Phát hiện lò gốm hoàng cung ở Chu Đậu

18/01/2015 09:00 GMT+7

Những lò gốm được mở rộng. Những sản phẩm men ngọc giống hệt đồ khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long. Khai quật mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh thành cho thấy hình dung rõ hơn mối liên hệ của gốm Chu Đậu với gốm Thăng Long.

Những lò gốm được mở rộng. Những sản phẩm men ngọc giống hệt đồ khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long. Khai quật mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh thành cho thấy hình dung rõ hơn mối liên hệ của gốm Chu Đậu với gốm Thăng Long.

Các loại bát men ngọc thời Lê Sơ tìm thấy tại các hố khai quật Các loại bát men ngọc thời Lê Sơ tìm thấy tại các hố khai quật - Ảnh: Trí Bùi

Hai hố khai quật với tổng diện tích 100 m2 đã được mở ở thôn Chu Đậu, H.Nam Sách, Hải Dương. “Nếu tính số lần khai quật tại di chỉ gốm Chu Đậu từ trước đến nay, thì đây là cuộc khai quật lần thứ 7. Và nếu so sánh về diện tích khai quật, thì lần này có quy mô lớn nhất”, PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, nói. Cuộc khai quật do Trung tâm và Bảo tàng Hải Dương thực hiện.

Lấp khoảng trống nhận thức về gốm Chu Đậu

Cuộc khai quật, do đó được đặt hy vọng sẽ lấp dần khoảng trống nhận thức về gốm Chu Đậu. Bởi tuy di chỉ Chu Đậu đã được công nhận di tích quốc gia, song theo ông Trí, phần lớn các cuộc khai quật ở đây đều chưa làm rõ được vấn đề địa tầng. Nó khiến việc xác định niên đại các loại hình đồ gốm Chu Đậu còn nhiều hạn chế. Mặt khác, các cuộc đào trước đây người ta chưa phát hiện nên chưa thể nghiên cứu các di tích lò gốm. Vì thế, diện mạo lò gốm Chu Đậu như thế nào, quy mô, cấu trúc và kỹ thuật sản xuất của các lò gốm đó ra sao vẫn là một khoảng trống lớn. Chưa kể, nó còn làm dấy lên nghi ngờ về nhiều loại hình gốm Chu Đậu. Chẳng hạn, trong lô hàng gốm trên con tàu đắm Hội An khai quật năm 1997 - 2000, tuy được cho rằng hoàn toàn là sản phẩm tại Chu Đậu, song lại có nhiều loại hình gốm chưa từng tìm thấy tại di chỉ này.

Tại một hố khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy mảnh bao nung, đồ gốm men, con kê, xỉ than, gạch vụn và chồng dính các loại. Chúng đều là đồ phế thải của lò gốm. Đồ gốm men tìm thấy trong tầng văn hóa này khá phong phú, đa dạng bao gồm các dòng gốm. Gốm men ngọc có bát, đĩa, âu, nắp, tước, lư hương... Men trắng gồm bát, đĩa, tước, âu, lọ... Ngoài ra còn có men trắng vẽ lam hay men trắng vẽ chỉ lam. “Trong số hiện vật này, có những loại hình giống như đồ gốm đã tìm thấy ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long”, ông Trí cho biết.

Phát hiện một không gian sản xuất gốm

Cấu tạo địa tầng và cách thức rải đồ phế thải cho thấy rõ khu vực này vốn là một ao hay hồ nước, sau đó được san lấp bằng phế thải của lò gốm để làm mặt bằng sản xuất hoặc làm nơi cư trú. “Nó cho thấy khoảng cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, người ta đã sử dụng đồ phế thải để san lấp hố với mục đích làm nhà xưởng nhằm mở rộng quy mô sản xuất gốm”, ông Trí nhận định.

