Phạm Văn Quân: Đánh thức tình yêu khoa học trong sinh viên

07/01/2013 06:00 GMT+7

Lần đầu đứng lớp giảng dạy bộ môn Thảm họa đô thị, tiến sĩ Phạm Văn Quân nhận phản ứng lập tức từ phía sinh viên ĐH Kiến trúc vốn được xem là cá tính. Người xì xào bàn tán, người thắc mắc về bộ môn lạ lẫm, khó hiểu, nghe tên như sắp đến ngày... tận thế.

Đánh thức tư duy trong sinh viên

Sau màn chào hỏi, thầy giáo trẻ nhẹ nhàng vào đề: “Đây là môn học mới. Là sinh viên (SV) ngành quản lý đô thị và sau này sẽ là những nhà quản lý đô thị, các em cần được trang bị những kiến thức. Vậy, chúng ta cùng nghiên cứu”. Cả lớp lại được phen nhao nhao như ong vỡ tổ. Lần này không còn những tiếng xì xào bàn tán, ai cũng hứng khởi chia tổ, chia nhóm thảo luận.

“Thực ra phương pháp học tương tác rất phổ biến ở các nước phát triển. Với những SV đã quá quen với việc học thụ động, thầy giảng, trò chép khiến cho giờ học tẻ nhạt, nhàm chán. Các em được trao quyền chủ động, không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò mà còn liên kết các SV với nhau. Bằng cách tự chọn đề tài, tự thảo luận, tự tìm tài liệu thuyết trình trước lớp SV sẽ hiểu bài, nhớ bài và quan trọng nhất là có kiến thức kỹ năng thuyết trình, bảo vệ luận án sau này”, tiến sĩ Quân bộc bạch. 

 

Có thể những kiến thức hôm nay mình dạy, mai sau ra trường trở nên lỗi thời, nhưng truyền cho các em động lực nghiên cứu, cách trình bày, cách tư duy, cách học hành kỹ năng giao tiếp, thuyết trình... giúp các em tự tin vững bước vào đời

Để hình dung dễ hiểu, Phạm Văn Quân đưa ra hàng loạt dẫn chứng. Khi sang Nhật làm nghiên cứu sinh, nguyên trong tháng đầu tiên, các SV nước ngoài được tập huấn ứng phó với thảm họa. Động đất, tắt hết điện, bếp gas, trốn trong gầm bàn. Khác hẳn ở Việt Nam, cứ động đất dân tình tán loạn chạy ra đường, như vậy nguy cơ thảm họa rất cao. Lũ lụt cũng vậy, bản chất do mưa, nhưng thiếu kiến thức, trong trận mưa lớn năm 2008 ở Hà Nội có đến 22 người chết. Xuất phát từ thực tế người dân, SV đang thiếu kiến thức liên quan về ứng phó thảm họa tự nhiên và cũng như thảm họa nhân tạo, Quân đưa ra ý tưởng giảng dạy môn học mới phù hợp với thực tiễn.

Để khuyến khích SV “động não” tư duy, thầy Quân sẵn sàng đầu tư cho ngồi quán cà phê, ăn sáng, ăn trưa để các bạn có thời gian thỏa sức sáng tạo. Phong cách giảng dạy lạ, vừa học, vừa chơi, thầy Quân đã thổi bùng đam mê nghiên cứu.  Ngoài bộ môn thảm họa đô thị đã đưa vào giảng dạy, thầy Quân còn đề xuất với nhà trường xây dựng khung chương trình mới cập nhật bổ sung những môn học thiết thực với SV, tăng giờ giảng dạy tiếng Anh, tăng kỹ năng mềm, kỹ năng báo cáo những gì phù hợp với SV, giảm những môn học không cần thiết.

Thầy Quân chia sẻ: “Tôi cũng đã từng là SV, hơn ai hết tôi thấm thía thiếu hụt kỹ năng. Cách đây hơn 10 năm, khi làm báo cáo tốt nghiệp, mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng đứng trước hội đồng, miệng nói lắp bắp, tay chân run như cầy sấy. Đặc thù của SV kiến trúc kỹ năng thuyết trình đồ án cực kỳ quan trọng. Có thể những kiến thức hôm nay mình dạy, mai sau ra trường trở nên lỗi thời, nhưng truyền cho các em động lực nghiên cứu, cách trình bày, cách tư duy, cách học hành kỹ năng giao tiếp, thuyết trình... giúp các em tự tin vững bước vào đời”. 

