Phim đoạt giải đắp chiếu trong kho

04/09/2013 11:15 GMT+7

Được đầu tư với kinh phí lớn, ẵm giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan phim trong nước, nhưng cuối cùng lại chật vật để tìm đầu ra. Nhiều giải thưởng điện ảnh đang bị “đắp chiếu”, nhiều bộ phim chỉ được công chúng nghe tên mà chưa biết mặt.

Đạo diễn Nhuệ Giang đang bất lực nhìn Lạc lối - bộ phim mà chị đã dành nhiều tâm huyết thực hiện, vừa giành giải Cánh diều bạc, vẫn nằm im lìm một chỗ, chưa biết khi nào mới ra được rạp. Là dự án phim độc lập nên Lạc lối không có đặc quyền được nhận “lệnh” công chiếu tại các rạp phim của nhà nước. May mắn là một công ty tư nhân đã đồng ý nhận phát hành cho Lạc lối, nhưng yêu cầu phía nhà sản xuất chi 250 triệu đồng để quảng cáo. Còn nhà sản xuất thì không biết xoay đâu ra vì kinh phí đã đổ dồn hết vào việc làm phim, không chừa một khoản nào cho quảng bá. “Phim không có ngôi sao, không thuộc dòng giải trí, nên dù phim có được giải thưởng, nhiều nhà phát hành cũng không tự tin lắm”, đạo diễn thành thật.

Khác với Lạc lối, bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ (đạo diễn Đào Duy Phúc) được nhà nước đặt hàng với kinh phí lên tới 56 tỉ đồng, nhưng cũng loay hoay mãi chẳng thể lên sóng. Mới đây Thái sư Trần Thủ Độ bất ngờ xuất hiện trong lễ trao giải Cánh diều và bất ngờ hơn là được trao giải Cánh diều vàng phim truyền hình xuất sắc. Hỏi đạo diễn Đào Duy Phúc có vui không khi nhận được giải thưởng, anh nói vui mà cũng buồn, vui vì phim được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, nhưng buồn một nỗi đến giờ vẫn lưu trong kho. “Với những người làm phim, phản hồi của khán giả mới là phần thưởng lớn nhất”, đạo diễn ngậm ngùi. Nhưng chính anh và hãng phim sản xuất cũng không thể quyết định được việc bao giờ bộ phim mới có thể đến với công chúng.


Bộ phim Mùi cỏ cháy thử lửa với doanh thu phòng vé - Ảnh: đoàn phim cung cấp

May mắn hơn, bộ phim hoạt hình đoạt giải Cánh diều vàng và Bông sen bạc Người con của rồng của đạo diễn Phạm Minh Trí, đã ra được rạp chiếu, tuy chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Dù vậy, nhà làm phim chẳng bao giờ dám mơ đến việc có thể thu hồi lại số kinh phí gần 7 tỉ đã được đầu tư bởi các buổi chiếu gần như là miễn phí.

Quên phần quảng bá

Đạo diễn Phạm Minh Trí cho rằng, một trong những lý do để các bộ phim - trong đó phần lớn do các hãng phim nhà nước sản xuất - dù được giải thưởng cao, nhưng lại rất khó đến với công chúng là khâu quảng bá không được chú trọng. “Trên thế giới, nếu người ta bỏ ra 10 phần kinh phí để sản xuất phim thì trong đó đã trích ra 3 phần cho việc quảng bá rồi”, ông nói. Trong khi ở Việt Nam, chỉ có các nhà sản xuất tư nhân chú ý tới khâu quảng bá, còn với các hãng phim nhà nước “từ trước đến nay tiền sản xuất phim không bao gồm tiền hỗ trợ cho phát hành phim”, đạo diễn Nhuệ Giang nói. Lâu nay các hãng phim nhà nước luôn kêu ca tiền làm phim đã ít, nếu bỏ ra cả tiền để phát hành thì lấy đâu ra.

Nhưng khi phim ra được rạp rồi thì mọi chuyện cũng không hẳn là đã như… mơ. Hầu hết bộ phim do nhà nước đầu tư kinh phí được “bảo hộ” một phần trong việc đưa đến công chúng: chiếu tại các rạp chiếu nhà nước trong các dịp lễ, kỷ niệm và hoàn toàn không bán vé. Năm ngoái là lần hiếm hoi một phim nhà nước và cũng là bộ phim đoạt giải Cánh diều vàng và Bông sen bạc là Mùi cỏ cháy mạnh dạn “thử lửa” với doanh thu phòng vé. Nhưng chẳng ai dám công bố số tiền thu được từ bán vé là bao nhiêu, vì mọi người nhận thấy rõ khán giả đến xem phim lẻ tẻ và thưa thớt. Một bộ phim được làm với kinh phí trên 5 tỉ đồng như Mùi cỏ cháy phải bán được trên 10 tỉ đồng tiền vé mới có lãi. Trong khi bộ phim chỉ được chiếu tại 3 điểm rạp và lịch chiếu chỉ kéo dài trong vài tuần ngắn ngủi, đến ngay như hòa vốn cũng là điều không tưởng. Chuyện thu hồi vốn lâu nay chẳng mấy khi được các hãng phim nhà nước cho là chuyện quan trọng. Một nhà quản lý buồn bã thốt lên: “Có hãng phim vay 2 tỉ đồng để làm phim mà đến mấy năm rồi không có tiền để trả”.

Không phát hành được, những giải thưởng bị “đắp chiếu”, có phải các liên hoan phim trong nước chưa đủ tạo nên thương hiệu để quảng bá cho bộ phim, hay đây là cách làm phim lãng phí theo công thức: đầu tư sản xuất phim đi thi, để có giải rồi... lưu kho?

“Hàng phở ngon lúc nào cũng đông khách, không ngon thì sao họ đến ăn. Điện ảnh cũng vậy thôi! Nguyên nhân chính là phim không hay, kịch bản dở, đạo diễn tồi. Nên dù phim có chiếu miễn phí người ta cũng hờ hững. Ngay như liên hoan phim sắp tới, phim tham gia số lượng không ít, nhưng chất lượng èo uột. Trong “mớ” đó người ta vẫn phải chọn ra kết quả nhưng sau đó thì chiếu ra rạp có ai xem đâu. Dù có ca ngợi thế này thế kia mà phim không hay thì sao khán giả muốn xem”.

NSND Thế Anh

“Theo tôi ở đây có hai vấn đề, một là các hãng phim nhà nước cần có bộ phận tiếp thị, ngân sách dành cho quảng cáo. Điều mà lâu nay họ đã bỏ qua. Hai là nhà nước cần có chính sách khuyến khích có thêm những rạp chiếu chiếu phim của mình”.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn

“Dù đoạt giải thưởng nào đi chăng nữa thì phim muốn đến với khán giả phải có rạp chiếu, nếu không thì… cũng “đắp chiếu” thôi. Còn vì sao các rạp lại không nhận chiếu phim thì chính các nhà làm phim phải tự tìm câu trả lời từ các nhà phát hành và công chúng. Họ cần phải tự chủ động tìm đến nhà phát hành chào mời, thuyết phục chứ không phải ngồi im để người ta tự đến tìm mình”.

Đạo diễn Lê Bảo Trung

Ngọc An

>> Cắt giờ phim Việt
>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Diễn viên Hồng Kông Hoàng Thu Sinh: “Nếu đóng phim Việt Nam thì vai gì cũng đóng”
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?
>> Phim Viet Costas: Citizenship undefined đoạt giải nhất
>> Liên hoan phim Việt - Hàn lần thứ 1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.