Cuộc khai quật lần này không những làm rõ hơn về quy mô và lịch sử hình thành phát triển của gốm Chu Đậu mà còn cung cấp nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu so sánh với gốm lò quan Thăng Long và những loại hình sản phẩm gốm Chu Đậu được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long vào thời Lê sơ, thế kỷ 15 - 16

PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành

Khai quật cũng tìm thấy dấu tích phần đáy lò của một lò gốm. Nghiên cứu đất cháy phần cửa lò còn cho thấy lò lửa được sử dụng trong thời gian khá lâu dài, được tu sửa khá nhiều lần và có nhiệt độ nung rất cao. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy bao nung chuyên dụng để nung sản phẩm đơn chiếc, đó là loại đĩa men ngọc có đường kính khoảng 13 - 16 cm. Nhiều chồng dính của loại đĩa này cũng được tìm thấy. “Dường như cuộc khai quật đã phát hiện được một không gian sản xuất gốm hay chính là di chỉ xưởng sản xuất gốm”, ông Trí nói.

Cũng tại đây, hai sản phẩm gốm của lò quan Thăng Long đã được phát hiện. “Đây là phát hiện cực kỳ có giá trị, minh chứng rằng thợ gốm ở đây đã có mối quan hệ nào đó với thợ gốm ở Thăng Long hoặc đây là những quà tặng từ kinh thành Thăng Long”, ông Trí nói.

Nhiều loại đĩa nhỏ cao cấp, bên ngoài vẽ hoa sen dây, mặt trong vẽ phong cảnh, chim, cá cũng được tìm thấy. Các sản phẩm hoa lam này có mối quan hệ rõ ràng về phong cách và nghệ thuật trang trí từ di chỉ lò gốm ngói. Các nhà khoa học cũng bước đầu phát hiện ảnh hưởng phong cách giữa gốm Chu Đậu và gốm hoa lam lò Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). “Chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá sâu hơn sau khi hoàn thành công tác chỉnh lý”, ông Trí cho biết.

Bên cạnh đó, theo các nhà khảo cổ, nhiều sản phẩm của lò gốm này chắc chắn đã từng được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Kết quả nghiên cứu so sánh ban đầu cho thấy, nhiều sản phẩm gốm men ngọc ở đây giống hệt với những đồ gốm khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Các nhà khoa học cho biết đây là lần thứ hai phát hiện được dấu tích lò nung gốm tại Chu Đậu. Lò này chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt với 3 dòng gốm chính là gốm men ngọc, gốm hoa lam và gốm men trắng. Trong đó, gốm men ngọc dường như là sản phẩm chủ đạo, được chế tạo với trình độ công nghệ rất cao, không thua kém sản phẩm gốm men ngọc lò Long Tuyền (Chiết Giang, Trung Quốc) đương thời. “Đáng lưu ý, những sản phẩm gốm men ngọc ở đây được nung đơn chiếc. Phát hiện này rất có ý nghĩa. Nó không chỉ cho ta thấy được công nghệ và trình độ sản xuất rất cao của gốm Chu Đậu mà còn phản ánh về việc đầu tư quy mô để cung cấp ra thị trường những sản phẩm gốm có chất lượng cao”, ông Trí phân tích.

Mặt bằng khai quật còn cho thấy sự mở rộng quy mô sản xuất trước nhu cầu thị trường. Nó cũng cho thấy đây là khu vực sản xuất gốm của một gia đình thợ gốm hay của một thợ gốm. “Nó rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu về phong cách cá nhân hay phong cách truyền thống gia đình trong việc sản xuất gốm đương thời. Trước đây, chưa cuộc khai quật nào đủ lớn để có thể tìm hiểu được không gian sản xuất của một cơ sở sản xuất tại Chu Đậu”, ông Trí nói.

“Cuộc khai quật lần này không những làm rõ hơn về quy mô và lịch sử hình thành phát triển của gốm Chu Đậu mà còn cung cấp nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu so sánh với gốm lò quan Thăng Long và những loại hình sản phẩm gốm Chu Đậu được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long vào thời Lê sơ, thế kỷ 15 - 16”, ông Trí kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.