Phan Huỳnh Điểu: Bậc thầy phổ thơ

02/07/2015 05:57 GMT+7

Phần đông trong giới nhạc sĩ đều biết phổ thơ thành ca khúc, nhưng hầu như chỉ Phạm Duy và Phan Huỳnh Điểu là 2 tay cự phách, xứng đáng được gọi là “phù thủy âm nhạc”.

Phần đông trong giới nhạc sĩ đều biết phổ thơ thành ca khúc, nhưng hầu như chỉ Phạm Duy và Phan Huỳnh Điểu là 2 tay cự phách, xứng đáng được gọi là “phù thủy âm nhạc”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thành viên Ban giám khảo Tiếng hát mãi xanh - Ảnh: Độc Lập
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thành viên Ban giám khảo Tiếng hát mãi xanh - Ảnh: Độc Lập
Hơn mười năm “ôm” Bóng cây Kơnia
Những ca khúc phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu muôn hình vạn trạng, đa sắc màu nhưng tất thảy đều lay động con tim người nghe.
Thơ tôi tìm từng câu/Nhạc anh rung từng nốt”, sinh thời nhà thơ Tế Hanh đã làm tặng người bạn tri kỷ Phan Huỳnh Điểu câu thơ trên. Có lẽ nhà thơ Tế Hanh đã cảm khái thành thơ khi Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc bài thơ Những người đã chết của mình vào năm 1946. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tác phẩm “mở hàng” nào cũng thành công. Những người đã chết cũng “chết” theo năm tháng... Sau đó, Phan Huỳnh Điểu còn có vài ca khúc phổ thơ nữa nhưng cũng không thành công.
Đến khi ông gặp bài thơ của bạn đồng hương Ngọc Anh, bài Bóng cây Kơnia, cảm được bài thơ, phổ nhạc xong, hát lên vẫn thấy có một cái gì đó chưa lột tả được “hồn cốt” bài thơ, lại xé đi, viết lại. Cứ thế, Phan Huỳnh Điểu đã “xoay” với bài thơ này đến... 11 năm (từ năm 1959 đến 1970). Ông kể: “Tôi gặp Bóng cây Kơnia lúc nhà thơ Ngọc Anh còn trẻ lắm, mới 20 tuổi. Nhưng phổ nhạc mãi mà chẳng ra “mùi” Tây nguyên. Phải đến năm 1964, đi chiến trường B, về sống ở Tây nguyên, tận mắt thấy cây Kơnia, cảm được tiếng cồng chiêng trong bản làng, chất Tây nguyên mới đẫm trong tôi. Năm 1970, tôi chuyển ra Bắc để chữa bệnh, có cô sinh viên trường nhạc, người dân tộc Bana tên Măng Thị Hội đến tìm và nói cần một ca khúc về Tây nguyên để thi tốt nghiệp. Lúc đó, tôi mới phổ lại bài thơ Bóng cây Kơnia và Măng Thị Hội đã thể hiện rất thành công ca khúc này trong buổi thi tốt nghiệp. Về sau có nhiều ca sĩ thể hiện khá tốt ca khúc Bóng cây Kơnia của tôi, nhưng Măng Thị Hội vẫn là ca sĩ thể hiện xuất sắc và đậm hồn Tây nguyên hơn cả”. Lần này, lại cũng nhà thơ Tế Hanh tán dương bạn bằng những câu thơ: “Từ bài Cây Kơnia/Sương tan và mây tỏa/Khắp núi rừng Tây nguyên/Điệu rông-chiêng rộn rã...”.
Phổ nhạc cả khi ngã bệnh
Còn với ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly), ông kể: “Lúc đó, tôi ở chiến trường được chuyển ra bắc vì bị sốt rét, rất gầy gò, ốm yếu, chỉ còn da bọc xương. Tôi nằm ở Bệnh viên đông y Hà Nội, bệnh nhân đông nhưng phòng chỉ có 8 giường. Nhờ sự quan tâm chăm sóc của một nữ y tá, tôi được ưu tiên nằm giữa, ngày càng thấy khỏe hơn. Tình cờ đọc được bài thơ Cuộc đời vẫn đẹp sao của Dương Hương Ly, tôi thấy như tâm sự của mình nên bắt nguồn cảm hứng phổ thành ca khúc. Tình cờ, NSND Quốc Hương đến thăm, tôi đưa bản nhạc cho Quốc Hương. Một tuần sau, anh ấy trở lại và... hát vang: Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể triền miên mang đầy thương tích... Tôi đệm ghi ta cho anh ấy hát, hát mãi... Cả bệnh viện hôm đó như có một bữa tiệc âm nhạc”.
Cách đây 11 năm nhân ngày lễ Tình nhân (Valentine 14.2.2004), người viết có phỏng vấn “Nhạc sĩ của Tình Yêu - Phan Huỳnh Điểu” về “Nhà thơ của Tình Yêu - Xuân Quỳnh”. Nhạc sĩ nói: “Thơ Xuân Quỳnh vừa trẻ trung, vừa sâu sắc. Đã hay về lời văn lại hay cả về tình cảm và âm điệu. Tôi không chỉ hiểu mà còn biết rất rõ về Xuân Quỳnh bởi chúng tôi cùng ở khu nhà tập thể 96 Phố Huế (Hà Nội). Căn hộ của tôi sát cạnh hộ của nhà thơ Lưu Quang Thuận (bố Lưu Quang Vũ), càng thân bởi đồng hương Đà Nẵng. Khi Quỳnh về sống với Vũ, nhà tôi cùng nhà ông Thuận cùng nhường cho đôi vợ chồng mới này 2 cái... phòng tắm sát vách, để có căn hộ... 4 mét vuông. Chật chội là thế, nhưng họ đã sống bên nhau cho đến lúc không còn hiện diện trên cõi đời này...”. Rồi nhạc sĩ dặn tới, dặn lui là trong bài Thư tình cuối mùa thu phải hát “mùa thu vào hoa cúc” nhé, đừng hát “mùa thu và hoa cúc” là hỏng cả thơ lẫn nhạc...
Ca sĩ Tuấn Phong, một trong những ca sĩ thể hiện rất thành công ca khúc Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu), thổ lộ: “Thuyền và biển là một tác phẩm lớn mang màu sắc kinh điển, mang tính hàn lâm - thính phòng sang trọng ngay từ khi mới ra đời. Đó cũng là bước ngoặt của âm nhạc Phan Huỳnh Điểu ở những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Nó lỗi lạc ở chỗ hướng con người đi lên mang tính nhân văn, chỉ ca ngợi tình yêu thuần túy và muôn đời chứ không mang tính chiến đấu như những ca khúc của ông trước đây...”.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ thành nhạc với âm sắc Tây nguyên qua Bóng cây Kơnia (thơ Ngọc Anh, phổ nhạc 1970); lạc quan, vui tươi với Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly); hùng hồn, giục giã ở Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh); lãng mạn trong chiến đấu với Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ, sợi thương (thơ Thúy Bắc); nhớ thương khắc khoải với Ở hai đầu nỗi nhớ (thơ Trần Hoài Thu); vừa cháy bỏng vừa dịu dàng thủy chung trong Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.