Phim tài liệu cháy vé

08/01/2015 04:22 GMT+7

Hàng trăm khán giả xếp hàng dài chờ đến lượt vào xem bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội). Chuyện tưởng như khó tin với một bộ phim tài liệu VN.

Hàng trăm khán giả xếp hàng dài chờ đến lượt vào xem bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội). Chuyện tưởng như khó tin với một bộ phim tài liệu VN.

 
Rất đông khán giả xếp hàng mua vé xem phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tại
Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) - Ảnh: Minh Ngọc
Những khán phòng chật kín khán giả, những hàng ghế phụ liên tục được kê thêm. Sự đón nhận của khán giả khiến “những người trong cuộc” cũng phải bất ngờ. Blue Productions, đơn vị phát hành phim, đã phải tăng lên gần gấp đôi số suất chiếu là 30 suất (trung bình 300 khán giả/suất) so với dự định 16 suất như ban đầu.
Chật kín người xem
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đưa khán giả theo chân những người đồng tính nam trong gánh hát lô tô, để từ đó có cái nhìn chính xác về cuộc sống tứ cố vô thân đầy bấp bênh, bất trắc của họ. Ở đó, người ta được nghe những lời tâm sự, suy nghĩ thành thật về cuộc đời, tình yêu, ước mơ... và thấy những khắc nghiệt của cuộc sống, những kỳ thị của người đời, nhưng cũng có cả tình thương yêu, sự đùm bọc giữa những con người cùng cảnh ngộ. 
Không dừng lại tại TP.HCM, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã đến với khán giả Hà Nội. Cũng giống như nơi đặt chân trước đó, bộ phim được đông đảo khán giả tại Hà Nội đón nhận. 18 suất chiếu kéo dài trong gần một tuần lễ tại Trung tâm văn hóa Pháp luôn chật kín người xem. Thậm chí, ngay từ nhiều ngày trước khi phim ra mắt, có những buổi chiếu đã hết sạch vé.
Theo thống kê ban đầu, khoảng 9.000 lượt khán giả tại TP.HCM và 3.200 lượt khán giả ở Hà Nội đã đến với “chị Phụng” chỉ riêng trong tháng 12.2014. Con số này chắc chắn chưa dừng lại. Trong tháng 1, CGV (đơn vị phát hành phim của nước ngoài) đã lựa chọn Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng chiếu tại phòng chiếu Art House ở hai cụm rạp TP.HCM và Hà Nội. Đồng thời, khán phòng của Idecaf cũng tiếp tục chiếu phim trong suốt các ngày từ 9 - 13.1, mỗi ngày 2 suất phục vụ khán giả.
Cơ hội cho phim tài liệu Việt ?
Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chỉ dám thổ lộ với diễn viên Hồng Ánh rằng mong ước một ngày Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có thể đến với khán giả dù là chiếu miễn phí. Còn Hồng Ánh, chị đã hoàn toàn bị bộ phim thuyết phục để phát hành thương mại. “Lúc đầu tôi không nghĩ bộ phim có thể tạo hiệu ứng lớn đến như vậy, mà chỉ hướng đến những đối tượng khán giả chính của phim. Nhưng chỉ sau 1 - 2 suất chiếu đầu giới thiệu, hiệu ứng của bộ phim lan tỏa rất nhanh. Điều đó cho thấy nếu có người chia sẻ, nếu có cách tiếp cận phù hợp với khán giả thì phim tài liệu cũng không phải thể loại khó phát hành”, Hồng Ánh nói.
Cùng có ước mong giống như đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, nhưng đạo diễn Trịnh Quang Tùng - người được biết đến với hàng loạt bộ phim tài liệu “có chất”, trong đó có Chuyện dài ở bệnh viện (đã đoạt giải thưởng Bông sen bạc tại Liên hoan phim VN lần thứ 18), cho rằng: “Nhà nước đặt hàng làm phim nên việc phát hành phim phụ thuộc vào hệ thống của nhà nước”. Hiện nay, các hãng phim tài liệu nhà nước, hay các đài truyền hình thường làm phim theo đơn đặt hàng, chiếu miễn phí vào các dịp lễ, liên hoan, trên sóng truyền hình, chứ không có cơ chế phát hành ngoài rạp. Thêm nữa phần lớn phim tài liệu được sản xuất bởi các đài truyền hình hoặc các hãng phim nhà nước theo các chủ đề có sẵn và cách tiếp cận đề tài cũng theo khuôn khổ lâu nay nhằm mục đích tuyên truyền, hoặc chiếu cho những nhóm người làm chuyên môn mà ít nghĩ đến yếu tố khán giả. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng có thể đến với khán giả cũng là bởi câu chuyện đời thường, được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp không áp đặt.
Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ghi dấu là bộ phim tài liệu VN đầu tiên được chiếu rạp thương mại. Và ngay lập tức, bộ phim tạo nên hiệu ứng lớn với công chúng. Liệu chuyến hành trình đầu tiên này sẽ mở ra nhiều chuyến hành trình mới cho phim tài liệu Việt?
Liên hoan phim dành cho những tài năng mới
Liên hoan phim Clap! Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức dành cho những tài năng mới ở các lĩnh vực phim: điện ảnh, truyền hình và web, diễn ra từ ngày 17 - 25.1 tại L’Espace - Viện Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Đặc biệt, bộ phim đầu tay của đạo diễn Guillaume Gallienne Les garçons et Guillaume, à table (Tôi, bản thân mình và mẹ) đã được trao 5 giải thưởng César 2014, trong đó có giải phim hay nhất, được công chiếu tại liên hoan lần này. Thông tin về liên hoan và các bộ phim tham dự được đăng tải trên trang web clapfestival.com.
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đưa khán giả theo chân những người đồng tính nam trong gánh hát lô tô, để từ đó có cái nhìn chính xác về cuộc sống tứ cố vô thân đầy bấp bênh, bất trắc của họ. Ở đó, người ta được nghe những lời tâm sự, suy nghĩ thành thật về cuộc đời, tình yêu, ước mơ... và thấy những khắc nghiệt của cuộc sống, những kỳ thị của người đời, nhưng cũng có cả tình thương yêu, sự đùm bọc giữa những con người cùng cảnh ngộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.