 Phạm Văn Quân: Đánh thức tình yêu khoa học trong sinh viên
Tiến sĩ Phạm Văn Quân - Ảnh: nhân vật cung cấp

Tình yêu lớn với khoa học

Không chỉ được SV biết đến với phong cách dạy độc, lạ, thầy Quân còn “nổi tiếng” với những đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng quốc tế. Đầu những năm 2000, khi ngành môi trường đang “hot”, người như Quân không thiếu đất dụng võ. Đã có bao lời mời rủ rê Quân bỏ ra ngoài làm việc với mức lương cao ngất, Quân đều từ chối. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Kỹ thuật quân sự; ĐH Bách khoa Hà Nội, Quân về ĐH Kiến trúc làm giảng viên. Xét về thu nhập, thiệt thòi so với ngành nghề khác, nhưng cũng đủ sống, bù lại Quân có nhiều thời gian, tâm sức cho đam mê của mình, đó là: nghiên cứu khoa học.

“Các đô thị lớn Việt Nam đang gặp vấn đề, có nơi quá thừa tài nguyên nước khi thường xuyên có những trận bão gây ngập lụt, có những đô thị khác lại thiếu nước. Tôi đề xuất ý tưởng làm sao tối ưu hóa sử dụng tài nguyên nước một cách sẵn có mà ít phải sử dụng năng lượng nhất” - Phạm Văn Quân chia sẻ. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng giảm thiểu biến đổi khí hậu đã đem về cho anh giải thưởng “Tài năng xanh” và là một trong 20 nhà khoa học trẻ xuất sắc được vinh danh tại CHLB Đức.

Ngoài đề tài cân bằng sử dụng nước, một đề tài có tính thời sự không kém mà Quân đã dành thời gian nghiên cứu trong nhiều năm nay là xử lý rác thải. Về Thái Bình thăm quê, Quân nhận thấy ở các vùng nông thôn chưa có mô hình quản lý rác thải, mạnh ai nấy đổ, rác đổ lộ thiên ra môi trường. Hậu quả, nước ngầm bị ô nhiễm, ruộng lúa xung quanh bãi rác không phát triển, túi ni lông không được thu gom đúng cách phân tán ra môi trường …gây tổn hại sức khỏe người dân. Quân và các đồng nghiệp đề xuất với Bộ Công thương chế tạo dây chuyền phân loại rác thải. Dây chuyền này đã được triển khai thực tế tại tỉnh Hà Nam.

Cùng các đồng nghiệp tại ĐH Kiến trúc Hà Nội tập trung triển khai tiếp các đề tài biến đổi khí hậu, tiết kiệm sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, công trình xây dựng như: sử dụng bê tông xốp, gạch không nung... tác động đến con người các giải pháp thích ứng trong đô thị trong vòng 20 năm tới sẽ sử dụng nhiều các kết quả nghiên cứu.  Theo tính toán của nhà khoa học trẻ, xây dựng là ngành tiêu tốn năng lượng lớn nhất, nhưng khả năng tiết kiệm năng lượng lại rất cao, tỷ lệ tiết kiệm có thể lên tới 30%. “Tôi nghĩ rằng, mình cần đóng góp phần nhỏ vào cải thiện hiện trạng môi trường hiện nay. Hướng đến mục tiêu lâu dài, cải thiện sức khỏe của toàn dân”, TS Quân thổ lộ.

Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật hạ tầng và Quản lý đô thị (ĐH Kiến trúc) bày tỏ: “Trong cuộc sống gấp gáp, bên ngoài chủ yếu lo kiếm tiền, lao vào những công trình làm ăn... những người như Quân là quá quý giá. Đất nước muốn phát triển được, có nền tảng khoa học, những người như Quân là tấm gương đi trước, để những người khác học tập”.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.