Phim truyền hình 2012 - Cuộc chơi của các đại gia

15/02/2012 09:30 GMT+7

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và TPHCM (HTV) đã có lịch phát sóng phim Việt đến hết quý 1-2012. Vấn đề lớn nhất đang được các đài quan tâm là về chất lượng nội dung phim. Trong khi đó, nhà sản xuất lại đang chạy đua để trở thành (hoặc tiếp tục) là đối tác của nhà đài và có phim phát sóng.

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và TPHCM (HTV) đã có lịch phát sóng phim Việt đến hết quý 1-2012. Vấn đề lớn nhất đang được các đài quan tâm là về chất lượng nội dung phim. Trong khi đó, nhà sản xuất lại đang chạy đua để trở thành (hoặc tiếp tục) là đối tác của nhà đài và có phim phát sóng.

Gương mặt cũ

Sau một thời gian “dội” sóng và bị khán giả kêu ca về chất lượng ngày càng giảm của các bộ phim Việt phát sóng trên các đài truyền hình, giờ đây, cả VTV và HTV đều đang có những bước thay đổi trong việc duyệt kịch bản, duyệt phim và chọn lựa các phim lên sóng. Hiện nay, VTV đã thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản và phim truyền hình.

Theo đó, các kịch bản sau khi được hội đồng duyệt và đạt yêu cầu sẽ được đưa vào sản xuất phim. Khi phim hoàn thành, hội đồng tiếp tục duyệt phim sau đó mới đưa ra lịch phát sóng. Với những phim nhà sản xuất tự mang đến, hội đồng duyệt thấy phù hợp và đạt yêu cầu, VTV sẽ mua và lên lịch phát sóng.

Năm 2012, đối tác của VTV chủ yếu vẫn là những tên tuổi quen thuộc như: Đất Việt, Sóng Vàng, Kiết Tường, Thiên Ngân… Ông Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, khẳng định: “Chúng tôi chủ yếu chú trọng vào chất lượng phim chứ không chọn đối tác. Đối tác dù là công ty, hãng phim nổi tiếng, đã từng làm việc với đài nhưng nếu phim của họ không đạt chất lượng, chúng tôi vẫn từ chối”. HTV cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định phim truyền hình xã hội hóa (để phân biệt với dòng phim do TFS sản xuất). Hội đồng này sẽ duyệt từ khâu đề cương kịch bản, sau đó duyệt thành phẩm (phim). Nhìn vào danh sách các phim sẽ phát sóng trong năm 2012, vẫn là những đối tác quen thuộc của HTV như Hãng phim Giải Phóng, Sóng Vàng, M&T Pictures, Kiết Tường, V.art, Thiên Nam An, Sao Thế Giới…

Cơ chế mới

Nếu trước đây, các đài chỉ trả lại cho nhà sản xuất bằng quảng cáo, nay đã linh động hơn khi đồng ý chi trả bằng tiền mặt (nhưng cũng chỉ với một vài trường hợp đặc biệt). VTV sẽ trả bằng tiền mặt nếu nhà sản xuất không có khả năng bán quảng cáo và đề nghị được trả tiền mặt (tuy nhiên nhà sản xuất vẫn phải cam kết với đài sẽ đảm bảo doanh thu). Tùy vào chất lượng, doanh thu của bộ phim mà VTV có cách chi trả khác nhau, chứ không có khung giá cố định.

HTV cũng vậy. Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV, cho biết: “HTV nghiệm thu kịch bản chi tiết (hoặc đặt hàng viết kịch bản) sau đó mới ký hợp đồng với nhà sản xuất. Tiếp đến là việc xem xét phương án sản xuất phù hợp mới giao phim và tạm ứng tiền. HTV không bắt nhà sản xuất cam kết quảng cáo và hỗ trợ nhà sản xuất bằng việc thanh toán một phần kinh phí khi phim đưa vào sản xuất. Sau khi nghiệm thu phim, HTV tiếp tục thanh toán thêm một phần kinh phí nữa. Quy trình nghiệm thu và khâu kiểm duyệt phim chặt chẽ hơn để chọn lọc phim đạt chất lượng mới đưa lên sóng”.

 
Phim Vòng tròn cạm bẫy đang phát sóng trên VTV1 là một trong số ít bộ phim được VTV trả bằng tiền mặt thay vì quảng cáo.

Được biết, kinh phí HTV chi trả cho mỗi bộ phim cũng khác nhau, chứ không theo một giá cố định. Với những phim có doanh thu tốt, HTV sẽ có chế độ thưởng; với dòng phim chính luận, nếu đạt yêu cầu về nội dung, chất lượng, HTV sẽ có chính sách ưu đãi về giá cả. Hiện nay, mặt bằng chung vẫn là 200 triệu đồng/tập (cả VTV và HTV). Đặc biệt, vẫn có những bộ phim được HTV trả cao gấp 2 lần. Với cơ chế chi trả mới, nhà sản xuất đã được tạo điều kiện tối đa trong việc tập trung vào sản xuất, không phải lo chạy kiếm quảng cáo như trước đây.

Quy trình duyệt cũng có nhiều thay đổi, với mong muốn chọn được những phim đạt chất lượng tốt nhất có thể. Tại VTV, hội đồng thẩm định duyệt đề cương và toàn bộ kịch bản chi tiết (trước đây chỉ duyệt đề cương và 5 tập kịch bản chi tiết). Sau khi trao đổi, chỉnh sửa đạt yêu cầu mới đồng ý cho sản xuất.

Hiện nay, sản xuất và có phim phát sóng trên các đài truyền hình vẫn thuộc về các đại gia quen mặt. Rất ít đơn vị, công ty mới dám liều lĩnh xông vào lĩnh vực này. Tiếng là đã có cơ chế mới thoáng hơn, song thực chất, từ khi đề cương kịch bản rồi đến kịch bản chi tiết được duyệt, đến quá trình sản xuất phim (ít nhất cũng vài ba tháng), thậm chí phim đã phát sóng rồi, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều chưa thể nhận được tiền. Các chi phí từ công đoạn đầu tiên cho đến khâu cuối cùng, nhà sản xuất đều phải ứng tiền ra làm. Có nhà sản xuất thực hiện cùng lúc 5 - 6 bộ phim (cho 2 - 3 đài truyền hình); thậm chí có đơn vị, có hẳn giờ phát sóng phim trên truyền hình, nên áp lực sản xuất phim là không nhỏ. Bộ phim khi đã được phát sóng trên đài truyền hình, bản quyền thuộc về nhà đài chứ không còn của nhà sản xuất. Nếu muốn phim mình được phát sóng trên đài khác, nhà sản xuất phải thương lượng với đài (đã phát sóng phim) để… mua lại phim của mình. Vì thế, sản xuất phim truyền hình vẫn là cuộc chơi dành cho những đại gia quen mặt, biết tên và có sức mạnh tài chính nhất định. Một cuộc chơi khắc nghiệt và đầy rủi ro.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.