> Lindsay Lohan làm khách mời phim truyền hình "Glee
>> Dán nhãn cho phim truyền hình
>> Phim truyền hình 2012 - Cuộc chơi của các đại gia
>> Trung Quốc cấm nhập phim truyền hình trên 50 tập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.